Rebecca Stone, chuyên viên phân tích nghiên cứu cao cấp người Mỹ, dành một tháng khám phá 12 thành phố trên thế giới từ Cape Town (Nam Phi), Lisbon (Bồ Đào Nha), Valencia (Tây Ban Nha) cho tới Kuala Lumpur (Malaysia), Hà Nội, Chiang Mai (Thái Lan)... Dưới đây là bài viết của Rebecca trên trang Skift về Hà Nội:
Tôi yêu văn hóa cà phê Hà Nội ngay khi đến thành phố này, không phải vì tôi là một người New York nghiện cà phê. Những quán cà phê ấm cúng và độc đáo của Hà Nội thường kín chỗ với các bạn trẻ hò hẹn cả ngày.
Một trong những điều tôi thích làm ở thủ đô Việt Nam là nhâm nhi một ly cà phê cốt dừa trong một quán cà phê dễ thương trên phố Tống Duy Tân. Người Pháp có thể đã đưa cà phê tới Việt Nam, nhưng người Việt mới biết cách khiến thức uống này trở nên hoàn hảo với nhiều vị như cà phê cốt dừa, cà phê trứng...
Tôi ngắm nhìn những cặp đôi tuổi teen thân mật bên nhau như thể họ đang làm điều gì đó nổi loạn chưa từng có, quan sát những bạn trẻ chăm chú học hành và tự hỏi họ đang chuẩn bị cho điều gì.
Tôi cố gắng tưởng tượng ra những câu chuyện về cuộc đời họ, họ lớn lên ra sao, hy vọng làm gì trong tương lai. Tất cả trông giống tôi và bạn bè mình đến kỳ lạ - uống cà phê và hàn huyên về những mối quan hệ, sự nghiệp, gia đình và dự định tương lai. Trong quán cà phê này, căn phòng tràn ngập những cơ hội và hy vọng cho tương lai của Hà Nội, và cả Việt Nam.
Thế hệ trẻ là tương lai
Nếu cư dân các thành phố như Lisbon, Barcelona hay Venice không mặn mà với khách nước ngoài bởi các tác động tiêu cực của du lịch tới văn hóa và cuộc sống của dân địa phương; người Hà Nội luôn hào hứng với du khách. Không ít lần tôi và bạn bè bắt gặp những thanh thiếu niên giơ điện thoại chụp ảnh mình, điều đó khiến tôi cảm thấy mình như người nổi tiếng.
Tôi luôn thắc mắc rằng vì sao người Việt lại tốt bụng, hiếu khách và cười nhiều đến thế, bởi một người New York như tôi phải cố gắng lắm mới nở nụ cười đáp lại.
Vũ Tú Thanh Tâm, giám đốc một khách sạn boutique ở quận Hoàn Kiếm, lý giải: "Từ sâu trong lòng, chúng tôi sẽ thấy vui vẻ hơn. Đó là lý do chúng tôi cười. Hiếu khách là bản tính của người Việt".
Khi tôi thẳng thừng hỏi người Hà Nội có thích du khách đến thành phố không, gần như mọi câu trả lời đều là "có".
Nhưng chỉ hiếu khách thì chưa đủ. Ở Hà Nội một thời gian, tôi nhận ra người dân cần xóa bỏ niềm tin rằng trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ giải quyết những vấn đề của hiện tại.
Để thành phố sẵn sàng cho tương lai và trở thành một điểm đến hàng đầu, thay đổi về nhận thức là cần thiết. Và sự thay đổi đó cần phải khởi tạo từ thế hệ trẻ của Việt Nam - những người không phải chứng kiến bom đạn cày xới quê hương, những người sinh ra trong kỷ nguyên Internet, lớn lên trong một nền kinh tế trải nghiệm và mang những hoài bão lớn lao về một cuộc sống có mục đích.
Ngô Thị Hương Liên là một cô gái đại diện cho những người trẻ tiên phong của Hà Nội. Liên, 23 tuổi, lập ra công ty lữ hành I Love Vietnam từ khi còn là sinh viên ở Huế. Công ty của Liên hiện quản lý hơn 100 nữ tài xế ở Hà Nội, Huế, Hội An, Đà Nẵng, TP HCM và dự kiến mở rộng sang Lào. Một nữ tài xế sẽ dẫn tour chính, trong khi các cô gái còn lại có thể tận dụng cơ hội học hỏi, luyện tập và phát triển vốn tiếng Anh thông qua những cuộc trò chuyện trên đường.
Liên giải thích về công ty 100% nhân viên nữ: "Phụ nữ có tiềm năng trở thành lãnh đạo, nhưng họ cần một môi trường để phát huy, học hỏi và có người hỗ trợ. Họ nghĩ mình làm được, nhưng lại ngại ngần. Họ không dám liều lĩnh".
"Tôi muốn nhìn thấy nhiều người trẻ dẫn dắt ngành du lịch hơn. Tôi muốn thấy những ý tưởng đột phá và năng lượng của đất nước đến từ thế hệ trẻ. Người ta nói rằng, chẳng bao giờ là quá trẻ để làm lãnh đạo, và tôi tin rằng thế hệ trẻ có thể tạo sự thay đổi", nữ giám đốc trẻ tuổi bày tỏ.
Người trẻ có thể làm gì để phát triển du lịch Hà Nội
Tận dụng mọi thứ có sẵn
Internet, giáo dục và chính những du khách sẽ giúp những người trẻ tìm hiểu về thế giới. Họ có thể học từ những quốc gia khác, xem người dân đang làm gì, phát triển các điểm du lịch như thế nào và tự tìm ra con đường phù hợp với mình.
Gặp gỡ và làm quen với những người từ khắp nơi trên thế giới giúp chúng ta mở mang tầm mắt và biết đón nhận sự khác biệt. Bản thân tôi là người có điều kiện đi đây đi đó, và có cơ hội hiểu hơn về văn hóa, phong tục và quan niệm của người Việt.
Tôi học được rằng nếu cứ tự tin bước về phía trước, những người khác sẽ lái xe tránh mình và đường sá vẫn lưu thông tốt mà không cần đèn giao thông. Tôi học được rằng cà phê trứng là một thức uống tuyệt vời thay thế cho cà phê sữa. Tôi học được rằng có những khía cạnh chính phủ Việt Nam làm tốt hơn Mỹ rất nhiều.
Ủng hộ chính sách phát triển du lịch
Ngành du lịch của Việt Nam còn nhiều vấn đề như đào tạo nhân lực, dịch vụ... ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Ngoài nâng cao chất lượng dịch vụ, người trẻ trong ngành cần quan tâm đến chính sách. Và trong tương lai, họ có thể trở thành những người trực tiếp quyết định nhiều chính sách quan trọng của ngành.
Liên, nữ giám đốc trẻ tuổi, đã xây dựng quan hệ chặt chẽ với chính quyền TP Huế, nhờ đó cô nhận được nhiều sự giúp đỡ và cơ hội để phát triển doanh nghiệp của mình. "Nếu bạn muốn chính phủ thay đổi, hãy đối thoại với họ... Bởi, nếu không lên tiếng, làm sao bạn có thể tác động tạo ra thay đổi?", cô nói.
Giữ "chất" cho Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội vì chính bản sắc riêng của thành phố này. Trong suốt thời gian ở đây, tôi biết tận hưởng một bữa ăn bình dân khi ngồi trên chiếc ghế nhựa xanh đặt bên hè phố dưới cái nóng 35 độ C. Nếu vào ngõ tìm nhà hàng, đôi khi tôi sẽ lạc vào một quán ăn bán tại nhà của người dân. Tôi hiểu rằng gia đình năm người có thể ngồi vừa trên một chiếc xe máy.
Dù một số bạn trẻ có thể muốn thủ đô hiện đại như phương Tây, họ không nên quên đi những điều đặc trưng và phong tục truyền thống. Văn hóa và bản sắc riêng của Hà Nội sẽ là giá trị thu hút du khách trong tương lai.
Du lịch là một ngành kinh tế quyền lực tác động tới mọi người, dù chúng ta là những lữ khách hay là người dân chụp ảnh cùng du khách. Du lịch tạo ra cơ hội tuyệt vời để mỗi người phát triển, thích nghi và học hỏi. Du lịch tạo ra việc làm, điều kiện giao lưu văn hóa và ảnh hưởng tới nhiều ngành kinh tế khác, mở ra cơ hội kinh doanh và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế.
Du lịch đưa con người lại gần nhau hơn, giúp mỗi cá nhân nhận ra rằng mọi người từ những quốc gia khác nhau thực ra không quá khác biệt. Mỗi người là một phần của thế giới đang dần hợp nhất, mọi quyết định làm hay không làm gì đều để lại hệ quả mãi mãi.
Do đó, người trẻ hãy can đảm thay đổi thực tại, quan tâm đến quá trình phát triển ngành du lịch của thành phố họ đang sống. Họ chính là tương lai của mảnh đất quê hương.
Tương Lam (lược dịch)