![]() |
Nhiều nơi trên thế giới vẫn đang xảy ra xung đột (điểm đỏ). |
Vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm hiện nay là các cuộc chiến tranh và xung đột liên quan đến một tôn giáo với số tín đồ đông đảo có mặt trên khắp hành tinh: đạo Hồi. Người trong đạo đánh lẫn nhau, giáo dân Hồi xô xát với những nhóm không theo đạo này nhiều hơn những người thuộc các nền văn minh và văn hóa khác. Chiến tranh Hồi giáo đã thay thế Chiến tranh Lạnh, dưới hình thức xung đột mang tính toàn cầu: chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh du kích, nội chiến và xung đột giữa các quốc gia.
Những ví dụ về bạo lực liên quan đến đạo Hồi như trên có thể tổng kết lại là một cuộc xung đột giữa các nền văn minh: đạo Hồi và phương Tây, hoặc giữa đạo Hồi và phần còn lại của thế giới.
Thời đại chiến tranh Hồi giáo bắt đầu từ khi Chiến tranh Lạnh đi vào thoái trào trong thập kỷ 80. Năm 1980, Iraq, Iran đánh nhau. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người và làm hàng trăm nghìn nạn nhân bị thương. Cùng lúc đó, Liên Xô cũ tiến vào Afghanistan và vấp phải sức kháng cự quyết liệt của dân quân nước này. Afghanistan đã giành được chiến thắng nhờ sự trợ giúp về tài lực và vũ khí hiện đại từ Mỹ, Ảrập Xêút và Pakistan. Ngoài ra, hàng nghìn chiến binh từ các nước Hồi giáo khác cũng đã đến đây để tham dự “thánh chiến”. Sau đó, năm 1990, Saddam Hussein, đương kim Tổng thống Iraq, tấn công sang nước láng giềng Kuwait. Mỹ lại tập hợp liên quân, trong đó có nhiều quốc gia đạo Hồi, để đánh bại Baghdad.
Trong những năm 90, bạo lực xảy ra giữa tín đồ Hồi và những người không theo đạo này bùng nổ ở nhiều nơi, từ Kosovo, Bosnia, Mecedonia, Chechnya, Azerbaijan, Tajikistan, đến Kashmir, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Trung Đông, Sudan và Nigeria. Chiến binh mujahideen từ cuộc chiến ở Afghanistan là lực lượng chủ chốt trong rất nhiều cuộc xung đột tại các quốc gia này cũng như các tổ chức khủng bố trên khắp thế giới. Giữa thập kỷ 90, hầu hết đụng độ giữa các dân tộc thiểu số đều xuất phát từ hiềm khích giữa những người theo đạo Hồi và dân ngoại đạo. Theo tạp chí The Economist, 11-12 trong số 16 vụ khủng bố quốc tế, giữa khoảng 1983-2000, là do những phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện. Trong danh sách 7 quốc gia bị coi là "nước dung túng cho chủ nghĩa khủng bố" của Bộ Ngoại giao Mỹ, có tới 5 nước Hồi giáo. Giai đoạn 1980-1995, quân đội Mỹ tham gia tổng cộng 17 chiến dịch chống người Hồi giáo. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ), năm 2000 có tất cả 32 cuộc xung đột vũ trang, và hơn 2/3 số này có liên quan đến các phần tử Hồi giáo. Người theo đạo Hồi hiện chiếm khoảng 1/5 dân số thế giới.
Vậy là, cuộc “chiến tranh mới” này, theo định nghĩa của Mỹ kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, không phải quá mới mẻ. Nó chỉ là hệ quả của những vụ xung đột bạo lực liên quan tới giáo dân Hồi, khá lâu trước đây. Đến năm 1993, các vụ tấn công vào người Mỹ và cơ quan của nước này trên thế giới đa phần đều quy về một nhân vật được coi là trùm khủng bố - Osama bin Laden, nhà tỷ phú gốc Ảrập Xêút, thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Qaeda. Chiến dịch truy quét của quân đội Mỹ cùng các đồng minh hiện nay ở Afghanistan cũng nhằm tiêu diệt thành viên của tổ chức này và người đứng đầu nó.
Nguyên nhân chủ yếu: chính trị
![]() |
Tín đồ Hồi giáo trong một buổi hành lễ. |
Chiến tranh Hồi giáo hiện nay không phải bắt nguồn từ ý thức hệ và tín ngưỡng như Thiên Chúa giáo, theo đó tín đồ có thể dùng giáo lý để phân biệt trái phải, chiến tranh và hòa bình. Mà nguyên nhân là do chính trị.
Đầu tiên, một trong những khuynh hướng phát triển văn hóa, xã hội và chính trị đáng kể nhất trong vài chục năm qua là ý thức, bản sắc và phong trào Hồi giáo. Tinh thần Hồi giáo ngày càng dâng cao ở các dân tộc theo đạo này, khắp mọi nơi trên thế giới. Xu hướng đó cũng là do tác động của quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Xét về nhiều mặt, nó rất có ích. Các tổ chức Hồi giáo đã hướng vào đáp ứng nhu cầu của số tín đồ không ngừng tăng lên tại những khu đô thị, bằng cách trợ giúp xã hội, hướng dẫn tu dưỡng đạo đức, cung cấp các khoản phúc lợi, dịch vụ y tế, giáo dục và hỗ trợ người thất nghiệp. Tóm lại là tất cả những gì mà chính phủ nhiều khi không làm nổi.
Nhưng sự lớn mạnh của đạo này cũng sản sinh ra nhiều phần tử quá khích, sẵn sàng lên đường gia nhập các tổ chức cực đoan và tiến hành chiến tranh chống lại những đồng loại không cùng chung tôn giáo với mình.
Thứ hai, thế giới Hồi giáo, đặc biệt là dân Ảrập, sẵn có mối bất bình, căm ghét và ghen tị với phương Tây. Một phần điều này là hậu quả của chủ nghĩa đế quốc và sự đô hộ của phương Tây áp đặt lên thế giới Hồi giáo trong hầu hết thế kỷ 20. Phần còn lại là do những chính sách của phương Tây, trong đó có Mỹ đối với Iraq (từ năm 1991) và quan hệ của Nhà Trắng với Israel. Nói rộng ra, bản thân dân theo đạo Hồi cũng chống lại chính phủ quản lý kém hiệu quả và tham nhũng của họ, và không bằng lòng với những nước ủng hộ các chế độ đó.
Thứ ba, sự chia rẽ giữa các bộ lạc, nhóm dân tộc thiểu số, chính trị và văn hóa trong nội bộ thế giới Hồi giáo cũng góp phần gây ra tình trạng bạo lực giữa tín đồ đồng đạo.
Cuối cùng, ngày càng có nhiều người theo đạo Hồi vì tỷ lệ sinh trong các xã hội Hồi giáo ngày càng tăng. Theo giáo lý đạo này, một đứa trẻ được nghiễm nhiên coi là một tín đồ nếu có cha là người Hồi. Các thủ tục gia nhập tôn giáo này cũng rất đơn giản, không phân biệt đối tượng và thành phần xã hội.
Trên đây là những yếu tố khởi nguồn của tình trạng bạo lực liên quan đến những tín đồ Hồi giáo. Cho đến nay, nạn bạo lực đó đã được khu vực hóa, và ngày càng lôi kéo nhiều người tham gia. Liệu nó có trở thành một cuộc xung đột lớn giữa đạo Hồi và phương Tây hay các nền văn minh khác không?
Tờ Newsweek nhận định: Rõ ràng đây là ý đồ của Osama bin Laden. Nhân vật này đã tuyên bố tiến hành thánh chiến chống lại Mỹ, khuyến khích tín đồ Hồi giáo giết bất cứ ai là công dân Mỹ. Ông ta chưa thực hiện được ý định của mình một phần là do nội bộ thế giới Hồi giáo chia rẽ. Trong khi đó, Mỹ đã khởi động chiến dịch chống khủng bố trên toàn thế giới. Trên thực tế, có rất nhiều cuộc chiến do chính quyền các nước xúc tiến chống lại nhiều nhóm khủng bố. Mỹ chú trọng nhất đến tổ chức Al-Qaeda, còn các quốc gia khác lại chú ý tới quân khủng bố trong lãnh thổ của mình (như Philippines với nhóm Abu Sayyaf).
Xung đột văn minh
Nguy cơ xung đột văn minh đang tồn tại. Thái độ của cộng đồng quốc tế đối với thảm họa 11/9 và phản ứng của Mỹ sau sự kiện này đã chứng tỏ như vậy. Chính phủ và nhân dân các nước phương Tây đều hoàn toàn thông cảm và tỏ ra ủng hộ cuộc chiến của Washington. Mỹ cũng có chung nền văn hóa Anglo với những quốc gia đồng minh hiện nay là Anh, Canada và Australia. Ngoài ra, Pháp, Đức, và các nước châu Âu khác cũng tán thành hành động của Nhà Trắng. Họ đều coi cuộc tấn công vào nước Mỹ hồi năm ngoái cũng như đánh vào chính bản thân mình, điển hình là một tiêu đề trên tờ báo nổi tiếng Le Monde: Chúng ta đều là người Mỹ! Và tuyên bố của những người dân ở thủ đô Berlin (Đức) nhắc lại lời cựu tổng thống Mỹ Kennedy “Chúng ta đều là người New York”. Các đại gia khác không thuộc phương Tây và văn minh Hồi giáo như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ với Mỹ.
![]() |
Các chiến binh Hồi giáo luôn sẵn sàng tham gia thánh chiến. |
Phần lớn các chính phủ Hồi giáo đều lên án những vụ tấn công khủng bố, và lo lắng trước mối hiểm họa của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tuy vậy, chỉ có Uzbekistan, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp tán thành cách xử sự của Mỹ. Trong thế giới Ảrập, cũng chỉ Jordan và Ai Cập hưởng ứng lời kêu gọi của Washington. Tại các nước đạo Hồi, rất nhiều dân phản đối hành động quân sự của Mỹ. Nếu Nhà Trắng và các đồng minh càng kéo dài biện pháp bạo lực thì tín đồ đạo Hồi càng phẫn nộ. Có thể nói vụ 11/9 đã tạo nên một phương Tây đoàn kết. Còn nếu sự trả thù của Mỹ kéo dài, Hồi giáo nhiều khả năng sẽ trở thành một khối thống nhất.
Thời đại chiến tranh Hồi giáo sẽ kết thúc khi các yếu tố trên thay đổi hoặc bị thay đổi. Đến những thế hệ tương lai, sự phát triển của đạo Hồi có thể sẽ giảm đi như ở Iran hiện nay. Thái độ bất bình và lòng căm ghét của giáo dân Hồi với phương Tây có thể sẽ bớt dần khi Mỹ thay đổi chính sách đối với Israel. Tuy nhiên, về lâu dài, cần cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và chính trị ở các quốc gia đạo Hồi. Chính phủ nào không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của nhân dân và áp bức tự do của họ, sẽ tự chuốc lấy tai họa. Có khả năng trong những năm tới, mối bất hòa giữa các cộng đồng Hồi giáo vẫn chưa được giải quyết xong, nhưng tình trạng "nhân khẩu" của đạo Hồi sẽ lạc quan hơn. Tỷ lệ sinh ở nhiều nước đạo Hồi đã giảm, ví dụ như vùng bán đảo Balkans. Vào những năm 2020, số dân Hồi giáo trẻ sẽ ít đi. Đến một lúc nào đó, chiến tranh Hồi giáo sẽ đi vào lịch sử và một loại hình bạo lực khác lại xuất hiện trong thế giới loài người.
Tú Đạt (theo Newsweek)