Đã hai tháng trôi qua, anh Nguyễn Quốc Hưng, 40 tuổi, thâm niên 11 năm làm việc tại Công ty TNHH may C.T Vina ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) chưa được gọi đi làm trở lại. Đầu tháng 10, nam công nhân và một số đồng nghiệp bị tạm hoãn hợp đồng lao động do nhà máy giảm đơn hàng. Khi nhận tờ thông báo, anh nghe đại diện phòng nhân sự nói rằng "có việc sẽ gọi".
Từ hôm đó, anh Hưng không phải đến nhà máy và cũng chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Thực tế thất nghiệp nhưng trên hệ thống bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động giữa anh với công ty vẫn còn hiệu lực nên theo quy định, anh không được đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Không những vậy, anh còn gặp khó khăn khi tìm việc mới.
Theo anh Hưng, ngay cả những nơi tuyển lao động thời vụ không muốn nhận vì lo ngại khi công ty cũ gọi anh sẽ bỏ việc để quay về. Từ ngày bị tạm hoãn hợp đồng, để có tiền nuôi con, anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ nhưng vì là tài mới nên cuốc "nổ" không nhiều. Nam công nhân nhiều lần định nộp đơn nghỉ việc nhưng tiếc mức lương cứng gần 8 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, nếu chủ động nghỉ anh sẽ không được bồi thường hợp đồng.
Ở tuổi 40, anh Hưng lo sẽ khó tìm được việc mới. Trường hợp có việc, lương khởi điểm của công nhân như anh sẽ quay về mức 5 triệu đồng. "Tôi không biết xoay xở ra sao khi Tết đã cận kề", anh Hưng lo lắng.
Anh Hưng là một trong hơn 18.000 lao động tại TP HCM bị tạm hoãn hợp đồng lao động trong hai tháng 10-11, theo số liệu của cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố. Con số này tại Bình Dương khoảng 28.000 người và Đồng Nai hơn 2.200 người.
Khảo sát 30 doanh nghiệp đông lao động của Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho thấy từ đầu năm đến nay có 30% nhà máy không có việc làm, 100% công ty giảm giờ làm, 25% doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc cho công nhân nghỉ việc không lương.
Ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động Bình Dương), cho biết người lao động bị tạm hoãn hợp đồng chủ yếu ở các doanh nghiệp thiếu, hết đơn hàng. Khi ngưng hợp đồng, tên của người lao động vẫn còn trên hệ thống doanh nghiệp. Một số công ty vẫn trả cho công nhân lương tháng 13. Ngoài ra, lao động giữ được mức lương thâm niên khi quay lại làm việc.
"Hai lý do này khiến người lao động chấp nhận phương án tạm hoãn hợp đồng. Họ ở vào thế không còn lựa chọn nào khác dù bị nhiều bất lợi", ông Đạt nói. Trong thời gian này, người lao động không được hưởng lương, quyền, lợi ích đã giao kết trên hợp đồng. Khi tạm hoãn, công ty sẽ không tham gia bảo hiểm xã hội cho lao động. Công nhân không được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Không có việc làm nhưng họ chưa nhận được trợ cấp thất nghiệp do mối quan hệ lao động với công ty vẫn còn.
Ngoài ra, ông Đạt nói công tác giới thiệu việc làm mới cho lao động bị tạm hoãn cũng gặp trở ngại. Một công ty cần tuyển mới 1.000 lao động không thể nhận người vẫn còn hợp đồng với doanh nghiệp khác. Dù được tổ chức công đoàn thuyết phục có thể sắp xếp làm thời vụ, giải quyết đơn hàng gấp nhưng bên tuyển dụng vẫn từ chối.
"Chỗ mới sợ làm được vài bữa công ty cũ có hàng, công nhân sẽ nghỉ hàng loạt. Lúc đó họ trở tay không kịp", ông Đạt nói.
Đơn hàng giảm một nửa nên từ tháng 9, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (Bình Dương), phải giảm giờ làm của người lao động 1-2 ngày mỗi tuần. Những ngày nghỉ, công nhân vẫn hưởng lương bằng mức tối thiểu vùng. Ban giám đốc cố gắng không cắt giảm lao động. Tuy nhiên, hiện nhà máy gặp khá nhiều khó khăn. Vì vậy từ tháng 12, doanh nghiệp buộc phải tạm hoãn hợp đồng với khoảng 1.000 lao động trong thời gian 2-3 tháng.
"Khi tạm hoãn hợp đồng, người lao động sẽ gặp khó khăn do không có thu nhập. Do vậy, rất cần có chính sách hỗ trợ khẩn cấp từ nhà nước như các gói trong đợt dịch để giúp họ vượt khó", bà Hà Thị Diệu Hiền, phụ trách nhân sự Công ty Shyang Hung Cheng, nói.
Tương tự, bà Phan Thị Quý, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH High Point Furniture Global ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương), cho biết từ tháng 7, đơn hàng của doanh nghiệp giảm, công nhân chỉ đi ca hành chính. Nửa cuối tháng 11, công ty chính thức hết sạch việc, lao động đến chỉ dọn dẹp nhà xưởng. Từ ngày 1/12/2022 đến ngày 10/2/2023, công ty phải ngưng hợp đồng với công nhân.
Trong hai tháng công nhân không có việc làm, ban giám đốc hỗ trợ 14 ngày lương tối thiểu, trả lương tháng 13, thưởng năng suất dựa trên thời gian 7 tháng đầu năm công ty có đơn hàng dồi dào. Doanh nghiệp cũng mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để công nhân khám bệnh. Ban giám đốc sẽ thưởng thêm 2,5 triệu đồng cho mỗi công nhân quay lại khi công ty có đơn hàng.
"Tạm hoãn hợp đồng với tất cả lao động là phương án cuối cùng nhà máy thực hiện sau khi dùng đủ cách để giữ lao động", bà Quý nói và cho biết dù rất khó khăn, ban giám đốc vẫn phải xoay xở nguồn tiền để hỗ trợ công nhân.
Theo ông Đặng Tấn Đạt từ tháng 12 sẽ có nhiều nhà máy thực hiện tạm hoãn hợp đồng, thời gian 2-3 tháng với lao động do không còn sức để xoay xở. "Rõ ràng những công nhân này rơi vào tình trạng thất nghiệp vì không còn việc để làm nhưng họ sẽ không được hỗ trợ gì", ông Đạt nói.
Ông Cao Duy Thái, Trưởng phòng Lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai), cho hay từ tháng 6 đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã cắt giảm khoảng 30.000 lao động do gặp thiếu đơn hàng. Hiện, nhiều nhà máy đông công nhân đang phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng còn ngập ngừng cắt giảm do muốn giữ chân người lao động, chờ đơn hàng hồi phục. Tuy nhiên nếu tình hình kéo dài hoặc tệ hơn, doanh nghiệp buộc phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động.
Theo ông Thái, quỹ bảo hiểm thất nghiệp nên xem xét giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho các trường hợp hợp này. Việc này giúp lao động có thu nhập trong thời gian chờ việc, doanh nghiệp giữ được người, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách khi phát sinh thêm các gói hỗ trợ.
Lê Tuyết