Việc thiếu các tuyến đường an toàn và hợp pháp vào Anh là nguyên nhân một phần khiến người nhập cư phải phụ thuộc vào các phương pháp đe dọa đến tính mạng, bao gồm nhồi nhét người vào phía sau xe container đông lạnh hoặc lênh đênh trên biển bằng những chiếc xuồng mỏng manh.
Cảnh sát Anh ngày 23/10 tìm thấy thi thể 39 người trong thùng xe container đông lạnh tại Essex, đông bắc London, được cho là công dân Trung Quốc. Một số chuyên gia nhận định rằng nhiệt độ bên trong thùng container đông lạnh này có thể hạ xuống tới mức -25 độ C, khiến những người bên trong không có cơ hội sống sót.
Trước thảm kịch này, giới chức Anh từng phát hiện 5 di dân chết trong các xe tải hoặc container ở Anh, kể từ khi số liệu chính thức bắt đầu được thu thập vào năm 2014. Trước năm 2014, bi kịch kiểu này cũng không phải điều mới lạ. Năm 2000, 58 di dân Trung Quốc chết vì nghẹt thở trong một chiếc xe tải tại Dover. Người lái xe bị kết tội ngộ sát và bị kết án 14 năm tù.
Nhiều người tìm cách đến Anh để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, chạy trốn tình trạng bạo lực hay nguy cơ bị giết, tra tấn, hãm hiếp ở quê nhà. Anh đã cung cấp tị nạn, bảo vệ nhân đạo hoặc các hình thức tái định cư cho 18.519 người từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019. Tuy nhiên, tương đối khó để xin được tị nạn ở Anh, nơi có ít hơn 1% số người tị nạn trên thế giới.
Ngoài chương trình tái định cư hạn chế cho người Syria, người muốn xin tị nạn bắt buộc phải đến Anh. Việc vào Anh theo dạng đoàn tụ gia đình, nghĩa là những người được tị nạn ở Anh nộp đơn để đưa thân nhân đến sống cùng đã bị hạn chế.
Hơn nữa, chính sách khắt khe, bao gồm việc giam di dân (Anh là một trong những quốc gia hiếm hoi không có giới hạn về thời gian giữ di dân), cũng làm nản lòng những người muốn xin tị nạn một cách hợp pháp vì sợ rằng họ sẽ bị giam lâu dài.
Quy định Dublin của EU yêu cầu rằng một cá nhân chỉ được tị nạn ở quốc gia an toàn đầu tiên họ đến, càng khiến nhiều người tìm cách đến Anh bằng các hành trình nguy hiểm, thường do những kẻ buôn người tàn nhẫn sắp xếp.
Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh cho biết các băng đảng tội phạm có tổ chức đã mở các đường dây buôn người vào Anh bằng cách đi qua Eo biển Anh, nằm giữa Anh và Pháp. Năm 2018 chứng kiến sự gia tăng "các phương pháp nhập cảnh bí mật rủi ro cao", bao gồm vận chuyển người trong container và xe chở hàng đông lạnh.
Anh, Pháp và Bỉ có thỏa thuận kiểm tra nhập cư trên các tuyến đường xuyên Eo biển Anh. Họ kiểm tra các phương tiện bằn máy quét, có thể phát hiện các sản phẩm cũng như con người giấu kín. Công đoạn này diễn ra trước khi các phương tiện lên phà và đã dẫn đến việc phát hiện những người bị giấu trong xe tải và container. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2016 từ thanh tra biên giới của Anh bày tỏ lo ngại về việc thiếu nhân sự và thiết bị, bao gồm máy quét xe, ở miền đông nước Anh.
Cơ quan Tội phạm Quốc gia chỉ ra rằng những kẻ buôn người đang sử dụng các cảng ít nhộn nhịp ở Anh làm điểm trung chuyển buôn người, bao gồm Purfleet, Hull và Tilbury. Trong vụ 39 người thiệt mạng, chiếc xe container đã đến cảng Purfleet.
Những nước có nhiều công dân không giấy tờ tìm cách nhập cảnh vào Anh nhất năm 2018 là Eritrea, Iraq, Afghanistan, Iran, Albania, Sudan, Việt Nam, Pakistan, Syria và Ethiopia. Có 27.860 vụ bắt giữ vì nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh từ năm 2013 đến tháng 4/2016. Trong cùng thời gian, có 2.482 vụ bắt giữ những người tạo điều kiện cho việc nhập cảnh bất hợp pháp.
Tổ chức từ thiện Hội đồng chung về Phúc lợi của Người nhập cư cho rằng chính phủ Anh phải chịu trách nhiệm về những cái chết của người nhập cư vì các chính sách của họ.
"Chúng ta cần làm nhiều hơn những lời bày tỏ đau buồn suông từ Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel và Thủ tướng Boris Johnson. Chúng ta cần họ cam kết mở các tuyến an toàn và hợp pháp đến Anh và ra quyết định nhanh chóng cho những người muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Anh".
Phương Vũ (Theo BBC/Guardian)