Khi Jordi Farre, một thành viên chống đối Bartomeu công khai và dai dẳng, khởi động hành trình thu thập chữ ký của các hội viên để lật đổ vị chủ tịch kém cỏi này, rất ít người tin ông thành công. Thậm chí, khi các ứng viên tranh cử Chủ tịch nhiệm kì tới là Victor Font, Lluis Fernandez, và tám hội viên khác của CLB, đồng hành cùng Farre trong hành trình này, nó vẫn bị coi là nhiệm vụ bất khả thi.
Barca có trên 120.000 hội viên, và nhiệm vụ của phe chống đối là phải thu thập được ít nhất 16.520 chữ ký ủng hộ, để khởi động một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Lịch sử cho thấy hành trình lật đổ các chủ tịch đương nhiệm luôn tốn nhiều công sức. Năm 1998, 5.664 hội viên ký vào đơn đồng ý bãi nhiệm Josep Lluis Nunez. Năm 2008, cần 9.145 chữ ký để hạ bệ Joan Laporta. Hè năm nay, bên cạnh số lượng chữ ký đã tăng đáng kể, Farre còn phải đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính và ẩn họa từ dịch Covid-19 ở Catalonia. Rất khó để chính quyền bản xứ đồng ý tổ chức cuộc thu thập chữ ký công khai, khi điều lệ CLB yêu cầu hội viên phải đích thân đến các địa điểm đó, mang theo bản photo của căn cước công dân, và thẻ hội viên Barca.
Dù vậy, phe của Farre đã thu thập được 20.687 chữ ký - con số vượt xa kỳ vọng. Marc Duch, người phát ngôn của phong trào Mes que una Mocio (Hơn cả một cuộc lật đổ) cũng tỏ ra ngạc nhiên trước thành quả của cả nhóm: "Chúng tôi hướng tới mốc 16.000 chữ ký, dù biết rằng sẽ vô cùng khó để đạt tới mục tiêu đó. Nguyên nhân chính của kết quả này là tất cả đều mệt mỏi, các hội viên đã có nhiều năm chán nản và giận dữ, từ scandal dùng truyền thông bẩn để đâm sau lưng các huyền thoại, đến việc khiến đội bóng kiệt quệ về tài chính với những bản hợp đồng kỳ lạ. Mọi thứ đều hỏng bét hết cả. Các CĐV chán đến tận cổ rồi".
Theo đúng quy trình, sau khi thu thập từng đó chữ ký ủng hộ, nhóm của Farre sẽ đi đến bước tiếp theo là tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu hai phần ba số hội viên nói "Có", ban lãnh đạo hiện thời sẽ phải dừng cuộc chơi.
Nhưng trước đó, họ còn phải vượt qua quá trình thẩm định tính hợp lệ của những chữ ký, với sự tham gia của Ban giám đốc Barca. Từ người đứng đầu bộ phận pháp lý Roman Gomez Ponti, đến Luật sư của CLB - Eloi Castellarneu đều lên tiếng nghi ngờ tính hợp pháp của kết quả. Ban lãnh đạo Barca gửi thư đến Tòa án dân sự Tây Ban Nha, yêu cầu ngăn chặn quá trình thu thập chữ ký, và bày tỏ lo ngại rằng 2.800 thẻ hội viên giả đã được sử dụng để khai khống số lượng chữ ký. "Với tôi, nó như thể bạn đang bị dẫn 0-5 trong một trận bóng đá. Nên bạn bắt đầu chơi bẩn, đá đối thủ, gây rối trên sân vậy. Không khác gì trẻ nít", một nguồn tin phía Farre nhận xét về động thái này trên The Athletic.
Đến giai đoạn này, thực chất Bartomeu và bộ sậu vẫn có thể tìm ra nhiều lý do để trì hoãn tiến trình của phe chống đối. Covid-19 cũng khiến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khó được tổ chức rộng rãi, vì điều lệ Barca không chấp nhận kết quả bỏ phiếu online.
Phe chống đối muốn hạ bệ Bartomeu càng sớm càng tốt, vì lo ngại nếu đợi đến khi cuộc bầu cử chủ tịch mới vào tháng 3/2021, Bartomeu sẽ đưa ra thêm các quyết định tai hại khác, ảnh hưởng xấu hơn đến tình hình tài chính và nhân sự. Ví dụ, việc tăng lương cho các cầu thủ, hoặc thực hiện kế hoạch bảo trì sân Camp Nou, dự kiến tiêu tốn hơn 800 triệu euro ngân sách. Nếu hạ bệ được Bartomeu, sẽ có một ban điều hành tạm quyền lên thay. Nhưng ban này không được đưa ra quyết định hệ trọng, mà chỉ làm tạm đến khi Barca có chủ tịch mới.
Điều Farre lo ngại đã không xảy ra. Hôm thứ Hai 26/10, Bartomeu và các Giám đốc đương nhiệm còn khẳng định giữ ghế đến cùng. Nhưng đến tối thứ Ba theo giờ Catalonia, Bartomeu cùng bộ sậu đã tuyên bố từ chức, sau bài phát biểu kéo dài 45 phút.
Nó là một quyết định gây chấn động. Về lý, Bartomeu chưa thua phe chống đối, hoàn toàn đủ quyền hạn ngồi ghế chủ tịch đến tháng 3/2021. Nhưng khi nhận thấy làn sóng phản kháng quá mạnh, mà kết quả 20.687 chữ ký chống lại ông là một bằng chứng, thì Bartomeu đã ngửi thấy mùi thất bại.
Lên tiếp quản ghế chủ tịch Barca vào tháng 1/2014 thay Sandro Rosell, người bất ngờ từ chức vì bê bối chuyển nhượng Neymar, Bartomeu mang về 13 danh hiệu các loại, trong đó có bốn La Liga, một Champions League. Nhưng những chiếc cúp này không phản ánh sự đổ vỡ bên trong của CLB, không chỉ qua các hợp đồng thất bại với Ousmane Dembele, Philippe Coutinho, Antoine Griezmann, bê bối đâm lén các trụ cột bằng truyền thông bẩn, thảm bại 2-8 dưới tay Bayern ở Champions League mùa trước. Sự đổ vỡ ấy còn thể hiện ở hiện trạng tài chính kiệt quệ vì các quyết định nhân sự khó hiểu, sự bất tuân của cầu thủ trụ cột, mà hành động đòi ra đi của Lionel Messi hè này là đỉnh điểm.
Một ban điều hành mới sẽ là điều kiện cần để Messi từ bỏ ý định ra đi, thậm chí đồng ý gắn bó với Barca đến cuối sự nghiệp, với hy vọng giành nhiều danh hiệu nữa. Messi nhiều lần nói, ở lại Barca vẫn là lựa chọn lý tưởng nhất với anh, nên sự ra đi của Bartomeu sẽ mở ra cơ hội thảo luận mới cho đội ngũ kế cận với cha và cũng là người đại diện của anh, ông Jorge, về cách thức hợp tác trong thời gian tới.
Nó cũng sẽ kéo theo một hệ quả nữa, là niềm tin vào Ban giám đốc sẽ được cải thiện ngay lập tức, với lý do đơn giản là vì Bartomeu không còn ngồi đó nữa. Gerard Pique từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn tuần trước rằng, "cầu thủ hiện tại đã mất hoàn toàn niềm tin vào ban lãnh đạo". Một làn gió mới ở thượng tầng, sự ở lại của Messi, nếu có, chẳng khác nào một liều thuốc tăng lực cho Barca trong tình cảnh này.
Carlos Tusquets, hiện làm việc ở Ban tài chính của Barca, được chỉ định làm Chủ tịch tạm quyền thay Bartomeu. Ban giám đốc dưới ông có tối thiểu bảy người, phần lớn đến từ Ban tài chính và Ban kỷ luật. Tusquets là thành viên Ban lãnh đạo Barca dưới thời chủ tịch Josep Lluis Nunez, hiện là Chủ tịch ngân hàng tư nhân Banco Mediolanum, mà một khách hàng của họ là vị cựu thủ tướng Italy gây tranh cãi trước đây: Sylvio Berlusconi.
Tusquets sẽ làm tạm đến khi cuộc bầu cử Chủ tịch mới được tổ chức. Theo điều lệ, bất cứ hội viên nào cũng được ứng cử, chỉ cần họ thu thập đủ 5.506 chữ ký đồng ý, và được các thành viên khác bảo lãnh, cùng việc có chữ ký đảm bảo của ngân hàng với số tiền tương đương 15% ngân sách hàng năm của CLB (vào khoảng 120 triệu euro). Điều kiện cuối cùng đó khiến chỉ có năm ứng viên được nêu tên, gồm Victor Font, Toni Freixa, Agusti Benedito, Jordi Farre và Lluis Fernandez. Trong số này, Font là ứng viên nặng ký nhất, và được cho là người ủng hộ mạnh mẽ cho sự trở lại của Xavi Hernandez trên cương vị HLV đội bóng.
Ở tình cảnh này, gần như chắc chắn Barca sẽ không chi mạnh để tăng cường lực lượng trong tháng 1/2021. Bên cạnh khoản thâm hụt 100 triệu euro trong mùa vừa qua, vì không có Chủ tịch chính thức, họ sẽ không có phê duyệt tài chính để mua sắm. Tusquets là chủ tịch tạm quyền, được điều hành CLB, nhưng chỉ được duyệt chi các khoản chi phí hoạt động tối thiểu như tiền điện, nước, ga, hay các chi phí nhỏ khác. Ông sẽ không thể hiện thực hóa giấc mơ mang về Memphis Depay hay Eric Garcia mà HLV Ronald Koeman mong mỏi từ mùa Hè.
Với hoàn cảnh đó, rất có thể Tusquets sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử sớm, dự kiến cuối tháng 1/2021, hoặc thậm chí sớm hơn, để Barca nhanh chóng ổn định hoạt động, đặc biệt là chuẩn bị cho các kì chuyển nhượng sắp tới.
Một cuộc sống mới được cho là tốt đẹp hơn đang chờ họ sau khi Bartomeu rời ghế. Nhưng trước mắt, mọi thứ vẫn vô cùng hỗn loạn.
Đỗ Hiếu tổng hợp