
Bữa cơm tất niên đón năm mới ở xứ kiwi là bữa trưa ngày giao thừa ở quê nhà. Ảnh tác giả cung cấp
Ông trời kể cũng lạ! Trong khi ở xứ mình năm hết Tết đến giữa lúc hơi lạnh mùa đông vẫn còn phảng phất, nắng xuân mới ấm áp lấp ló nơi hiên nhà thì ở đất nước New Zealand, hay còn được gọi cách trìu mến là xứ cừu, xứ kiwi, nửa cuối tháng một đến nửa đầu tháng hai là giữa hè, trời nắng chói chang, khí hậu hanh khô, cây xanh thật xanh nhưng ít cây nào nở hoa tưng bừng (bởi tiết xuân đã qua từ trước đó cả mấy tháng).
Kiều bào, du học sinh ở xứ kiwi vốn không đông như bên “láng giềng” Australia (chứ đừng nói là so với các quốc gia khác), lại phải đón xuân giữa mùa hạ. Ấy vậy mà không khí chào năm mới âm lịch, đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam không vì vậy mà kém cạnh nơi nào!
Hồi còn ở Việt Nam, không khí Tết bắt đầu chộn rộn khi những tờ lịch cuối cùng của tháng Mười âm lịch bắt đầu rơi xuống, rồi thì cao điểm khi ngày rằm tháng Chạp dần đến. Đánh bóng lư đồng, lặt lá mai, quét dọn nhà cửa, quần áo mới, mua sắm thứ này thứ kia. Từng công việc, từng mốc thời gian vẫn luôn hằn sâu trong tâm thức của bất kỳ người Việt nào! Tết ở xứ kiwi thì khác nhiều bởi chỉ có cộng đồng người Hoa, người Việt chờ đón, còn hầu hết người dân bản địa gần như không có ý niệm mà cũng chẳng háo hức mong chờ.
Không may mắn như cộng đồng người Việt tại thủ đô Wellington thường được Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tiệc Tết và chúc mừng năm mới tương đối hoành tráng, cộng đồng người Việt tại thủ phủ kinh tế Auckland, chủ yếu là Việt kiều sống tập trung ở phía nam thành phố và du học sinh sống ở khu trung tâm tự lên kế hoạch đón Tết từ trước đó khoảng… hai tháng, chính xác là từ khi bước qua năm mới dương lịch.
Không có chỉ dấu từ hoa mai, hoa đào, cũng chẳng có chợ Tết để làm “hiệu”, qua thời khắc ngày 1/1 dương lịch là thể nào cũng tin nhắn qua lại hỏi xem năm nay mồng 1 Tết rơi vào ngày nào, thứ mấy rồi tự lên kế hoạch, tự sắp xếp thời gian. Du học sinh thì dễ, bởi đúng lúc hè, ngoài đi làm thêm thì cũng chỉ có đi du lịch nên không lo lắm, còn những ai đi làm thì khó hơn một chút, thường là phải nhấm nhẵng, “canh me” xin nghỉ, ít cũng một ngày để cùng vui xuân đón Tết với đồng bào mình.
Không khí Tết thật sự chộn rộn, tưng bừng hẳn lên khoảng một tuần trước Tết. Ôi thôi không thể kể hết bao nhiêu cuộc điện thoại, tin nhắn, rồi cả Facebook để ấn định kế hoạch cùng nhau đón Tết. Mà gọi là kế hoạch cho sang, chứ đó chỉ đơn giản là thời gian, địa điểm gặp mặt, ai nấu món gì.
Thường thì nhân vật quan trọng thứ hai, sau chủ nhà tổ chức tiệc họp mặt, là người… đi chợ! Đây thường là người có uy tín, được nhiều người biết đến, thêm chút am hiểu về món ăn ngày Tết của các miền, bởi khi đã ở xứ người, đâu còn phân biệt vùng miền, mâm cỗ đâu chỉ toàn món Bắc hay món Nam mà phải có đầy đủ hết phong vị các vùng miền. Chưa kể đó còn phải là người tính toán giỏi, cả ở việc mua đồ lẫn lưu giữ… hóa đơn để còn chia đều lại cho mọi người, mà thường là phải “kết sổ” trước giờ nhập tiệc, chứ để ăn xong rồi mới “đòi” thì hơi kỳ, để qua năm mới thì càng kỳ hơn!
Sắm Tết ở xứ kiwi này cũng khác ở quê nhà, thường chỉ vỏn vẹn một buổi là xong chứ không kéo dài vài ba ngày hay cả tuần như các mẹ, các chị nhà tôi vẫn hay làm. Siêu thị, hay đúng hơn là cửa hàng tạp hóa ở khu người Việt tuy nhỏ, nhưng lúc nào cũng đầy đủ những thứ mà người mình vẫn hay dùng.
Tết đến, siêu thị vốn đã nhỏ lại càng chật hơn bởi phải ưu tiên dành hẳn một góc trưng bày hàng Tết, phần vì người mua sắm cũng đông hơn hẳn. Thậm chí cả nhóm du học sinh từ mấy thị trấn, thành phố lân cận, cách khoảng hai giờ lái xe cũng tranh thủ chạy đến sắm Tết.
Chỉ cần nhìn thấy sắc vàng đỏ, thấy những hộp mứt Tết (nghe nói là nhập từ bên Australia qua) xếp gọn gàng, ngăn nắp, nào mứt hạt sen, mứt bí, mứt gừng, mứt dừa, rồi hạt dưa, măng khô, bún miến khô, phong bao lì xì, mấy cành mai, cành đảo (giả), trong lòng vậy là chộn rộn, cho dù trời chưa Tết thì lòng mình cũng đã Tết rồi!
Nhiêu đó thôi thì thật ra cũng không thể thu hút đông người Việt tập trung mua sắm. Nhưng cái thật sự thu hút chính là những chiếc bánh chưng xanh gói bằng lá dong, buộc bằng dây lạt hẳn hoi, những đòn bánh tét lá chuối chắc nịch, những đòn giò chả thơm lừng, mới nhìn cũng đã thấy thèm, thấy nhớ quê nhà, nhớ cái vị đượm tình quê hương. Chị chủ siêu thị năm nào cũng tất bật, bánh vừa mang ra là có người đến lấy, cứ phải liên tục mang bánh, mang giò chả ra. Rộn vang cả siêu thị là những lời hỏi thăm, tiếng mua sắm, và cả những lời hẹn đến chơi nhà nhau vào ngày đầu năm mới dù quanh năm vẫn hay qua lại gia đình nhau. Hồn Việt, Tết Việt cứ vậy mà âm thầm len lỏi.
Công đoạn nấu ăn cũng thật lắm nhiêu khê và tốn nhiều thời gian. Năm nào cũng phải hẹn nhau từ sau giấc trưa, tầm 2-3h là có thể bắt đầu. Bếp có rộng cỡ nào thì cũng trở nên chật chội với hai chục con người tranh nhau, không ai muốn đứng ngoài, thành ra ngay cả vườn nhà cũng trở thành “bếp dã chiến” (may là ở New Zealand, nhà nào cũng có một khoảnh vườn).
Người lo nhặt rau (thêm một cái may là mùa hè nên rau vừa nhiều, vừa tươi lại rẻ, chứ trúng mùa đông thì thôi rồi, chắc nhịn Tết luôn!), người làm nước mắm, người trông chừng nồi măng, người lo í ới luộc gà, chặt gà, người lại lo luộc lại bánh chưng bánh tét, người lo trang trí bàn tiệc… Cứ thế mà thành guồng quay, hăng say cùng đón xuân.

Kiều bào, du học sinh ở xứ kiwi phải đón xuân giữa mùa hạ. Ảnh tác giả cung cấp
Mùa hè New Zealand không chỉ làm cho mặt trời đi ngủ muộn, mãi đến 8-9h tối trời mới nhá nhem, mà còn làm danh sách những điều “không bình thường” khi đón Tết ở xứ kiwi thêm dài ra. Đó là chưa kể New Zealand đi trước Việt Nam 6 tiếng vào mùa hè, thành ra bữa cơm tất niên đón năm mới lại chẳng khác gì bữa trưa ngày giao thừa ở quê nhà.
Thế nhưng, chỉ việc nhìn thấy mâm cơm tươm tất với đầy đủ các món thuần Việt (trừ chai vang và mấy chai bia New Zealand) vẫn thường có vào ngày Tết ở Việt Nam, cũng đủ làm những đứa con xa nhà mãn nguyện, cho dù măng nấu hoài mà vẫn dai vẫn nhân nhẫn, gà thì luộc lâu ơi là lâu mà không ngon ngọt như ở nhà, khổ qua thì to mà lại bở, thịt đông thì phải “chén” nhanh không thì hỏng vì tiết trời mùa hè thời tiết nóng, đĩa gỏi gà kiểu miền Trung thì không thật cay vì ớt bên này đâu có nồng đượm như ớt hiểm xứ Việt.
Có người tranh thủ chụp vài tấm ảnh để còn “khoe” với gia đình ở Việt Nam, để “ở bển” yên tâm. Có em mới lần đầu đón Tết tha hương bất chợt ngân ngấn nước mắt, nhớ nhà, nhớ mùi Tết, nhớ bố mẹ, nhớ cái không khí lành lạnh của sớm mồng 1. Bất giác, các anh chị lớn hơn, những người chí ít cũng qua hơn một mùa xuân nơi xứ người thành người vỗ về, an ủi. Tết mà rơi nước mắt thì không hên, phải vui, phải cười tươi, phong tục là vậy, nhưng ở nơi cách quê nhà hơn mười ngàn cây số đường chim bay, chút nước mắt ngày xuân đâu hẳn là điềm gở.
Có năm, cả đám du học sinh tập trung nhà một anh lớn, rồi cũng thức khuya, nghe nhạc xuân, chơi chút trò đỏ đen, cược vài đồng lẻ để mua niềm vui ngày Tết, cũng tranh thủ mở xem truyền hình đêm giao thừa của VTV qua Internet, ai xem nổi thì xem, không thì cứ việc lăn ra ngủ.
6h sáng, đúng giờ giao thừa ở Việt Nam, lại lục tục kéo nhau dậy, mỗi người mỗi góc, gọi điện thoại hoặc Skype về nhà chúc Tết. Tiếng chúc, tiếng cười ngay những phút giây đầu tiên của một năm mới rộn vang cả góc nhà.
Vừa chúc Tết xong là lại tất bật, đứa lo phần ăn sáng, đứa lo pha trà, bày mứt Tết, hạt dưa, cùng ăn, cùng trò chuyện về ngày Tết ở nhà rồi cũng vòng tay chúc Tết nhau, anh chị lớn mừng tuổi các em nhỏ. Phong bao lì xì đỏ, tiền thì dùng đôla, tính ra không nhiều so với mức sống của người dân bản địa nhưng vậy là đủ mang niềm vui đến cho nhau, hay ít nhất là cũng duy trì được một phong tục truyền thống, cho dù đang “tá túc” nơi đất khách.
Đó là chưa kể tục dẫn nhau đi chùa Việt ngày mồng 1. Chùa nhỏ, cải tạo lại từ một ngôi nhà xây theo kiểu đặc trưng của New Zealand, nhưng đậm chất Việt. Ngày xuân lại càng thêm rõ bản sắc Việt với áo dài, câu đối, những câu chúc Tết, tục xin xăm đầu xuân…
Ngày xuân ở xứ kiwi là vậy đó, ngắn ngủi và quẩn quanh nơi siêu thị Việt, nơi góc bếp, ở mùi hương trầm thơm ngát nơi cửa chùa. Giữa mùa hè nam bán cầu lại bồi hồi đón Tết, lại cùng nhau chào đón một mùa xuân mới, một năm mới với bao ước vọng mới, Tết Việt ở xứ kiwi có nhiều cái “không giống ai”, nhưng vẫn luôn tràn ngập niềm vui, tình cảm quê hương, tình cảm đồng bào thân thương gắn bó. Mà hình như, Tết Việt ở bất cứ xó xỉnh nào trên trái đất này cũng vậy cả…
Lê Quang Kiệt