Tôi cứ nhớ mãi hồi nhỏ, cả nhà tất bật với Tết, nào là gói bánh chưng, nấu thịt đông, rồi làm các loại bánh để ăn dần khi ra Giêng. Tết xa dần khi công việc quá bận rộn, không về Tết cùng bố mẹ thường xuyên. Đọc báo thấy mọi người kêu ca Tết truyền thống nghỉ nhiều, tốn kém, để tôi kể cho các bạn nghe Tết ở Tây.
Tôi đang sống cùng gia đình ở ngay thủ phủ châu Âu, Brussels, vương quốc Bỉ. Đất nước hầu như còn giữ nguyên các truyền thống văn hoá trong gia đình, lễ hội.
Đầu tiên, kể chuyện đi chợ Tết. Chợ Tết Tây bắt đầu từ cuối tháng 11, rục rịch với chợ Noel ở trung tâm các thành phố. Chợ Noel kéo dài cho đến ngoài tầm 5/1 của năm mới. Chợ Noel đa phần là đồ trang trí truyền thống dành cho Noel, đồ ăn và các đồ chơi trẻ em, thông Noel… Chợ Noel như chợ Tết ở nhà, không thiếu một thứ gì, luôn có đặc sản, các đồ ăn mà chỉ có Tết mới có.
Thời điểm này, các siêu thị cũng bắt đầu chiến dịch khuyến mãi, mua hai tặng một, hoặc giảm giá các mặt hàng. Quà Noel, quà Tết năm mới đầy đủ như ở Việt Nam. Các giỏ quà bao gồm rượu, bia hoặc bánh kẹo, đồ ăn, đồ nấu nướng dành cho các bà, các mẹ, và các quà tặng.
Đi chợ Tết Tây tốn kém không khác gì ở nhà. Các món đặc sản như cá hồi tươi, tôm hùm, cua gạch thường được tung ra thời gian này vì các buổi tiệc gia đình, bạn bè cuối năm thường hay ăn các món này. Đi chợ Tết cũng tay xách nách mang, nhiều thứ lắm, vì thế chi tiêu cũng tăng nhiều hơn bình thường.
Dịp Noel và cuối năm bao giờ cũng đặc biệt nhất trong năm, vì thế quà tặng dịp này cũng được chuẩn bị kỹ càng và cẩn thận. Theo truyền thống, mọi người sẽ hỏi từng thành viên trong gia đình thích quà gì để mua cho phù hợp và không bị trùng. Họ chú ý đến giá trị sử dụng thực tế của món quà cùng với sự trân trọng dành cho nhau.
Quà sẽ được trao vào tối 24 hoặc ngày 25/12, tuỳ theo thời điểm các gia đình đoàn tụ đầy đủ. Gia đình bố mẹ chồng tôi hay gặp nhau vào ngày 25 vì lúc ấy anh chị và các cháu đi làm xa đã về đông đủ. Cả ngày gặp nhau, ăn uống từ sáng đến chiều rồi trao quà tặng cho từng người một. Mua quà là cả một sự chuẩn bị tốn kém và cầu kỳ nếu như gia đình của bạn là một gia đình lớn gồm nhiều gia đình nhỏ khác nhau.
Ăn Tết ở Tây cũng trang trọng vô cùng với các món ngon vật lạ chỉ có trong ngày Tết, vì thế việc đi chợ cũng được chuẩn bị kỹ càng lắm. Ví dụ như tối 24 Noel, ăn tối đặc biệt hơn mọi ngày hay ngày 25 đầy đủ mọi người trong gia đình sẽ ăn những thứ ngon nhất như cá hồi hay tôm hùm, dùng bát dĩa truyền thống đẹp nhất của gia đình và quý giá như bộ thìa nĩa bằng bạc…
Mẹ chồng tôi chuẩn bị các món ăn cho ngày này có khi phải từ hai, ba ngày trước cho kịp. Vào ngày đón năm mới, buổi tối cuối cùng cả nhà ăn tối trang trọng và sau đó bố mẹ nhảy vài điệu nhạc cổ điển. Có gia đình thì ra ngoài xem pháo hoa… Gia đình các bên phân chia ngày phù hợp để gặp gỡ nhau đầy đủ. Ví dụ như bên nhà bà ngoại gia đình chồng tôi ở đây, họ luôn chuẩn bị ngày gặp nhau trước 24/12 để các ngày chính thức mọi người ở nhà riêng tổ chức cùng gia đình.
Với sự hội nhập và toàn cầu hoá, các thực phẩm từ châu Á như Thái Lan, Việt Nam hay Nhật Bản, Hàn Quốc, rất phổ biến. Các siêu thị ở Bỉ đều có góc riêng dành cho thực phẩm châu Á, không thiếu gì từ chai nước mắm chấm nem đến các loại rau thơm như húng, mùi, hay khoai lang và gừng thì có quanh năm, chanh xanh không bao giờ thiếu…
Ở nơi tôi sống, vào dịp Tết ta hay còn gọi là Tết châu Á, họ cũng bày bán các đặc sản từ trái cây đến các đồ ăn truyền thống như nem, các loại bún, phở đóng gói hay lá chuối, lá dong...
Tôi có thể mua mọi thứ dễ dàng ngay cả ở siêu thị Tây. Vì thế, cái Tết cũng nhiều dư vị hơn khi xa Việt Nam. Cái thiếu nhất có lẽ là thiếu gia đình lớn, trẻ con đông vui, tấp nập đến nhà nhau chơi. Có lẽ thế mà lúc này nhớ quê hương thật nhiều, nhớ cái không khí không ở đâu có được, hay đơn giản chỉ là thèm được nói tiếng Việt thật nhiều cùng gia đình, bạn bè.
Như Quỳnh de Prelle
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |