Trong vài thập kỷ qua, điện ảnh Iran có sự trỗi dậy mạnh mẽ với nhiều phim gây tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế. Thậm chí phim A Separation còn đoạt giải Oscar vào năm 2012. Trong bối cảnh văn hóa chịu nhiều kiểm duyệt và cấm đoán hàng đầu thế giới, các đạo diễn Iran hoàn toàn không thể khai thác vấn đề sex và bạo lực như xu thế đương thời. Thay vào đó, họ tập trung vào thể loại tâm lý với những câu chuyện về gia đình, xã hội.
Những tình huống tưởng như rất đời thường nhưng lại vẽ lên cả một bức tranh hiện thực của văn hóa Hồi giáo. The Girl’s House – tác phẩm mới vừa tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo – là một điển hình cho phong cách điện ảnh Iran, với một câu chuyện nhỏ nhưng mang thông điệp lớn.
Phim kể về chuyện hai nữ sinh viên Bahar và Parisa nhận được tin báo cô bạn thân Samira đột ngột qua đời ngay trong đêm trước đám cưới. Lý do của cái chết là cô dâu bất ngờ bị một cơn đau tim khi đi trên phố. Gia đình Samira và cả người chồng chưa kịp cưới đều có vẻ bí hiểm, che giấu điều gì đó về sự ra đi của cô sinh viên xinh đẹp. Hai người bạn Bahar và Parisa lần theo các manh mối để tìm ra sự thật.
The Girl’s House chỉ dài 80 phút, có cách kể truyền thống với trật tự tuyến tính thời gian và về sau lật lại quá khứ để giải thích nguyên nhân. Tuy nhiên, chính câu chuyện với các tình tiết bất ngờ mà rất đỗi đời thường đã tạo nên sức hấp dẫn cho bộ phim, khiến người xem chẳng thể rời mắt khỏi màn ảnh và nín thở theo dõi như đang xem một tác phẩm hành động hay trinh thám, ly kỳ.
“Tại sao một cô dâu đang rất hạnh phúc, háo hức chuẩn bị cho ngày trọng đại của đời mình lại đột ngột qua đời?” – đó là câu hỏi kích thích trí tò mò của khán giả xuyên suốt phim và chỉ tới gần cuối mới được giải đáp. Cũng giống như nhiều phim Iran gần đây như A Separation hay Melbourne, The Girl’s House không có nhân vật phản diện và đều đặt tất cả ở góc nhìn trung lập, khách quan. Không có kẻ ác nhưng chính hoàn cảnh xô đẩy của cuộc sống trong xã hội Hồi giáo đã tạo nên bi kịch cho các nhân vật.
Sự cực đoan trong xã hội Hồi giáo với vấn đề trọng nam khinh nữ được đưa ra ngay từ những cảnh mở đầu phim. Hai cô gái Bahar và Parisa đi mua sắm và nhận được những ánh nhìn thiếu tôn trọng từ các nam nhân viên bán hàng. Họ tỏ thái độ thiếu thiện cảm với các khách hàng nữ và thậm chí còn coi việc giảm giá như bố thí cho các chị em khi đi mua hàng. Ở xã hội ấy, việc các cô gái có một tài khoản facebook riêng cũng bị người đời xét nét. Phụ nữ luôn phải cẩn trọng mỗi khi đi ra đường. Em gái nhân vật Samira có bạn trai nhưng cả hai chỉ dám lén lút đi chơi riêng và giữ bí mật về mối quan hệ.
Phim không có một cảnh nào các nhân vật nữ khoe thân, gần gũi với bạn diễn nam, cũng không có khoảnh khắc bạo lực mà chỉ dùng sức mạnh câu chuyện để lôi cuốn người xem. Các chi tiết được xây dựng có sự gắn kết chặt chẽ, hợp logic tạo nên sự thuyết phục. Hoàn cảnh dẫn đến cái chết của cô dâu Samira được khai thác từ nguyên nhân, diễn biến và khép lại bằng một cảnh quay tối giản nhưng đủ để gây sốc và truyền tải thông điệp của phim - ở một xã hội cực đoan với nhiều hủ tục, người phụ nữ hiện đại dù mạnh mẽ đến đâu cũng có thể bị đẩy tới bước đường cùng.
The Girl’s House một lần nữa chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của điện ảnh Iran. Vì vấn đề kiểm duyệt khắt khe mà đề tài cũng như phạm vi sáng tạo của các nhà làm phim được giới hạn trong một khuôn khổ nhất định. Nhưng không vì thế mà họ không thể tạo nên những bộ phim hay. Thay vì câu khách bằng cảnh nóng, cảnh máu me hay hiệu ứng kỹ xảo, việc tập trung vào kịch bản, diễn xuất và những chủ đề gần gũi với đời sống đã khiến Iran có được những tác phẩm điện ảnh gây chú ý với quốc tế.
Trailer phim "The Girl's House" |
|
Nguyên Minh