Lầu Năm Góc dự kiến thử nghiệm tiêu diệt một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bằng tên lửa phòng không SM-3 Block IIA phóng từ tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ Aegis vào năm sau. "Đây là thử nghiệm đầu tiên nhằm kiểm tra khả năng đánh chặn ICBM bằng vũ khí trên tàu chiến", Fox News ngày 19/3 dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết.
Các quả đạn SM-3 Block IIA từng nhiều lần đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, nhưng chưa từng được sử dụng để tiêu diệt ICBM. "SM-3 Block IIA có thể giúp giảm gánh nặng của hệ thống phòng thủ trên đất liền, bổ sung một lớp bảo vệ lãnh thổ Mỹ. Tuy không được thiết kế làm nhiệm vụ đánh chặn ICBM, SM-3 Block IIA vẫn là vũ khí đầy hứa hẹn", quan chức Lầu Năm Góc viết trong báo cáo về lá chắn tên lửa Mỹ hồi năm 2018.
Giới phân tích nhận định hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên tàu chiến có thể tăng đáng kể khả năng phát hiện và đánh chặn ICBM. Khác với các tổ hợp trên mặt đất vốn phải đặt ở các trận địa cố định, hải quân Mỹ có thể điều tàu chiến tới các địa điểm trọng yếu dựa theo tin tình báo.
Tên lửa SM-3 Block IIA có kích cỡ, độ chính xác và tầm bắn lớn hơn các phiên bản trước, có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 2.500 km và độ cao 100 km. Các chiến hạm mang tên lửa SM-3 Block IIA còn có thể bắn hạ ICBM sau khi nó rời bệ phóng hoặc trước giai đoạn hồi quyển.
"SM-3 Block IIA không có khả năng đánh chặn ICBM trong hành trình, nhưng vẫn có thể bay ra khỏi bầu khí quyển. Bạn muốn đánh chặn ICBM càng xa càng tốt, đề phòng khả năng đầu đạn hạt nhân bị kích nổ", quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Một cải tiến quan trọng khác của SM-3 Block IIA là tính năng "đánh chặn điều khiển từ xa", cho phép các radar gần mục tiêu có thể cập nhật thông tin theo thời gian thực cho tên lửa, tăng tầm phát hiện và khả năng nhận diện mục tiêu. Trên lý thuyết, các trạm radar ở Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam sẽ cùng tham gia mạng lưới phòng thủ, giúp phát hiện và cung cấp tham số ICBM đối phương ngay khi nó vừa phóng lên.
Lã Linh