Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu thường được điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Từ năm 2020 đến giữa 2022, việc này tạm hoãn do ảnh hưởng Covid-19. Lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 1/7/2022 với mức tăng 240.000-260.000 đồng tùy từng vùng. Hiện, vùng I (áp dụng cho TP HCM, Hà Nội, Bình Dương...) ở mức 4,68 triệu đồng và thấp nhất vùng IV với 3,25 triệu đồng.
Trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia vào ngày 9/8, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của hơn 3.000 lao động ở 6 tỉnh, thành. Đa số ý kiến công nhân mong muốn được tăng lương vào đầu năm sau vì đời sống nhiều khó khăn.
TS Phạm Thị Thu Lan, Viện phó Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng kết quả khảo sát chỉ ra thu nhập của công nhân không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, đặc biệt rất nhiều chi phí đã tăng so với năm ngoái. "Tiền lương là nguồn duy nhất lao động có được nên họ càng mong chờ được tăng lương", TS Lan nói.
Qua khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, hơn 24% lao động cho biết thu nhập vừa đủ chi tiêu cơ bản, 75,5% không đáp ứng đủ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đủ 45% nhu cầu chi tiêu. Có trên 53% người được hỏi cho biết tiền lương ảnh hưởng quyết định lập gia đình, sinh con, phải gửi con về quê. Với lao động phải thuê trọ, tiền nhà, điện nước chiếm đến hơn 23% tiền lương.
Đồng quan điểm nên tăng lương cho người lao động vào đầu năm sau, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành Toàn quốc, Dịch vụ cho thuê lại lao động (ManpowerGroup Vietnam), phân tích tính đến hết năm 2023 mức lương tối thiểu hiện hành được thực hiện trong 1,5 năm.
"Trừ giai đoạn tạm hoãn vì Covid-19, việc thời gian áp dụng một mức lương hơn một năm đã trái với thông lệ, chưa kể tình hình kinh tế đã nhiều thay đổi", ông Sơn nói.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 tăng 3,15%, 7 tháng đầu năm tăng 3,12%, tức lao động phải chi nhiều tiền hơn cho chi phí sinh hoạt. Theo ông Sơn, dù còn khó khăn nhưng nhìn chung kinh tế có đà tăng trưởng. Năm 2022, GDP tăng 8,02% và dự báo năm nay đạt 5,34%. Ngoài một số nhóm ngành bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm, vẫn có những ngành ứng dụng công nghệ cao, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, kho bãi... tăng trưởng tốt.
"Xem xét tăng lương cho lao động là cần thiết để chia sẻ với những khó khăn họ gặp phải suốt thời gian qua", ông Sơn nói. Việc chốt sớm mức tăng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tính toán chi phí cho năm sau.
Tuy nhiên, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động tăng lương giai đoạn này vì rất có thể sẽ tạo thêm cú sốc cho các doanh nghiệp đang gồng mình chống chịu với tình trạng sụt giảm đơn hàng.
Báo cáo thực trạng nhân sự ngành sản xuất của Navigos Group vừa phát hành cho thấy 91% doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng doanh thu giảm, con số này ở nhóm dệt may, da giày là 44%, tỷ lệ doanh nghiệp tự động hóa, ôtô, dược phẩm, công nghệ sinh học, sản phẩm công nghiệp sụt giảm doanh thu 22-37%...
Để ứng phó, một bộ phận doanh nghiệp chọn thu hẹp quy mô sản xuất với hình thức đóng cửa nhà máy, giảm dây chuyền, bớt giờ làm và cắt giảm lao động.
Theo ông Bình, phần lớn ngành gặp khó khăn sử dụng đông lao động nên sẽ chịu tác động nhiều. Nếu nhà nước tăng lương nhưng chi phí cho nhân công của doanh nghiệp có hạn, họ buộc phải tiếp tục giảm lao động hoặc giãn giờ làm. Như vậy thu nhập thực tế của công nhân không đổi, thậm chí thấp hơn trước. Khoản tăng dễ thấy là tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP HCM, cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn dự báo, đơn hàng phục hồi chậm. "Lúc này phải tính giữ việc, duy trì thu nhập cho công nhân chứ không phải tăng lương", ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, thu nhập của người lao động phụ thuộc vào đơn hàng chứ không phải điều chỉnh lương tối thiểu, "có đơn hàng, có việc, lương lao động sẽ tự động tăng". Tương tự khi doanh nghiệp có lợi nhuận thì tăng lương hay thưởng thêm tháng 13, 14 cho công nhân là việc đương nhiên phải làm.
"Trong bối cảnh này, nếu lương tối thiểu vẫn tăng sẽ là thách thức cho doanh nghiệp", ông Hồng nói. Bởi tăng lương để bảo vệ cho lao động nhưng nếu lao động không có việc làm, thất nghiệp thì mục đích này không đạt được.
Gần 30 năm làm việc trong ngành dệt may, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú), cho rằng tăng lương đợt này sẽ là một đợt "thanh lọc" các doanh nghiệp nhỏ đang đuối sức.
Theo ông Tuấn, lương cơ bản thấp nhất mà các doanh nghiệp lớn đã trả cho lao động đã cao hơn khá nhiều mức tối thiểu vùng. Nếu năm 2024, Chính phủ điều chỉnh tăng 5% thì các nhà máy không cần tăng vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, những nơi đang trả ngang mức sàn, đơn hàng lại sụt giảm lại không xoay được chi phí để bù đắp phần tăng thêm.
TS Phạm Thị Thu Lan nhìn nhận những khó khăn của doanh nghiệp là thách thức cho kỳ tăng lương lần này. Khảo sát của công đoàn cho kết quả tình trạng thiếu hụt đơn hàng được dự báo vẫn còn tiếp diễn, khi có 17,2% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình hình thiếu đơn hàng trong năm 2024 sẽ tăng lên.
Tuy nhiên chuyên gia cho rằng doanh nghiệp được Chính phủ hỗ trợ nhiều. Những năm trước tăng trưởng GDP chưa được đưa vào tính toán để tăng lương, tức người lao động phải hy sinh cho phát triển. Chưa kể, hiện tại Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình thì cần thiết phải tăng thu nhập cho lao động để lương tối thiểu phải hướng đến mức đủ sống.
"Luật quy định khi tăng lương phải cân nhắc khả năng chi trả của doanh nghiệp và giữ việc làm là mục tiêu quan trọng nhưng có cần thiết phải giữ những công việc mà lao động phải nhận lương ở mức thấp nhất, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu không", TS Lan đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng trong doanh nghiệp sẽ có ba quan điểm về tiền lương. Người lao động, công đoàn lúc nào cũng muốn tăng. Chủ doanh nghiệp thì muốn phù hợp với chi phí. Người phụ trách nhân sự không quan tâm tăng hay giảm mà lương phải theo thị trường.
Ví dụ cùng một vị trí, lương ngoài thị trường 15 triệu đồng, bộ phận nhân sự muốn công ty mình phải 16 triệu đồng để hút người. Khi kinh tế đi xuống, thất nghiệp tăng, lương thị trường tự động giảm xuống 10 triệu đồng thì tiền lương ở doanh nghiệp tự động hạ theo.
"Theo thị trường là phù hợp nhất, tức có lên, có xuống tùy vào sức khỏe nền kinh tế", ông Tuấn nói, cho biết ở Việt Nam, mỗi kỳ điều chỉnh lương tối thiểu đều muốn tăng bất chấp tình hình chung đang khó khăn.
Ông Tuấn cho rằng nguyên nhân đến từ mức lương tối thiểu ở nước ta hiện khá thấp, không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công nhân, đặc biệt nhóm ngành thâm dụng lao động. Do đó, lương tối thiểu vẫn nên tăng để bảo vệ nhóm yếu thế, còn tiền lương ở doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo thị trường.
Lê Tuyết