Khi tin tức về vụ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) bị bắt ở Canada lan ra, chuyên gia Wenran Jiang tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học British Columbia đã dự đoán rằng đây có thể là "quả cầu tuyết lăn tròn vượt tầm kiểm soát" có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được trong quan hệ vốn rất mong manh giữa bộ ba Canada - Trung Quốc - Mỹ, theo BBC.
Bà Mạnh bị cảnh sát Canada bắt theo yêu cầu từ phía Mỹ, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc bà lừa gạt các tổ chức quốc tế để sử dụng công ty con Skycom của Huawei bán thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran, vi phạm trực tiếp lệnh cấm vận của Washington với Tehran. Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc lập tức yêu cầu Canada trả tự do cho bà, nếu không sẽ phải hứng chịu hậu quả.
Trong bài viết trên Globe and Mail hôm 6/12, Wenran Jiang đã dự cảm về diễn biến phức tạp của sự việc và kêu gọi "tất cả các bên hạ nhiệt", vì ông biết rằng vụ bắt Mạnh Vãn Chu có thể vượt tầm kiểm soát của Ottawa và Bắc Kinh.
Chỉ vài ngày sau, hai công dân Canada là cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor bị nhà chức trách Trung Quốc bắt với các cáo buộc liên quan đến "an ninh quốc gia". Chính phủ Canada tuyên bố đây là những "trường hợp cá biệt" không liên quan gì đến Mạnh Vãn Chu, nhưng nhiều chuyên gia phân tích lại coi đây là đòn đáp trả kiểu "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại" của Trung Quốc.
"Các quan chức Trung Quốc cũng phủ nhận sự liên quan giữa việc bắt hai công dân Canada với vụ Mạnh Vãn Chu, nhưng dĩ nhiên chẳng ai tin rằng đây hoàn toàn là sự tình cờ", Jiang nói. Giới chức Canada hồi đầu tuần cho biết công dân thứ ba của họ cũng đã bị Trung Quốc bắt và nói rằng vụ này chưa có dấu hiệu liên quan trực tiếp tới Mạnh Vãn Chu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Canada làm ăn ở Trung Quốc đã bắt đầu cảm thấy hơi nóng của sự việc phả vào gáy mình. Hiệp hội Các nhà sản xuất Phụ tùng Ôtô Canada đã tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc trong hơn hai năm qua, nhưng mối quan tâm của đối tác đột nhiên nguội lạnh chỉ trong vài tuần gần đây.
"Họ nói với chúng tôi rằng bất cứ quyết định sản xuất nào cũng sẽ phải chờ kết quả từ vụ Mạnh Vãn Chu", Flavio Volpe, chủ tịch hiệp hội, cho biết. "Và họ cũng đang nói về việc đóng băng hợp tác trong nhiều năm, chứ không phải vài tuần".
Hãng Canada Goose cũng bị ảnh hưởng khi thông báo hoãn kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc, trong bối cảnh dư luận nước này ngày càng tỏ ra giận dữ với việc Canada bắt bà Mạnh. Tờ Global Times của Trung Quốc còn cảnh báo rằng lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp Canada có thể là "nạn nhân tiếp theo nếm trải đau đớn" khi quan hệ song phương lao dốc.
David Mulroney, cựu nhân viên ngoại giao Canada ở Trung Quốc, cho biết quan hệ hai nước từng có những lúc thăng trầm, nhưng đây là thời điểm mối quan hệ đó "sa xuống vực sâu và có thể kéo dài". Theo ông, với hành động bắt Mạnh Vãn Chu, Canada trở thành "con dê tế thần" để Trung Quốc trút giận nhằm xả nỗi bức xúc với Mỹ trong chiến tranh thương mại.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, chiến thuật của Canada là khẳng định không có bất cứ sự can thiệp chính trị nào trong vụ bắt bà Mạnh, mọi thứ đều được tiến hành theo quy định của pháp luật và quyết định dẫn độ bà về Mỹ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tòa án. Nhưng chính phủ Trung Quốc dường như không chấp nhận cách giải thích này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 18/12 gọi vụ bắt bà Mạnh là "bất hợp pháp", tuyên bố những lời giải thích mà phía Canada đưa ra chỉ là "ngụy biện" và là "lớp vỏ pháp lý" che đậy bản chất hành động của họ.
Theo chuyên gia Jiang, nỗ lực giải thích về khía cạnh pháp lý trong quyết định bắt bà Mạnh của Canada chỉ hoài công vô ích, khi phía Trung Quốc thậm chí còn không chấp nhận tính hợp pháp của cách làm này. Bắc Kinh có lý do để làm như vậy, đặc biệt là sau thông điệp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi tuần trước.
Trong tuyên bố này, Trump khẳng định ông có thể can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Chu nếu điều đó có lợi cho "thỏa thuận thương mại lịch sử" cũng như không làm xấu đi quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng phát ngôn này của Trump chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào cách giải thích của Canada rằng vụ bắt giám đốc Huawei không liên quan đến chính trị.
Điều khiến Bắc Kinh giận dữ hơn là những thông tin dồn dập cho thấy một loạt đồng minh của Mỹ như Australia, Canada, New Zealand, Nhật và Anh đều đang tìm cách ngăn cản tập đoàn Huawei tiếp cận hệ thống hạ tầng mạng 5G vì mối quan ngại về an ninh. Đây được coi là đòn giáng mang tính quyết định đối với nỗ lực vươn ra toàn cầu của Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Mulroney cho rằng giữa những sóng gió do cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai gã khổng lồ Mỹ - Trung gây ra, Canada rơi vào thế mắc kẹt với quyết định bắt Mạnh Vãn Chu và trở nên "cô đơn" hơn bao giờ hết.
"Chúng tôi đang rơi vào tình thế rất tồi tệ, nhưng không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục can đảm thực thi các quy trình pháp lý liên quan đến vụ dẫn độ bà Mạnh, đồng thời kiên trì giải thích lý do cho hành động của mình không chỉ với Bắc Kinh mà còn với những quốc gia có chung quan điểm và có thể giúp đỡ Canada", Mulroney nói.
Cựu ngoại trưởng Canada John Manley thì đặt ra câu hỏi về được và mất của chính phủ nước này khi "ra tay tương trợ" Mỹ bắt giám đốc tài chính Huawei. "Tôi không biết Mỹ sẽ bù đắp thế nào cho Canada sau nỗi đau này. Các mức thuế với nhôm, thép và gỗ mà Washington áp đặt với Ottawa vẫn còn đó".
Bởi vậy, cả Manley và chuyên gia Jiang đều cho rằng chính phủ Canada nên tính toán một cách nghiêm túc hơn về được và mất trong vụ bắt bà Mạnh, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ đã công khai đề cập đến khả năng can thiệp để đổi lấy lợi ích cho Washington.
Theo Jiang, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nên gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường để thảo luận trực tiếp về bất đồng giữa hai nước. Ngoại trưởng Canada cũng có thể bay tới Bắc Kinh để đích thân làm rõ rằng vụ bắt bà Mạnh không phải là một phần trong âm mưu của Mỹ nhằm gây thêm sức ép với Trung Quốc.
"Tôi cho rằng đã đến lúc Canada cân nhắc kỹ hơn về lợi ích của chính mình trong vụ này", Manley nhấn mạnh.