"Các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trong đó có các biện pháp như buộc tái xuất hoặc tiêu hủy các lô hàng, xử phạt hành chính và tước quyền sử dụng giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong họp báo chiều nay, trả lời câu hỏi về việc xử lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Người phát ngôn khẳng định phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, nằm trong danh mục được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 và các văn bản pháp luật liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang ban hành các văn bản pháp luật theo hướng yêu cầu chất lượng phế liệu cao hơn.
Theo thống kê, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm 2018 là hơn 9,2 triệu tấn, tăng hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2017. Nguyên nhân là áp lực từ chính sách cấm nhập khẩu một số loại phế liệu của một số quốc gia khiến phế liệu có xu hướng được chuyển vào ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại, chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ôtô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng về Việt Nam. Hành động nhập khẩu chất thải trái phép dưới danh nghĩa làm nguyên liệu sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tồn đọng phế liệu, chất thải tại các cảng biển.