Cuộc khảo sát thực hiện hồi tháng 10 trên 3.700 người Mỹ, phát hiện 81% người từ 13 đến 24 tuổi (Gen Z), cho biết thường xuyên hoặc đôi khi gặp căng thẳng. Đại dịch là nguồn gốc chính của những căng thẳng này.
Gần một nửa (46%) Gen Z cho biết dịch bệnh khiến việc theo đuổi mục tiêu học tập và nghề nghiệp của họ trở nên khó khăn hơn, so với 36% người ở Gen Y (sinh từ 1980 đến 1994) và 31% ở Gen X (1960 đến 1980).
Học sinh trung học phổ thông đang đứng trước lựa chọn khó khăn: học đại học từ xa hay trì hoãn một vài năm. Trong khi đó, những sinh viên tốt nghiệp đại học đang cân nhắc những con đường sự nghiệp mới, trước bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng.
Thị trường việc làm Mỹ đã phục hồi, nhưng sinh viên tốt nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong tìm việc. Nhà kinh tế Luke Pardue, tại Công ty cung cấp bảng lương Gusto ở Mỹ cho biết: "Đời sống xã hội của mọi người đều bị ảnh hưởng trong dịch, nhưng thế hệ trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất".
Ngoài công việc, 40% người thế hệ Z cho biết đại dịch khiến tình yêu và hẹn hò trở nên khó khăn hơn, đồng thời việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè cũng gặp nhiều trở ngại. Con số này cao hơn hẳn các thế hệ khác. Nguyên nhân một phần là cuộc sống xã hội và hẹn hò của người trẻ thường diễn ra quanh trường học, nơi đã bị đóng cửa từ năm ngoái.
Nghiên cứu này do MTV và Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng AP-NORC thực hiện. Kết quả cũng trùng khớp với nghiên cứu công bố trước đó không lâu của Viện Nghiên cứu ADP, Mỹ, với tiêu đề "Con người tại nơi làm việc 2021: Góc nhìn về lực lượng lao động toàn cầu".
Thực hiện trên 32.000 người lao động ở 17 quốc gia trên thế giới, nghiên cứu cho thấy 78% trong nhóm từ 18 đến 24 tuổi nói rằng cuộc sống nghề nghiệp của họ đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19, cao gấp đôi so với những người trên 55 tuổi. Gần 40% lao động trẻ bị mất việc làm, bị sa thải hoặc bị chủ lao động cho nghỉ việc tạm thời, so với 28% người lao động ở các lứa tuổi còn lại
Ở Ấn Độ, 89% thế hệ Z cho biết họ phải lựa chọn giữa công việc và hạnh phúc hoặc gia đình. Làm việc tại nhà đã xóa nhòa ranh giới công sở và tổ ấm, khiến họ gặp nhiều vấn đề.
Theo ông Rahul Goyal, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu ADP Ấn Độ & Đông Nam Á, thế hệ Z là những người nhanh nhẹn và chuyên nghiệp nhất so với mọi lứa tuổi khi đối mặt với Covid-19. Thực tế không may là họ gia nhập lực lượng lao động trong thời kỳ suy thoái, khiến thu nhập ban đầu bị ảnh hưởng.
Bảo Nhiên (Theo Insider/ Indiatimes)