Ngày 22/6/1983, Emanuela Orlandi rời nhà, lên xe buýt ở bên ngoài Thành Vatican để đến lớp học nhạc ở trung tâm Rome. Đó là hành trình thiếu nữ 15 tuổi đã thực hiện vô số lần. Tuy nhiên, lần này cô không trở về. Nơi Emanuela được nhìn thấy lần cuối là gần nhà thờ Sant'Apollinare ở Rome.
Emanuela là con của Ercole, một nhân viên Tòa thánh. Gia đình cô sống trong Thành Vatican. Anh của Emanuela, Pietro, nhớ về thời thơ ấu của họ: những khu vườn đẹp mắt của Vatican là sân chơi, Giáo hoàng John Paul II đôi khi trò chuyện với những đứa trẻ. "Chúng tôi từng nghĩ rằng chúng tôi ở nơi an toàn nhất thế giới", Pietro, hiện ngoài 60 tuổi, nói.
Trong 36 năm qua, có nhiều giả thuyết xoay quanh vụ mất tích. Một nhân chứng nói rằng đã nhìn thấy thiếu nữ giống Emanuela lên một chiếc xe màu xanh đậm gần lớp học nhạc. Tuy nhiên, thông tin này không được chứng thực.
Vài ngày sau khi Emanuela mất tích, cha mẹ cô nhận được những cuộc điện thoại nặc danh từ một người hứa hẹn rằng Emanuela sẽ trở về an toàn nếu Vatican thả Mehmet Ali Agca, công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã ám sát hụt Giáo hoàng John Paul II năm 1981.
Agca cho rằng Emanuela bị bắt cóc bởi Sói Xám - nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ mà Agca là thành viên. Agca nói rằng anh ta không biết về số phận của thiếu nữ nhưng suy đoán cô gái sống trong một tu viện kín. Tuy nhiên, không có bằng chứng để chứng minh những tuyên bố này.
Năm 2011, Antonio Mancini, cựu thành viên băng tội phạm Italy Banda della Magliana, cho rằng băng đảng này bắt cóc Emanuela để buộc Vatican trả lại số tiền mà nhóm đã cho Ngân hàng Vatican vay thông qua Banco Ambrosiano, ngân hàng đã phá sản vào năm 1982.
Năm 2012, giới chức khám xét ngôi mộ của Enrico "Renatino" De Pedis, từng là trùm của Banda della Magliana, sau khi có nguồn tin nặc danh nói rằng đó là manh mối cho vụ mất tích. De Pedis được chôn tại nhà thờ Sant'Apollinare, gần nơi Emanuela được nhìn thấy lần cuối. Tuy nhiên, họ không tìm thấy manh mối nào.
"Điều đáng kinh ngạc nhất là Vatican chưa bao giờ giải thích lý do tại sao tên trùm xã hội đen Renatino De Pedis được chôn cất bên trong nhà thờ Sant'Apollinare, nhà thờ quan trọng ở trung tâm Rome", Fiorenza Sanzanini, phóng viên Italy đã theo sát vụ mất tích, nói.
Tháng 10/2018, các công nhân trong quá trình cải tạo Đại sứ quán của Tòa thánh tại Italy ở Rome tìm thấy một bộ hài cốt, làm dấy lên đồn đoán rằng đó là Emanuela. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm được công bố hồi tháng hai cho thấy đây là hài cốt của một người đàn ông La Mã qua đời vào khoảng năm 190-230.
"Trong tất cả cuộc điều tra khác nhau, có một chủ đề chung", Pietro nói. "Mọi manh mối luôn dẫn đến Vatican. Nhưng Vatican luôn yêu cầu chính quyền Italy điều tra vì theo họ, vụ bắt cóc xảy ra trên đất Italy".
Pietro cho rằng Vatican có thể làm nhiều hơn để giúp giải quyết bí ẩn. Tuy nhiên, các quan chức Vatican bác bỏ mọi liên quan và khẳng định họ không có thông tin về vụ mất tích.
Năm ngoái, Pietro nhận được một lá thư nặc danh, gồm hình ảnh thiên thần trên ngôi mộ trong Nghĩa trang Teutonic của Vatican với lời chỉ dẫn "hãy nhìn nơi thiên thần đang chỉ".
Vatican tuyên bố sẽ xử lý những phần của cuộc điều tra trên lãnh thổ của mình. Ngày 11/7, Vatican cho khai quật ngôi mộ chôn cất hai công chúa Đức mất năm 1836 và 1840 ở Nghĩa trang Teutonic, để xác định liệu chúng có chứa hài cốt của Emanuela hay không. Theo kế hoạch, hài cốt sẽ được chuyên gia pháp y khám nghiệm để tìm hiểu xem chúng đã ở trong mộ bao lâu.
Tuy nhiên, trong ngôi mộ, các nhà điều tra không tìm thấy hài cốt của Emanuela, cũng không có hài cốt của các công chúa.
Phát biểu trước các phóng viên bên ngoài Thành Vatican, Pietro cho biết ông bất ngờ khi thấy những ngôi mộ trống rỗng. Các quan chức Vatican đang nghiên cứu tài liệu về nghĩa trang để xác định xem liệu hài cốt các công chúa có bị chuyển đi trong những lần tu sửa mộ vào thế kỷ 19 và thập niên 1960 hay không.
Pietro vẫn quyết tâm tìm kiếm sự thật. "Cho đến khi tôi nhìn thấy hài cốt của Emanuela, nhiệm vụ của tôi là tìm kiếm em ấy, còn sống".
Phương Vũ (Theo CNN/ABC)