Do vị trí công việc, tôi được trang bị kiến thức chuyên sâu về thẻ tín dụng, vì thế, tôi cũng đặt ra nhiều nguyên tắc khi sử dụng sản phẩm này, trong đó có việc cài đặt chế độ thanh toán tự động toàn bộ dư nợ hàng tháng. Nhưng vào thời điểm tôi đang có một khoản vay thế chấp, ngân hàng tăng lãi suất, số tiền tôi phải thanh toán hàng tháng cũng tăng lên. Do lơ đễnh, tôi để số dư tài khoản hụt mất hơn mười nghìn đồng, lệnh thanh toán tự động vì thế không được kích hoạt.
Khi phát hiện ra sự việc, tôi tiếp tục chủ quan, xử lý không rốt ráo và bị phạt lần nữa. Rốt cuộc, tính cả lãi phạt và phí phạt, tôi "mất oan" gần 4 triệu đồng.
Người trong ngành, được trang bị kỹ như tôi mà còn mất tiền, thì việc bao nhiêu khách hàng ngoài kia gặp khó khăn khi dùng thẻ là điều dễ hiểu. Vậy làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông thái với sản phẩm tài chính này?
Trước hết, thẻ tín dụng không phải là thứ ai cũng phải có. Nếu không thực sự có nhu cầu rõ ràng, không kiểm soát tốt chi tiêu và thường mua sắm bốc đồng, bạn không nên mở thẻ.
Một khi đã quyết định dùng thẻ, hãy chọn loại thẻ, dòng thẻ và ngân hàng phù hợp. Nếu bạn hay mua sắm và thích hoàn tiền, hãy chọn loại thẻ Cashback. Nếu bạn thường di chuyển bằng máy bay, các dòng thẻ liên kết tích lũy điểm bay, thẻ vào phòng chờ thương gia, bảo hiểm hàng không sẽ là lựa chọn tốt. Nếu thích mua sắm online ở các website nước ngoài, bạn nên tìm hiểu các dòng thẻ có phí chuyển đổi ngoại tệ tốt nhất...
Và dù dùng loại thẻ nào, những nguyên tắc chung dưới đây cũng đều cần thiết để đảm bảo sử dụng an toàn, hiệu quả.
Tính năng cốt lõi nhất của thẻ tín dụng là chi tiêu trước trả sau. Tức bạn được cấp trước một hạn mức chi tiêu và chu kỳ miễn lãi. Cụ thể, thời gian miễn lãi 55 ngày bắt đầu từ ngày chốt sao kê của tháng này đến ngày chốt sao kê của tháng sau, cộng thêm 25 ngày ân hạn. Điều này cũng tương tự với thẻ có thời hạn 45 ngày, thời gian ân hạn 15 ngày.
Ngân hàng thường sẽ ấn định ngày chốt sao kê khi họ phát hành thẻ nhưng bạn có thể thay đổi sao cho thuận lợi nhất với mình. Hãy chọn ngày chốt sao kê sao cho ngày cuối ân hạn rơi vào sau thời điểm bạn nhận lương hàng tháng để tránh bị trễ hạn thanh toán vì thiếu tiền.
Trễ hạn thanh toán dẫn đến phát sinh phí phạt và lãi phạt, vì vậy thẻ tín dụng nên được mở cùng một tài khoản thanh toán và được cài đặt chế độ trích nợ tự động. Nhưng nếu không duy trì đủ số dư, bạn sẽ mắc phải sai lầm của tôi. Bạn cũng nên chọn nhận sao kê hàng tháng qua email và thông báo biến động số dư qua điện thoại, app. Thẻ tín dụng có chế độ thanh toán tối thiểu 4-5% trên số tiền bạn đã chi tiêu nhưng đừng chọn chế độ này, vì sẽ bị phát sinh lãi suất rất cao và mất luôn chức năng miễn lãi.
Hãy ưu tiên mở thẻ tín dụng ở các ngân hàng có tính năng "3D Secure" (bảo mật hai lớp - là một chương trình an ninh của Visa/ MasterCard/ JCB nhằm đảm bảo chính chủ thẻ hợp pháp đã sử dụng thẻ để thực hiện thanh toán tại thời điểm phát sinh giao dịch). Đừng chọn chế độ ghi nhớ cho website khi sử dụng tính năng này để đảm bảo tất cả giao dịch trực tuyến qua thẻ được chủ thẻ xác thực thêm một lần nữa.
Khi nhận được thẻ tín dụng, bạn hãy ghi nhớ ba ký tự ở mặt sau của thẻ, tức mã CVV, sau đó dán che đi ba mã số này. Thẻ tín dụng phải được xem như vật bất ly thân, không bao giờ để nó vượt khỏi tầm mắt. Khi đi ăn uống ở nhà hàng, khách sạn... nếu muốn thanh toán bằng thẻ tín dụng, hãy yêu cầu nhân viên cầm máy POS đến hoặc theo họ tới quầy và giám sát họ thao tác. Nhiều khách hàng có thói quen kẹp thẻ vào hóa đơn và đợi trả lại thẻ sau, hành động này sẽ tạo ra rủi ro tiềm ẩn. Nếu thẻ của bạn không được tích hợp chức năng bảo mật hai lớp, người ta chỉ việc chụp mặt trước và số CVV là có thể dùng để thanh toán trực tuyến.
Trước khi thanh toán trực tuyến, bạn nên kiểm tra xem website có giao thức bảo mật an toàn không, bằng cách nhìn vào góc phải của thanh địa chỉ. Các website có giao thức bảo mật sẽ có ký hiệu dấu gạch và vòng tròn nhỏ ngược chiều nhau. Nhưng đây chỉ là dấu hiệu đảm bảo website có giao thức bảo mật, chứ không phải website đó hoàn toàn an toàn, không bị giả mạo. Nhiều người dùng đã bị mất tiền vì thanh toán trên những website không an toàn, dẫn đến lộ thông tin thẻ khiến kẻ xấu lợi dụng.
Tiếp theo là vấn đề hạn mức. Chủ thẻ sẽ thích được cấp hạn mức càng cao càng tốt nhưng điều đó cũng có nghĩa bạn có nguy cơ mất nhiều tiền hơn khi sự cố xảy ra. Điều quan trọng là dựa vào thói quen chi tiêu để thiết lập cho mình một giới hạn tương ứng. Hạn mức thẻ tín dụng của tôi là hai trăm triệu đồng nhưng do trung bình nhu cầu của tôi (bao gồm cả thẻ phụ) chỉ ở mức hai mươi triệu nên tôi thiết lập giới hạn ở con số này. Khi có các nhu cầu thanh toán lớn hơn, tôi chỉ việc vào ứng dụng của ngân hàng điều chỉnh lại.
Những gì bạn sử dụng với thẻ sẽ trở thành lịch sử tín dụng của bạn và được lưu trữ lại. Vì vậy, chỉ nên sở hữu tối đa hai thẻ tín dụng và nên là của hai hãng, hai ngân hàng khác nhau, để có thể thay thế khi gặp sự cố. Khi sắp đi nước ngoài hãy gọi lên tổng đài và thông báo cho họ về chuyến đi, vì hầu hết ngân hàng đều có hệ thống phòng chống gian lận thẻ, khi phát hiện các giao dịch bất thường, rất có thể họ sẽ tạm thời khóa thẻ. Tương tự, nếu mất thẻ hãy vào app hoặc gọi lên tổng đài để khóa. Khi tìm lại được thẻ, nếu vẫn không yên tâm, bạn có thể đề nghị ngân hàng phát hành lại thẻ mới.
Theo nghiên cứu, trung bình một người khi dùng thẻ tín dụng sẽ có xu hướng dùng nhiều hơn 113-130% so với người dùng tiền mặt. Trừ trường hợp khẩn cấp, bạn chỉ nên quẹt thẻ với số tiền tương ứng đang có ở tài khoản thanh toán. Điều này giúp bạn không bị rơi vào vòng xoáy nợ nần trước các cám dỗ.
Hãy thử hình dung: ai đó luôn sẵn sàng cho bạn mượn tiền để mua sắm những thứ bạn cần bất kỳ lúc nào và họ cũng không thu lãi từ những khoản này, miễn là bạn tuân thủ những nguyên tắc rõ ràng được giao kèo trước. Đó chính là thẻ tín dụng - một công cụ hữu dụng nếu được sử dụng một cách có hiểu biết và trách nhiệm.
Vì vậy, thẻ tín dụng không đáng sợ, vấn đề nằm ở chỗ, bạn có phải là người tiêu dùng thông thái hay không.
Đức Nguyễn