Ngày 5/10, nói chuyện với gần 1.000 sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM tại lễ khai khóa năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng sinh viên phải tận dụng hết cơ hội học hành trên giảng đường, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xa hơn nữa là Tổ quốc.
"Thời gian sẽ trôi qua mà không để lại bất cứ một dấu vết với những người không biết nhìn về tương lai bằng bộ óc thông minh và sự khổ luyện. Hạnh phúc chắc chắn sẽ dành cho người biết sử dụng thời gian, siêng năng như con kiến chăm chỉ tha mồi về tổ", ông nói.
Phó thủ tướng kể, thế hệ sinh viên của ông những năm trước 1975 không có nhiều điều kiện học tập khi đất nước trong giai đoạn gian khổ. Nhưng thế hệ đó vẫn nhiều người trưởng thành, đóng góp cho đất nước là bởi có sự cố gắng. "Chinh phục tri thức để bước lên đỉnh núi cao không phải để cho đất nước nhìn thấy các em, mà đó là điều kiện để các em nhìn ra thế giới, nhìn rõ quê hương và Tổ quốc mình", ông nhắn nhủ.
Phó thủ tướng cũng cho biết, với việc mở rộng quyền tự chủ của đại học, sinh viên càng thêm cơ hội chủ động trong kế hoạch học để rút ngắn thời gian xuống ba năm. Quỹ thời gian còn lại có thể dùng để học thêm một ngành mới hoặc nâng cao trình độ.
Trong vai trò diễn giả buổi lễ khai khóa với chủ đề Tự chủ đại học - đổi mới và sáng tạo, Phó thủ tướng khẳng định quyền tự chủ đại học càng cao, chất lượng càng được nâng lên, các nước phát triển rất chú trọng việc này. Chủ trương tự chủ đại học được Nhà nước đặt ra từ những năm của thập niên 90, từng bước thăm dò, thử nghiệm và áp dụng từng phần rồi toàn diện.
Nghị quyết 77 (năm 2014) cho thí điểm tự chủ toàn diện (gồm học thuật, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính) giúp nhiều trường đại học phát triển mạnh mẽ. Số lượng công trình nghiên cứu khoa học, giáo sư, phó giáo sư của các trường này tăng. Chất lượng đào tạo tăng lên, thu nhập giảng viên tốt hơn.
Luật Giáo dục đại học (sửa đổi năm 2018) đã mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống. Đại học đổi mới quản trị, tăng cường vai trò của hội đồng trường và trách nhiệm công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Các trường đại học thành viên chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng trách nhiệm giải trình với các bên liên quan và xã hội. Đại học Quốc gia TP HCM khi đó đóng vai trò định hướng, tạo điều kiện về mặt cơ chế chính sách để các đơn vị phát huy thế mạnh của mình.
Ông Huệ cũng yêu cầu Đại học Quốc gia khai thác lợi thế là hệ thống đại học lớn trong cả nước, được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, để được tăng cường nguồn vốn đầu tư chiều sâu. Đại học này phải đóng vai trò kết nối, chia sẻ, cùng khai thác hiệu quả nguồn lực của hệ thống.
Đại học Quốc gia TP HCM là hệ thống gồm 36 đơn vị, trong đó có 8 đơn vị thành viên gồm các trường đại học Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Quốc tế, Công nghệ Thông tin, Kinh tế - Luật, An Giang và Viện Môi trường và Tài nguyên. Khối đại học này có hơn 6.300 cán bộ, giảng viên, quy mô 70.000 sinh viên.