Tháng 2/2019, Trung Quốc công bố kế hoạch tổng thể nhằm phát triển khu vực vịnh phía nam nước này trở thành một cụm thành phố đẳng cấp thế giới, trung tâm công nghệ và đổi mới, một khu vực với môi trường kinh doanh thân thiện và đáng sống.
Đây là một vùng được hoạch địch nhằm liên kết các thành phố Hong Kong, Macau, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông thành một trung tâm kinh tế kinh doanh giống San Francisco và Vịnh Tokyo, thậm chí đối trọng với Thung lũng Silicon, Mỹ.
Với hàng loạt biện pháp thúc đẩy được triển khai từ đó đến nay, Khu vực Vịnh Lớn đang chứng kiến những bước phát triển tương đối ổn định.
Bắc Kinh hôm 11/10 tiếp tục công bố một kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng và sáng tạo ở Khu vực Vịnh Lớn. Nội dung kế hoạch bao gồm hàng loạt lĩnh vực, từ cải cách thị trường tài chính tới phát triển thị trường dữ liệu, đồng thời kêu gọi Thâm Quyến đóng vai trò đầu tàu tại Khu vực Vịnh Lớn.
Vịnh Lớn có dân số khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 37% sản lượng xuất khẩu và 12% GDP của Trung Quốc, theo HSBC. Bắc Kinh hy vọng sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các thành phố trong khu vực có thể gia tăng đáng kể mức đóng góp trên.
Một số dự án cơ sở hạ tầng tại Khu vực Vịnh Lớn đã được triển khai. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2018 cắt băng khánh thành một cây cầu nối Hong Kong với Macau và thành phố Chu Hải thuộc Trung Quốc đại lục. Đây là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới, một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm kết nối vùng Vịnh Lớn.
Theo kế hoạch ban đầu, Hong Kong sẽ củng cố vị thế của mình như một trung tâm tài chính và thương mại, Thâm Quyến sẽ gia tăng vị thế là một trung tâm công nghệ, trong khi Macau sẽ tập trung vào du lịch và giao thương với những nước nói tiếng Bồ Đào Nha.
"Nhìn vào các thành phố thuộc Khu vực Vịnh Lớn, chúng ta có thể thấy chúng bổ sung rất tốt cho nhau", Albert Hu, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét và thêm rằng "việc cải thiện khả năng kết nối giữa các thành phố này mang lại ý nghĩa rất lớn".
"Nếu kế hoạch được triển khai thành công, tôi nghĩ cả khu vực sẽ tạo ra năng suất cao hơn những thành phố riêng lẻ cộng lại", ông nói.
Kế hoạch phát triển Vịnh Lớn cũng cho thấy tham vọng của chính quyền trung ương Trung Quốc về việc nâng cao năng lực đổi mới trong khu vực, phát triển các dịch vụ hiện đại và thúc đẩy đầu tư kinh doanh ra nước ngoài, theo Yue Su, nhà kinh tế Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit (EIU), một doanh nghiệp độc lập thuộc Tập đoàn Economist, chuyên cung cấp những dịch vụ dự đoán và cố vấn dựa trên nghiên cứu, phân tích.
Một cuộc khảo sát do KPMG Trung Quốc, HSBC và Phòng Tổng Thương mại Hong Kong (HKGCC) thực hiện hồi tháng một cho thấy 747 giám đốc điều hành tại Vịnh Lớn đều tỏ ra lạc quan về triển vọng phát triển của công ty họ lẫn khu vực. Hầu hết họ đều có kế hoạch mở rộng hoạt động sang các thành phố khác ở Vịnh Lớn, ngoài Hong Kong, Macau, Thâm Quyến.
Union Medical Healthcare (UMH), một nhà cung cấp dịch vụ y tế ngoài bệnh viện, cũng đã dành ưu tiên cho Khu vực Vịnh Lớn trong kế hoạch phát triển.
"Chúng tôi đang tập trung vào những khu vực chỉ cách Hong Kong khoảng một giờ di chuyển, nơi chúng tôi có thể khai thác những thị trường tiềm năng hiệu quả", Giám đốc điều hành UMH Eddy Tang cho hay. "Với GDP đang phát triển nhanh chóng của Vịnh Lớn, thị trường chăm sóc sức khỏe tại đây có tiềm năng to lớn để chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong tương lai".
UMH hiện có 10 cơ sở chăm sóc y tế ở Quảng Châu và Thâm Quyến, dự định mở thêm từ 30 đến 50 phòng khám tại đại lục trong ba đến 5 năm nữa, chủ yếu phân bố tại vùng Vịnh Lớn bên ngoài Hong Kong.
Terence Chiu, lãnh đạo cấp cao của HSBC Hong Kong, bày tỏ lạc quan về kế hoạch phát triển Vịnh Lớn, tin tưởng vào những cơ hội to lớn sẽ được tạo ra cho các doanh nghiệp nhờ sự phát triển đồng bộ của Hong Kong, Macau và 9 thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông.
"Vịnh Lớn là một trong số ít những nơi mà các doanh nghiệp có thể mở rộng hiện diện và tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trong vài năm tới", Yu Pang-chun từ HKGCC nhận định, đồng thời nhấn mạnh khu vực này có thể mang đến những cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp và tái định hình môi trường kinh doanh của Hong Kong trong nhiều thập kỷ tới.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, hội nhập chặt chẽ hơn sẽ đặt ra không ít thách thức đối với một khu vực tồn tại nhiều khác biệt về hải quan, hệ thống luật pháp và dịch vụ công cộng như Vịnh Lớn.
"Một lượng lớn các quy tắc, quy định quan liêu liên quan đến vận tải, hải quan, nhập cư cần được loại bỏ để tạo điều kiện thuận lợi thực sự cho việc di chuyển hàng hóa, con người và nguồn lực tài chính giữa những khu vực này", Martin Chorzempa, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế ở Washington, Mỹ, đánh giá.
Kế hoạch phát triển Vịnh Lớn cũng làm nảy sinh một số quan ngại về khuôn khổ "Một quốc gia, hai chế độ" mà Trung Quốc áp dụng đối với đặc khu Hong Kong.
"Thịnh vượng của Hong Kong hình thành nhờ được toàn cầu công nhận về quyền tự chủ của nó đối với Trung Quốc", nhà kinh tế Yue Su từ EIU, nhận xét. "Ảnh hưởng ngày càng tăng của chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ gây lo ngại cho các đối tác thương mại lớn của Hong Kong".
Việc Vịnh Lớn đặt mục tiêu tập trung vào công nghệ và đổi mới khiến nó được so sánh với Thung lũng Silicon, California, Mỹ.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng khu vực này còn cả quãng đường dài phải đi nếu muốn cạnh tranh với trung tâm công nghệ Mỹ.
"Các công ty công nghệ Trung Quốc chỉ có giá trị bằng khoảng 1/3 so với các công ty công nghệ Mỹ. Họ cũng tạo ra doanh thu tương đối ít ở nước ngoài", Su nói.
"Không thể so sánh chúng với nhau", Adam Xu, đối tác tại công ty tư vấn chiến lược toàn cầu OC&C ở Thượng Hải, cho hay. "Khác biệt lớn nhất là sự phát triển ở Vịnh Lớn được nhà nước hỗ trợ và định hướng, trong khi Thung lũng Silicon dựa trên xu hướng thị trường".
"Mục tiêu của kế hoạch là phát triển kinh tế khu vực thay vì cạnh tranh với Thung lũng Silicon", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo BBC, Xinhua, SCMP)