"Vì sao chuyện này có thể xảy ra ở New Zealand?", đó là câu hỏi được thắc mắc trên toàn thế giới sau vụ xả súng hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, khiến 50 người chết ngày 15/3. Cảnh sát nói rằng đây là cuộc tấn công chưa có tiền lệ, Thủ tướng New Zealand gọi đây là một trong những ngày đen tối nhất của đất nước.
New Zealand nổi tiếng là đất nước an toàn. Năm 2018, họ đứng thứ hai về Chỉ số Yên bình Toàn cầu 2018, chỉ sau Iceland. Chỉ số này được tính toán dựa vào mức độ tội phạm, nguy cơ khủng bố, mức ổn định chính trị và số lượng các cuộc chiến tranh đã tham gia.
Cảnh sát ở New Zealand không thường xuyên mang súng. Có rất ít vụ giết người ở đây, chỉ 35 vụ vào năm 2017, so với hơn 17.200 vụ ở Mỹ. Các vụ giết người liên quan đến súng càng hiếm hơn. Kể từ năm 2007, mỗi năm New Zealand có chưa đến 10 trường hợp như vậy, trừ năm 2009 có 11 vụ.
Gần 5 triệu người New Zealand sở hữu hợp pháp khoảng 1,2 triệu khẩu súng. Giấy phép được cảnh sát cấp sau khi kiểm tra lý lịch và huấn luyện sử dụng an toàn. Tuy nhiên, súng hiếm khi được nhìn thấy ở nơi công cộng.
"Bố tôi gặp mẹ tôi - cô gái người New Zealand, khi ông là lính thủy đánh bộ bảo vệ sứ quán Mỹ tại Wellington. Tôi từng nói đùa rằng nhiệm vụ đó được coi là nguy hiểm tại một trong những quốc gia thanh bình nhất trên trái đất", ký giả Karina Bland viết trong bài viết bày tỏ nỗi ngạc nhiên khi vụ khủng bố nghiêm trọng xảy ra ở New Zealand trên trang azcentral.
Không chỉ thanh bình, New Zealand còn nổi tiếng là có nền chính trị trong sạch. Năm 2017, nước này là quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới, theo bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Năm 2018, nước này tụt xuống vị trí thứ hai, sau Đan Mạch. Các năm trước đó, New Zealand luôn nằm trong top đầu.
Có khoảng 60.000 người Hồi giáo ở New Zealand, tức khoảng 1% dân số. Đất này có 200 dân tộc và 160 ngôn ngữ. Hầu hết các nạn nhân vụ khủng bố ngày 15/3 đến là từ các đảo ở Fiji, nhưng cũng có người Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Somalia.
Đối với Ahmed Tani, người đến Christchurch tị nạn vào năm 1999 để chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Somalia, thành phố New Zealand này là một nơi trú ẩn an toàn.
Cảm giác yên bình đó bị lung lay lần đầu tiên vào trưa ngày 22/2/2011, khi một trận động đất mạnh 6,3 độ richter làm sụp đổ nhiều tòa nhà ở trung tâm Christchurch. Nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, 185 người thiệt mạng.
Trận động đất để lại hậu quả nặng nề. Nhà thờ Anh giáo mang tính biểu tượng bị sụp đổ một phần. Các em học sinh sống sót qua trận động đất gặp nhiền vấn đề tâm lý hơn so với các bạn đồng trang lứa ở nơi khác trên đất nước.
Christchurch dần dần xây dựng lại sau bi kịch. Các tòa nhà mới mọc lên thay thế cho những đống đổ nát. Cộng đồng gắn bó với nhau hơn. Trong những tuần sau khi trận động đất xảy ra, những người không quen biết nhau đôi khi ôm nhau và hỏi thăm: "Bạn có ổn không?".
Christchurch lại một lần nữa hứng chịu nỗi đau với vụ xả súng ngày 15/3. Kẻ tấn công Brenton Tarrant là người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, căm ghét người Hồi giáo và dân nhập cư.
Động cơ của Tarrant phản ảnh vấn đề đang nổi lên ở Christchurch trong những năm gần đây: sự trỗi dậy của một số nhóm theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng như Máu và danh dự, Mặt trận Quốc gia, Đầu trọc Southland và Đầu trọc Độc lập.
Cuối năm 2017, các thành viên Mặt trận Quốc gia biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội, trong khi các áp phích kêu gọi mọi người tham gia cuộc chiến chống lại "nạn diệt chủng người da trắng" (quan đểm cho rằng làn sóng nhập cư, sự hội nhập chủng tộc sẽ biến người da trắng thành dân tộc thiểu số tại tổ quốc của họ) được dán ở khắp Đại học Auckland.
Ký giả Alexandra Nelson nhận xét trên trang Newshub rằng sau vụ tấn công này, New Zealand cần phải chú ý nhiều hơn đến các vấn đề phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Christchurch giờ đây đối mặt với nhiệm vụ khôi phục lại niềm tin vào cộng đồng và an ninh. Thị trưởng Christchurch Lianne Dalziel cho biết mọi người trong thành phố sẽ đoàn kết để cùng nhau vượt qua thảm kịch.
"Đó là những gì đã giúp chúng tôi vượt qua trận động đất", bà Dalziel nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường chào đón mọi người từ tất cả quốc gia, tất cả tôn giáo, tất cả nền văn hóa đến thành phố của chúng tôi".