Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng nhiệt cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng việc tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nước này, Bắc Kinh đáp trả với việc tăng thuế 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Giới quan sát cho rằng tăng thuế chỉ là một trong ba biện pháp Trung Quốc có thể dùng để đối phó Mỹ trong chiến tranh thương mại. Bắc Kinh còn có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại nước này, điển hình là Apple. Tuy nhiên, các biện pháp này có phạm vi tác động giới hạn do Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn, khiến Bắc Kinh cần biện pháp bổ sung.
Biện pháp trả đũa thứ ba của Trung Quốc được ví như "lựa chọn hạt nhân" trong chiến tranh thương mại là ngừng mua hoặc bán phá giá số lượng lớn trái phiếu chính phủ do Bộ Tài chính Mỹ phát hành. Động thái trên có thể làm tăng lãi suất đồng USD và gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Mỹ.
Trung Quốc hiện sở hữu hơn 1.100 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, chiếm 17,7% số trái phiếu do nước ngoài sở hữu, theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ. Việc Trung Quốc sử dụng "lựa chọn hạt nhân" có thể sẽ khiến Mỹ rơi vào hỗn loạn do nước này phụ thuộc nhiều vào các thực thể nước ngoài mua nợ chính phủ.
Trung Quốc đã và đang tìm cách thu hẹp vai trò trong thị trường trái phiếu Mỹ. Tỷ lệ nắm giữ của Trung Quốc giảm 4% trong một năm qua trong khi tổng sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ Mỹ tăng 2,6%. Nhật Bản hiện sở hữu 1.070 tỷ USD và Brazil sở hữu 308 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ.
Với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách hàng năm 1.000 tỷ USD trong thời gian tới, Mỹ lo ngại việc Trung Quốc giảm bớt hoạt động hơn trên thị trường trái phiếu chính phủ nước này. "Đây là vũ khí lớn nhất mà Trung Quốc có, họ cần làm nhiều hơn để đối phó với Mỹ. Trung Quốc sẽ dùng vũ khí đó nếu bị dồn đến đường cùng", giáo sư kinh tế học Sung Won Sohn thuộc Đại học Loyola Marymount nhận định.
Truyền thông Trung Quốc gần đây đưa tin các học giả nước này đang thảo luận về khả năng bán phá giá trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng Trung Quốc đến nay chưa sử dụng đến vũ khí đó vì mặt trái của động thái này. Các chuyên gia cho rằng "lựa chọn hạt nhân" có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho Trung Quốc.
"Lựa chọn hạt nhân này mang tính tự hủy diệt. Trung Quốc có thể dùng ‘lựa chọn hạt nhân’ để thương lượng nhưng nó đe dọa đến những giá trị mà họ có liên quan chặt chẽ", chiến lược gia đầu tư thuộc PGIM Fixed Income Robert Tipp nói.
Việc Trung Quốc giảm sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ có thể làm suy yếu đồng USD, khiến hàng hóa của Mỹ rẻ hơn và tăng lợi thế cạnh tranh cho các tập đoàn đa quốc gia của nước này. Động thái này còn làm tăng lãi suất và giảm giá trị danh mục đầu tư của Trung Quốc.
Nếu đáp trả Mỹ bằng cách bán tháo toàn bộ trái phiếu chính phủ của nước này, Trung Quốc phải tìm kênh đầu tư an toàn khác. Tuy nhiên trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu được đánh giá là kênh đầu tư có hiệu suất cao nhất và rủi ro tương đối thấp. Bởi vậy, giới quan sát tin rằng Bắc Kinh sẽ không biến số trái phiếu chính phủ Mỹ này thành vũ khí mang tính hủy diệt trong cuộc đối đầu thương mại với Washington.
Nguyễn Tiến (Theo CNBC, MSN)