Con tôi tưởng đã khác. Khi vào cấp hai tại Hà Nội, con đã rất háo hức vì nghĩ là trường to như vậy ắt có nhiều môn thể thao chính khóa. Nhưng không, ngay tuần đầu tiên cháu và các bạn đã ỉu xìu: "Lớp sáu lại tập y như lớp một mẹ ạ".
Tuần đầu thầy cho học trò gióng hàng điểm số, nghiêm, nghỉ, rồi quay phải, quay trái. Tuần tiếp theo là ba động tác, vươn thở, động tác tay, động tác ngực. Năm nào các cháu cũng học chương trình buồn tẻ được nối dài bởi các "môn" thô sơ như chạy bền, chạy ngắn, nhảy cao, nhảy xa, chạy 100 mét, chạy bước nhỏ, chạy nâng cao đùi, chạy trên địa hình tự nhiên. Một số học kỳ, học sinh sẽ được tiếp xúc thêm vài môn "sôi động" hơn như cầu lông, đá cầu, thể dục nhịp điệu. Và chấm hết.
Số ít trường "có điều kiện" hơn thì dạy bơi hay bóng rổ, nhưng thời lượng rất ít. Môn thể dục chính khóa cả 12 năm học phổ thông theo chương trình của Bộ Giáo dục Đào tạo là hai tiết, tổng cộng 90 phút mỗi tuần, bất di bất dịch. Nghĩa là học sinh 7 tuổi thì thời gian vận động cũng y như 17 tuổi, không hơn không kém.
Tháng trước, tôi hào hứng vẫy tay với Hà Linh, bạn của con tôi lúc gặp ở cổng trường và chúc em thi lên đai suôn sẻ môn võ thuật. Ai ngờ cô bé xị ngay mặt, "con nghỉ học võ rồi cô ạ". Tôi hốt hoảng hỏi tại sao, vì đã hàng chục lần được xem cô bé tập luyện và thi đấu một cách say mê, phấn khích. "Mẹ con bảo bây giờ lớp tám rồi, phải tập trung học thêm Toán, Văn, Anh nên không tập tành gì nữa", Linh trả lời rồi vội vã chào tôi, leo lên chiếc xe ôm đã đợi sẵn để tới một trung tâm luyện thi buổi tối.
Suốt 8 năm qua, Hà Linh là học sinh xuất sắc, điểm số thường xuyên trên 9 phẩy. Nhưng gia đình em vẫn vô cùng lo lắng, nhỡ mà không đỗ vào trường điểm của Hà Nội thì sao, còn việc dừng tập võ, bỏ thể thao thì chẳng có hậu quả gì. Đằng nào em cũng đã cao trên một mét rưỡi, chắc chắn vượt chiều cao của mẹ.
Người Việt hiện đang đứng thứ tư trên bảng xếp hạng những nước mà công dân có chiều cao khiêm tốn nhất thế giới, theo công bố tháng 9 vừa rồi của World Population Review - một tổ chức độc lập của Mỹ. Đó không phải nghiên cứu duy nhất khẳng định điều này. Với tốc độ tăng chiều cao chậm, người Việt nay còn thấp hơn cả người Campuchia hay Sri Lanka. Và dưới áp lực học tập nặng nề, thời gian nghỉ ngơi quá ít, dinh dưỡng chưa cân đối, chương trình giáo dục thể chất nghèo nàn, hy vọng về một "lứa 0x" có chiều cao và sức khỏe vượt trội đang là viễn cảnh xa vời.
Linh cũng giống như phần lớn trong số hai nghìn rưởi học sinh ở trường con tôi, hết giờ học chính khóa là tất tả đến lớp phụ đạo, hướng đến mục tiêu hàng đầu của cả gia đình là bước vào một trường cấp ba danh tiếng. So với mục tiêu lớn lao ấy, thì việc con khỏe mạnh, cao lớn hoặc vui vẻ, chỉ là tiêu chí phụ.
Nhiều phụ huynh trong lớp từng tâm sự, hàng tối con về đến nhà đã là 8, 9, thậm chí 10 giờ đêm, mệt đến chẳng buồn ăn cơm, cũng chẳng thiết chuyện trò với bố mẹ, hơi đâu nghĩ đến thể thao. Vậy là tất cả sự phát triển thể chất ở tuổi dậy thì - vốn ảnh hưởng đến toàn bộ quãng đời còn lại của một con người, ảnh hưởng đến sức lao động của cả một thế hệ - chỉ còn trông đợi ở mấy tiết thể dục chính khóa.
Nhưng môn học này thì sao? Phần lớn thời lượng của chương trình giáo dục thể chất tại các trường công là đội hình đội ngũ, gồm tập hợp hàng ngang, hàng dọc, quay phải, quay trái; hay rèn luyện tư thế cơ bản gồm vươn thở, động tác chân, lườn, bụng, kèm theo mấy trò chơi vận động.
Nghe nói Bộ Giáo dục đang soạn sách giáo khoa mới, mấy phụ huynh chúng tôi thử tham khảo bạn bè ở các nước khác. Cậu bạn ở Paris ngơ ngác khi tôi hỏi "sách giáo khoa giáo dục thể chất". Con anh học lớp bốn trường công, có bốn tiết thể dục mỗi tuần, tập bơi, bóng bàn hoặc các môn thể thao khác, thay đổi theo kỳ học.
Con cô bạn ở Brisbane, Úc, đang học cấp hai, tuần học thể thao ba buổi, mỗi buổi một giờ, gồm bơi lội, bóng chày, tennis, bóng rổ. Ở Ba Lan, một bà mẹ có hai con học cấp hai và cấp ba cho biết, ngoài chương trình thể thao chính khóa gồm các môn rất đa dạng như bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném..., chính phủ còn khuyến khích trẻ em tham gia các chương trình ngoại khoá miễn phí diễn ra từ 12 đến 21 giờ tại một số trường hoặc nhà văn hoá.
Ando, anh bạn ở Nhật cho biết, học sinh lớp một có ba tiết thể dục mỗi tuần, với mục tiêu giản dị ghi rõ trong chương trình giáo dục thể chất là "giúp học sinh phát triển khả năng tham gia các hoạt động thể chất vui vẻ trong suốt cuộc đời, trau dồi thái độ thích hợp để hướng đến một cuộc sống dễ chịu và hạnh phúc". Không ở nước nào, học sinh phải đi "cày" Toán, Văn, Ngoại ngữ. Sau giờ học, "công việc" của trẻ con chỉ là tập luyện thể thao, nghệ thuật hoặc phát triển sở thích cá nhân.
Tôi từng nghe có phụ huynh khẳng định, "chiều cao không nói lên tất cả". Quả là thế, một thiếu niên được tập thể thao thường xuyên, có thể không cao hơn bạn bè do gene của gia đình vốn toàn người thấp, nhưng cơ may của cháu trong việc trở thành một người vui vẻ, hòa đồng, hiểu giá trị và sức mạnh của tập thể sẽ lớn hơn nhiều so với những thiếu niên chỉ biết đi từ lò luyện này sang trung tâm khác.
Có thể thao, con người có sức khỏe tinh thần tốt hơn, vững vàng hơn khi đối mặt với những biến cố của cuộc đời, và sống lâu hơn. Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018 công bố, hoạt động thể chất không đầy đủ là một trong những nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Một nghiên cứu chung của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho biết, có đến 29% trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam mắc các vấn đề sức khoẻ tâm thần, 2,3% có ý định tự tử. Các em đang ngày, đêm và cả cuối tuần, chạy theo điểm số và các kỳ thi bất tận, gánh trên vai áp lực của cả gia đình, dòng họ.
Thiếu nhận thức và sự đồng hành từ gia đình, thiếu quyết tâm cải cách từ Chính phủ, thế hệ trẻ của Việt Nam dù sinh ra trong thiên niên kỷ mới vẫn có nguy cơ là một thế hệ lùn và yếu đuối.
Trịnh Hằng