Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây nhiều lần cho rằng nước này nên mua lại đảo Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, để đảm bảo "an ninh quốc gia". Ngày 7/1, ông Trump không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để giành Greenland và áp thuế nếu Đan Mạch "ngáng đường".
Loạt diễn biến khiến chính trường Đan Mạch trở nên u ám.
Thủ tướng Mette Frederiksen không cho rằng ông Trump sẽ dùng vũ lực để kiểm soát Greenland, trong khi Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen cho biết Đan Mạch "đang hết sức nghiêm túc xem xét tình hình" và nước này không muốn leo thang khẩu chiến với Mỹ. Lars Sandahl Sorensen, giám đốc điều hành Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch (DI), nói "không có lý do phải mất bình tĩnh, vì không ai muốn vướng vào một cuộc chiến thương mại".
Nhưng đằng sau những tuyên bố này, giới chức Đan Mạch đã gấp rút tổ chức nhiều cuộc họp cấp cao ở Copenhagen để thảo luận về tình hình, cho thấy những phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ vẫn gây nhiều lo ngại.
Thủ tướng Frederiksen tối 9/1 triệu tập họp bất thường với lãnh đạo các chính đảng tại quốc hội Đan Mạch, bao gồm cả hai nghị sĩ đại diện cho Greenland, để thông báo cách chính phủ đang giải quyết vấn đề. Trong cuộc họp, bà Frederiksen tiết lộ đã đề nghị thảo luận trực tiếp với ông Trump, nhưng cho rằng cuộc gặp nhiều khả năng sẽ không diễn ra trước khi Tổng thống đắc cử nhậm chức ngày 20/1.
Morten Messerschmidt, lãnh đạo đảng cánh hữu Nhân dân Đan Mạch, "hoàn toàn tin tưởng rằng Đan Mạch muốn phối hợp chặt chẽ với Mỹ, đồng minh chính trị, quốc phòng và kinh tế quan trọng nhất". Nhưng lãnh đạo đảng Dân chủ Đan Mạch Inger Stojberg lại có ấn tượng rằng chính phủ "không có kế hoạch cụ thể" và như "bị tê liệt" trước những lời đe dọa liên tục của Tổng thống đắc cử Mỹ.
Trong khi đó, Aki-Mathilda Hoegh-Dam, nghị sĩ đại diện Greenland, tán dương bà Frederiksen. "Tôi nghĩ quan trọng là phải giữ cái đầu lạnh và nhớ rằng chúng ta có một mối quan hệ đối tác tốt đẹp. Chuyện này không khiến tình hình thay đổi", bà Hoegh-Dam nói.
Sau cùng, Thủ tướng Frederiksen cho rằng "Greenland là của người dân hòn đảo và họ là bên quyết định tương lai của mình". Bà Frederiksen trước đó đã gặp lãnh đạo Greenland Mute Egede để trao đổi. Ông Egede ủng hộ Greenland độc lập và tuyên bố hòn đảo không phải để bán.
Giới quan sát nhận định cách tiếp cận của bà Frederiksen cho thấy sự thận trọng của Thủ tướng Đan Mạch để không làm leo thang căng thẳng với Mỹ, tránh những hệ lụy tiềm ẩn.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng ngỏ ý muốn mua Greenland năm 2019 và bị bà Frederiksen bác bỏ là "lố bịch". Động thái khiến ông Trump hủy thăm Đan Mạch và công kích bà Frederiksen là "quý bà xấu tính".
"Khi đó, ông ấy chỉ còn một năm là kết thúc nhiệm kỳ, mọi thứ trở lại bình thường", nhà báo chính trị kỳ cựu Erik Holstein nói với BBC.
Lần này, ông Trump còn chưa bắt đầu nhiệm kỳ hai, trong khi còn cảnh báo "áp thuế rất cao với Đan Mạch" nếu nước này từ chối bàn giao Greenland, khiến cộng đồng doanh nghiệp lo lắng. Nghiên cứu năm 2024 do DI thực hiện cho thấy GDP Đan Mạch sẽ giảm 3 điểm phần trăm nếu Mỹ áp thuế 10% với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, mà Đan Mạch là thành viên.
Mặt khác, các bình luận của bà Frederiksen cũng thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Greenland. Động thái dường như nhằm tránh gây bất hòa với Greenland, khi mà hòn đảo tự trị này đang ngày càng muốn độc lập khỏi Đan Mạch.
Theo thỏa thuận ký với Đan Mạch năm 2009, Greenland chỉ có thể độc lập nếu tổ chức trưng cầu dân ý thành công về ý định này. Hầu hết các nhà bình luận đều dự đoán Greenland sẽ sớm trưng cầu dân ý để độc lập.
Với nhiều người, tách khỏi Đan Mạch có thể là thắng lợi của Greenland nhưng cũng sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề mới, bởi hòn đảo phụ thuộc vào Copenhagen trong chính sách tiền tệ, đối ngoại và quốc phòng, cùng với đó là các khoản trợ cấp đáng kể.
Cách ứng phó thận trọng của bà Frederiksen đã vấp phải chỉ trích trong chính trường Đan Mạch. "Bà ấy nên bác bỏ tuyên bố của ông Trump một cách dứt khoát hơn", nghị sĩ đảng Nhân dân Bảo thủ đối lập Rasmus Jarlov nói, thêm rằng Tổng thống đắc cử Mỹ đang thể hiện sự thiếu tôn trọng "chưa từng thấy" với các đồng minh.
Ông Jarlov cho rằng việc bà Frederiksen nhấn mạnh "chỉ Greenland mới quyết định tương lai của Greenland" tạo ra quá nhiều áp lực lên người dân đảo. "Sẽ khôn ngoan hơn nếu đứng về phía Greenland và nêu rõ Đan Mạch không muốn Mỹ kiểm soát hòn đảo".
Đan Mạch dường như đang chuẩn bị hết sức có thể để vượt qua "cơn bão Trump", khi ngày ông nhậm chức cận kề. Copenhagen có thể hy vọng tân lãnh đạo Mỹ sẽ sớm chuyển sự chú ý sang các quốc gia khác, và vấn đề Greenland tạm thời được gác lại.
Nhưng nỗi bất an từ tuyên bố của Trump rằng ông không loại trừ biện pháp quân sự để kiểm soát Greenland vẫn hiện hữu.
"Họ đang đi trên dây", Lin Alexandra Mortensgaard, chuyên gia về Greenland tại Viện Đan Mạch về Nghiên cứu Quốc tế, nói với Reuters, nhắc đến bà Frederiksten và ông Egede. "Đó là phải cân bằng giữa việc đứng ra bảo vệ lợi ích cho một lãnh thổ tự trị và một quốc gia có chủ quyền, đồng thời phải cân nhắc nghiêm túc những đòi hỏi từ đồng minh thân cận nhất của Đan Mạch".
Như Tâm (Theo BBC, AFP, Reuters)