Thời gian tới, ở nhiều nút giao thông lớn tại TP HCM, người dân có thể dễ dàng nhận thấy những biển báo mới mang nội dung "Chú ý nhường đường cho xe rẽ phải" được lắp đặt kèm theo các vạch sơn mắt võng trên mặt đường.
Hơn 300 biển báo như vậy đang được triển khai khắp các tuyến đường trung tâm như Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Du... Đây là một phần trong kế hoạch phối hợp giữa Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và lực lượng CSGT nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc tại các giao lộ.
Tuy nhiên, theo tôi để những bảng hiệu này thật sự phát huy hiệu quả, có lẽ điều quan trọng không kém là thái độ và ý thức tham gia giao thông của mỗi người.
Chúng ta cần hiểu rằng nhường đường cho xe rẽ phải là để hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, không phải đường nào cũng có thể nhường đường. Có lần tôi bị xe phía sau bấm còi thúc đòi nhường đường. Nhưng khổ nỗi đường có hai làn, một làn ôtô và một làn cho xe máy.
Thành phố không có quá nhiều con đường lớn với 4 đến 7 làn xe mỗi chiều, được phân làn riêng biệt cho từng loại phương tiện. Phần đông vẫn là các tuyến đường nhỏ đến vừa, mỗi chiều chỉ có một, hai làn, và thường là làn hỗn hợp, tức là xe máy và ô tô cùng sử dụng một không gian lưu thông.
Trong bối cảnh đó, chuyện rẽ phải tưởng như đơn giản lại trở thành điểm nóng của không ít va chạm và tranh cãi.
Nhiều người, khi gặp đèn đỏ, lập tức muốn rẽ phải mà không quan sát kỹ phía trước hay tuân theo nguyên tắc nhường đường. Họ bấm còi inh ỏi để đòi quyền đi trước, trong khi phía trước có thể đang kẹt cứng hoặc không còn lối đi. Đặc biệt là ở các làn hỗn hợp, nơi không có làn rẽ riêng, việc đòi hỏi người khác nhường bằng cách gây áp lực âm thanh là hành vi không đúng quy tắc, thậm chí thiếu văn minh.
Trong các làn hỗn hợp, tôi nghĩ ai đến trước, người đó có quyền đi trước. Khi gặp cảnh ùn ứ, thay vì bấm còi đòi đường, tạo thêm căng thẳng và ô nhiễm tiếng ồn, đôi khi chỉ cần chờ thêm vài chục giây, mọi chuyện sẽ được giải quyết trong hòa nhã. Một chút kiên nhẫn, một thái độ tôn trọng người khác sẽ giúp giao thông trở nên dễ thở hơn cho tất cả mọi người.
Không thể phủ nhận rằng việc triển khai các biển báo nhường đường là một bước tiến tích cực trong việc cải thiện ý thức giao thông đô thị.
Nhưng những giải pháp kỹ thuật chỉ là một phần của bức tranh tổng thể. Phần còn lại và cũng là phần khó nhất nằm ở con người. Giao thông đô thị không thể vận hành trơn tru nếu mỗi cá nhân chỉ biết nghĩ đến sự tiện lợi của riêng mình mà quên đi lợi ích của người xung quanh.
Trong một thành phố đông đúc sự vội vàng gần như là phản xạ tự nhiên. Nhưng chính vì thế, mỗi hành động nhỏ có ý thức, như chờ rẽ phải đúng luật, như không bấm còi thúc ép vô lý, lại có ý nghĩa lớn. Nó là biểu hiện của một xã hội biết nhường nhịn, biết đặt lợi ích chung lên trên cái lợi nhỏ trước mắt.
Khi chúng ta học cách nhường, ta cũng đang học cách sống chậm lại một chút, nghĩ nhiều hơn cho người khác, và chính điều đó làm nên sự văn minh đích thực.