Báo cáo Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường năm 2018, Chính phủ cho biết, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm ngoái là hơn 9,2 triệu tấn, tăng hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2017. Nguyên nhân là áp lực từ chính sách cấm nhập khẩu một số loại phế liệu của một số quốc gia, dẫn đến phế liệu có xu hướng được chuyển vào ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, Chính phủ cho biết, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại, chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ôtô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng về Việt Nam. Chính phủ nhận định, hành động nhập khẩu trái phép dưới danh nghĩa làm nguyên liệu sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tồn đọng phế liệu, chất thải tại các cảng biển.
Trước tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải dưới danh nghĩa là phế liệu nhập khẩu và tồn đọng phế liệu tại các cảng biển, Thủ tướng đã ban hành một số giải pháp cấp bách. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại 2 thông tư.
Ngoài chỉ đạo tăng cường quản lý nhập khẩu, xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng, Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Sau thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt 16 tổ chức vi phạm, tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đối với 3 tổ chức. Bộ Công an cũng đã khởi tố 8 tổ chức và cá nhân.
Đầu năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi một số quy định như, kiểm soát chặt chẽ và từ xa ngay tại nước xuất khẩu với phế liệu nhập khẩu; ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu khi vào lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và trước khi phế liệu từ tàu xuống cảng; đơn giản hóa và cải cách thủ tục hành chính và thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong nhập khẩu phế liệu.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, có 23.453 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển, trong đó 9.825 container lưu trữ trên 90 ngày, chưa làm thủ tục hải quan tính đến đầu tháng 4. Lượng hàng phế liệu tồn nhiều nhất tại Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu với 9.468 container, tiếp theo là Hải Phòng và TP HCM lần lượt 6.082 và 4.689 container.
Trong số đã lưu trên 90 ngày, hải quan xác định 90,3% chưa làm thủ tục thông quan mà không có người tới nhận. Các hãng tàu cũng chậm trễ trong vận chuyển lô hàng tồn đọng ra khỏi Việt Nam. Cơ quan này cho rằng, cần có biện pháp quyết liệt yêu cầu các hãng đưa những lô hàng tồn đọng là phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rời Việt Nam.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu là lô hàng chứa chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn..., cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển ra khỏi Việt Nam.
Nếu hãng tàu không thực hiện, cơ quan hải quan sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam. Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu hãng tàu chưa vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá đối với lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường.
Anh Tú