Vụ việc nổ ra vào ngày 17/2/2020, khi kênh SER đưa tin ban lãnh đạo Barca, từ cuối năm 2017, thuê I3 Ventures - công ty truyền thông thuộc sở hữu của doanh nhân Argentina Carlos Ibanez - để bôi nhọ các cựu cầu thủ và một số cầu thủ hiện tại của CLB, cũng như ứng cử viên tranh chức chủ tịch. "Đánh bóng" hình ảnh của ông Bartomeu và nhiều lãnh đạo Barca lúc đó trên mạng xã hội là một phần việc khác của I3 Ventures.
Cụ thể, I3 Ventures lập ra gần 100 tài khoản Twitter và Facebook để tấn công các cá nhân có tầm ảnh hưởng tại Camp Nou. Nạn nhân của nhóm này gồm Xavi, Gerard Pique, Pep Guardiola, Carles Puyol và cựu chủ tịch Joan Laporta. Ngay cả Lionel Messi cũng bị các tài khoản của I3 Ventures chỉ trích vì chậm trễ trong việc gia hạn hợp đồng với Barca.
Barca trả một triệu euro mỗi năm cho I3 Ventures cho các nhiệm vụ kể trên. Nhưng theo SER, Barca thanh toán bằng nhiều hóa đơn khác nhau, với giá trị mỗi hóa đơn dưới 200.000 euro. Nhờ thế, hợp đồng của Barca với I3 Ventures được thực thi mà không cần thông qua sự phê duyệt của ban giám đốc. Và các khoản thanh toán này cũng không chỉ cho I3 Ventures, mà còn năm công ty khác cũng thuộc quyền sở hữu của Carlos Ibanez
Barca ngay lập tức phủ nhận các cáo buộc chỉ vài tiếng sau công bố của SER, dù thừa nhận I3 Ventures là một trong những nhà cung cấp của CLB. Nhưng cũng không lâu sau đó, đội chủ sân Camp Nou nhanh chóng cắt đứt hợp đồng với I3 Ventures.
Nội bộ ban lãnh đạo Barca chấn động vì vụ việc. Trong ngày thứ Tư 19/2, tức hai ngày sau công bố của SER, ban giám đốc của Bartomeu phải làm việc với Uỷ ban Đại diện các Hội viên CLB. Nhưng tới ngày 21/2, căng thẳng leo thang khi hội đồng quản trị Barca họp bất thường.
Tại đây, một nhóm thành viên ban điều hành yêu cầu Bartomeu giải trình về những sự việc đã xảy ra. Nhóm này cũng đòi CLB xúc tiến bầu cử chủ tịch sớm, thay vì chờ tới thời gian dự kiến là 2021, và quy trách nhiệm cho Jaume Masferrer, Chánh văn phòng Chủ tịch của Barca.
Bartomeu bác đòi hỏi đầu tiên, nhưng đồng ý với đòi hỏi thứ hai - đình chỉ công tác và dừng trả lương cho Masferre. Ngoài ra, đội chủ sân Nou Camp cũng sẽ thuê một công ty kiểm toán độc lập để kiểm toán nội bộ việc ký hợp đồng với I3 Ventures. Công ty được chọn là PriceWaterhouseCoopers (PWC).
Một ngày sau cuộc họp bất thường, Barca tiếp Eibar tại Nou Camp. Và nhân dịp này, nhiều CĐV đã tuần hành trước trận đấu, mang theo vào sân các biểu ngữ phản đối, và yêu cầu "Chủ tịch Bartomeu phải từ chức".
Vụ việc cũng làm nảy sinh các nghi vấn tham nhũng. Theo Marca, Cơ quan điều tra của Cảnh sát Catalonia nghi ngờ đã có dấu hiệu sai phạm quản lý nếu Barca trả số tiền cao hơn giá thị trường cho đối tác I3 Ventures. Bên cạnh đó, dấu hỏi về việc có hay không việc một cá nhân từ phía Barca tham nhũng, thông qua hình thức nhận tiền hoa hồng từ hợp tác với I3 Ventures.
Trong báo cáo được gửi tới Thẩm phán Alejandra Gil Lima của Toà án số 13 Barcelona, cơ quan điều tra cảnh báo dấu hiệu tham nhũng. Barca được cho có thể trả số tiền "cao gấp sáu lần giá thị trường" cho các hoạt động hợp tác với I3 Ventures.
Tới ngày 27/2, vụ việc có thêm tình tiết mới khi tờ El Pais công bố các tài liệu cho thấy hàng tá tài khoản Twitter giả mạo được lập trên cơ sở dữ liệu của Nicestream - công ty mẹ của I3 Ventures và cũng thuộc sở hữu của Carlos Ibanez. Những tài khoản Twitter này cùng sáu tài khoản Facebook khác đã được dùng để hạ thấp uy tín, tấn công, bôi nhọ nhiều cá nhân, gồm cả một số nhà báo, liên quan tới Barca.
Đến ngày 8/4, Bartomeu tiến hành thanh trừng các thành viên trong ban lãnh đạo mà ông thấy không còn tin tưởng. Cụ thể, bốn cái tên đã được Chủ tịch lúc ấy đề nghị từ chức. Nhưng một ngày sau, có tới sáu người nộp đơn xin từ nhiệm, gồm đó hai phó Chủ tịch Emili Rousaud và Enrique Tombas, cùng các giám đốc Silvio Elias, Maria Teixidor, Josep Pont và thư ký Jordi Clasamiglia. Nhóm sáu người này đồng thời gửi một tài liệu công chứng mà đến giờ vẫn chưa được Barca công bố nội dung.
Ngày 9/6, Barca quyết định đình chỉ công tác bà Noelia Romero, Kiểm soát viên của CLB, trong 23 ngày. Romero là người đứng đầu nhóm kiểm toán nội bộ của Barca làm việc song song với PWC, nhưng họ kết thúc công việc từ đầu tháng Tư, trước khi sáu thành viên ban giám đốc từ chức.
Tám ngày sau, thẩm phán Tòa Barcelona số 13, Adriana Gil, nhận đơn khiếu nại từ Dignitat Blaugrana - bộ phận nội dung số của Barca - về cáo buộc quản lý yếu kém và/hoặc tham nhũng của một số Giám đốc trong bộ sâu của Bartomeu trong vụ Barcagate. Hệ quả là trong tuần từ 29/6, cảnh sát Catalonia đã tiến hành lục soát tài liệu liên quan tại các văn phòng của Barca tại sân Camp Nou.
Tuy nhiên, đến ngày 3/7, sau khi hoàn tất quá trình kiểm toán độc lập, PWC công bố báo cáo, với năm kết luận, chứng minh sự trong sạch của Barca. Trong đó, "ban lãnh đạo Barca đã không yêu cầu thực hiện chiến dịch phỉ báng bất cứ cá nhân nào" và "không có hành vi tham nhũng", và số tiền Barca trả cho I3 Ventures tuân theo giá thị trường trong các hoạt động hợp tác.
Nhưng dù được PWC chứng minh là trong sạch trong Barcagate, uy tín của Bartomeu và bộ sậu vẫn giảm sút thảm hại. Tới ngày 27/10, Bartomeu cùng toàn bộ Hội đồng quản trị Barca từ chức, sau khi không thể trì hoãn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Phe chống đối Bartomeu thu thập được 20.687 phiếu ủng hộ, vượt qua ngưỡng 16.250 phiếu cần thiết để tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Tới 1/3/2020, Bartomeu cùng hai cộng sự thân tín của ông trong ban lãnh đạo bị bắt. Vụ bắt giữ này diễn ra chỉ sáu ngày trước cuộc bầu cử chủ tịch mới của Barca. Joan Laporta đang được coi là ứng viên sáng giá đắc cử, sau giai đoạn 2003-2010 làm chủ tịch.
Duy Anh tổng hợp