Trong vai trò diễn giả lễ khai khóa năm 2020 tại Đại học Quốc gia TP HCM ngày 3/10, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, quá trình hội nhập chủ động và tích cực của Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn cho thế hệ trẻ. Người trẻ Việt Nam đang có nhiều vận hội, lựa chọn và thuận lợi chưa từng có.
Trong bài nói chuyện hơn 45 phút, Phó thủ tướng điểm lại quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, những dự báo nền kinh tế trong nước và khu vực trong tương lai.
Theo ông, kỷ nguyên số là kỷ nguyên của tuổi trẻ. Thế giới hiện có 1,8 tỷ thanh niên, là số lượng thanh niên đông đảo nhất trong lịch sử. Trong khối ASEAN, 65% dân số là người dưới 35 tuổi. Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới, đang ở thời kỳ dân số vàng với 24 triệu thanh niên.
Dẫn các nghiên cứu của nhiều tổ chức trên thế giới, ông cho rằng, tầng lớp thanh niên đang và sẽ hưởng thụ những cơ hội, lợi ích khi các xu thế mới, những chuyển dịch lớn trên toàn cầu diễn ra.
Để nắm bắt cơ hội từ hội nhập và cách mạng số, Phó thủ tướng mong người trẻ phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành thế hệ công dân Việt Nam đầy đủ tri thức, hoài bão và trách nhiệm với quốc gia, dân tộc.
Bởi, thời kỳ phát triển mới đòi hỏi thanh niên, nhất là sinh viên không chỉ là chủ nhân mà phải là người định hướng tương lai của đất nước. Thế hệ trẻ phải trở thành động lực, nhân tố then chốt trong sự phát triển của đất nước, tiên phong đổi mới tư duy.
Họ phải làm chủ về công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển, ứng dụng công nghệ, hình thành văn hóa học tập không ngừng, có tinh thần khởi nghiệp.
Phó thủ tướng cũng khuyên thanh niên cần hình thành tư duy công dân ASEAN, công dân toàn cầu, luôn quan tâm và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Thế hệ trẻ chính là người tiên phong thực hiện các cam kết, trọng trách quốc tế trong thời gian tới.
Ông lưu ý, quá trình hội nhập chỉ thành công khi chúng ta giữ được bản sắc và bản lĩnh của dân tộc. Một công dân toàn cầu, công dân ASEAN sẽ không thể tồn tại nếu không thấm nhuần bản sắc của dân tộc, đất nước. Giữ bản sắc phải song hành cùng việc tìm hiểu về văn hóa, xã hội của các nước để hội nhập diễn ra tự nhiên.
"Không một dân tộc nào cao hơn một dân tộc nào. Về cơ bản, văn hóa các quốc gia, dân tộc đều thấm nhuần những giá trị truyền thống, nhân văn, nhân bản của quốc gia, dân tộc đó. Chúng ta cần phải học các thấu hiểu, tôn trọng và sẻ chia", Phó thủ tướng nói.
Ngoài ra, ông khuyên sinh viên tích lũy, trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hình thành khả năng thích ứng trước những thay đổi. Thế hệ trẻ phải thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và thêm nhiều ngoại ngữ khác để có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế, đa văn hóa.
Ông Phạm Bình Minh nói trong quá trình hội nhập của đất nước, lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng. Trong kỷ nguyên số, cốt lõi vẫn là con người, chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ quyết định sự phồn vinh của quốc gia và sự thành công trong cạnh tranh.
Thời kỳ chiến lược mới và hội nhập quốc tế đặt ra những yêu cầu cao hơn với giáo dục đại học. Nhiều nghiên cứu dự báo, khoảng 60-80% ngành nghề sẽ thay đổi trong 10 năm tới, nhiều việc làm mới với giá trị cao hơn được tạo ra. Do đó, ngành giáo dục cần mở rộng, bổ sung tri thức, kỹ năng mới vào các chương trình đào tạo.
PGS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cũng cho rằng, hội nhập quốc tế và hợp tác là xu hướng tất yếu và chủ đạo của thế giới hiện nay. Trong quá trình hội nhập của đất nước, hội nhập về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ có vai trò quan trọng, là nhân tố chủ yếu tạo nên những lợi thế cạnh tranh, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Ông Đạt đánh giá hội nhập giáo dục đại học tại Việt Nam thời gian qua được đẩy mạnh. "Nhiều mô hình hợp tác giáo dục với các nước tiên tiến được phát triển như các chương trình liên kết, tiên tiến, việc xây dựng các trường đại học chuẩn quốc tế bước đầu có hiệu quả", ông Đạt cho biết.
Đại học Quốc gia TP HCM được thành lập năm 1995, hiện có 8 đơn vị thành viên (Đại học Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn, Quốc tế, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Luật, An Giang, Viện Môi trường và Tài nguyên). Đại học này hiện có hơn 72.000 sinh viên, hơn 7.000 học viên sau đại học.
Lễ khai khóa là hoạt động thường niên của Đại học Quốc gia TP HCM suốt 9 năm nay, mỗi năm sẽ có một lãnh đạo cấp cao làm diễn giả khách mời với các chủ đề khác nhau.
Những diễn giả gần đây là ông Vương Đình Huệ (Bí thư Thành ủy Hà Nội), ông Nguyễn Văn Bình (Trưởng ban Kinh tế Trung ương), ông Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư Thành ủy TP HCM)...