Người Hong Kong hôm 9/6 đổ xuống đường để biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục. Một nhà tổ chức biểu tình cho biết hơn một triệu người đã tham gia tuần hành, trong khi cảnh sát nói rằng con số này là 240.000 người.
Nếu dự luật có hiệu lực, các nghi phạm bị bắt ở Hong Kong có thể bị bàn giao cho Trung Quốc đại lục, khiến nhiều người lo lắng rằng Bắc Kinh sẽ có ảnh hưởng với hệ thống tư pháp độc lập của Hong Kong, thế mạnh cốt lõi khiến Hong Kong trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được quyền duy trì một hệ thống pháp lý riêng biệt, độc lập với đại lục và hai bên cũng không ký bất cứ thỏa thuận dẫn độ nào.
Hong Kong duy trì hệ thống tư pháp kiểu Anh, trong khi tại Trung Quốc đại lục, hệ thống tòa án chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này làm dấy lên những lo ngại trong dư luận Hong Kong về việc chịu sự điều chỉnh của một hệ thống tư pháp hoàn toàn khác, dưới ảnh hưởng ngày càng lớn của chính quyền đại lục.
"Bất cứ ai ở Hong Kong, dù có xuất thân thế nào, vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh", một công chức Hong Kong tự giới thiệu mình là Ada nói với Guardian. Ada cho hay đây là lần đầu tiên cô xuống đường biểu tình kể từ năm 1989 tới nay.
"Họ nói rằng nếu không làm gì sai, bạn không có gì phải sợ", một người tham gia biểu tình nói. "Nhưng hệ thống pháp lý ở Trung Quốc có thể dễ dàng bị thay đổi".
Nhiều người biểu tình lo ngại bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, sức hút của Hong Kong đến từ hệ thống pháp lý minh bạch, rõ ràng, đáng tin, hứa hẹn về sự trung lập khi phân xử tranh chấp.
Mặc dù giới lãnh đạo Hong Kong nhấn mạnh luật dẫn độ chỉ được áp dụng cho tội ác nghiêm trọng và loại trừ một số tội danh kinh tế như gian lận chứng khoán, trốn thuế, cung cấp thông tin thương mại sai lệch hay xâm nhập máy tính, cộng đồng doanh nghiệp ở Hong Kong vẫn rất lo ngại.
Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong nói rằng "có quá nhiều điều không chắc chắn trong các phần cơ bản của dự luật. Dự luật có thể có tác động nghiêm trọng đến danh tiếng của Hong Kong là một trong những trung tâm kinh doanh quan trọng nhất thế giới".
Gần một phần ba GDP của Hong Kong đến từ lĩnh vực tài chính và các ngành liên quan như dịch vụ pháp lý. Tất cả ngân hàng lớn trên thế giới đều có văn phòng tại thành phố này. Hong Kong còn là "nhà" của sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai châu Á và là nơi nhiều cơ quan truyền thông phương Tây đặt văn phòng để đưa tin về châu Á.
Đó là lý do Hong Kong giàu có: Các ngân hàng và nhà đầu tư sẽ không tự tin triển khai vốn đến khu vực họ có thể bị tịch thu một cách tùy tiện và hay phải "đi cửa sau" để giải quyết các vấn đề trong kinh doanh.
Dự luật dẫn độ này có thể khiến giới tài chính e ngại và phải điều chỉnh hành vi vì lo sợ bị dẫn độ sang Trung Quốc. Các nhà phân tích chứng khoán có thể ngần ngại khi viết báo cáo chỉ trích các công ty nhà nước Trung Quốc; các ngân hàng có thể xem xét lại việc bố trí giám đốc điều hành quan trọng ở Hong Kong vì họ không muốn nhân sự của mình bị sử dụng như những "con tốt" nếu mối quan hệ giữa với chính quyền Bắc Kinh xấu đi.
"Nếu dự luật được thông qua, Hong Kong sẽ chẳng khác gì các thành phố khác của Trung Quốc", một thanh niên tham gia biểu tình ngày 9/6 nói.
Mỹ ngày 10/6 bày tỏ quan ngại về diễn biến ở Hong Kong, cảnh báo rằng dự luật dẫn độ có thể ảnh hưởng đến tình trạng đặc biệt mà đặc khu này được hưởng. "Sự xói mòn liên tục của khuôn khổ 'một quốc gia, hai chế độ' đặt ra rủi ro với tình trạng đặc biệt của Hong Kong trong các vấn đề quốc tế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói.
Dự luật có nguy cơ gây tổn hại đến môi trường kinh doanh của Hong Kong và "khiến công dân của chúng tôi cư trú hoặc đến Hong Kong phải chịu ảnh hưởng từ hệ thống tư pháp khó lường của Trung Quốc", Ortagus nói thêm.
Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, Washington coi Hong Kong là thực thể tách biệt với phần còn lại của Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và kinh tế. Vì vậy, đòn đánh thuế của Trump với hàng hóa Trung Quốc trong chiến tranh thương mại không bị áp đặt với Hong Kong.
Một số nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Washington thay đổi chính sách này vì Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng với chính trị Hong Kong. Nếu lời kêu gọi trở thành hiện thực, nó sẽ gây ra tác động kinh tế đáng kể với cả Mỹ và Trung Quốc. Khoảng 1.300 doanh nghiệp Mỹ đặt văn phòng tại Hong Kong và một số công ty nhà nước Trung Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở đây.
"Nếu Mỹ chấm dứt đối xử đặc biệt với Hong Kong thì tiền có thể ngừng chảy vào thị trường tài chính của thành phố và cũng có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc đại lục", Toru Kurata, giáo sư chính trị tại Đại học Rikkyo, Nhật Bản, nói.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam ngày 10/6 nói rằng bà hiểu những lo ngại của người biểu tình và sẽ nỗ lực giải thích rõ hơn về dự luật, nhưng khẳng định chính quyền có kế hoạch thúc đẩy cơ quan lập pháp thông qua dự luật. Hội đồng lập pháp Hong Kong sẽ bắt đầu tranh luận về dự luật từ ngày 12/6 với mục tiêu biến nó thành luật vào cuối tháng.
Bà Lam nhấn mạnh dự luật nhằm bít lại "lỗ hổng" khiến cho thành phố trở thành "thiên đường" cho tội phạm từ Trung Quốc đại lục tràn sang. "Lỗ hổng" này được thể hiện rõ trong vụ án cư dân Hong Kong Chan Tong-kai năm 2018 giết bạn gái Poon Hiu-wing khi hai người đi nghỉ ở Đài Loan. Sau khi trở về Hong Kong, Chan thừa nhận đã giết Poon nhưng cảnh sát Hong Kong không thể buộc tội giết người với anh ta hay dẫn độ anh ta sang Đài Loan vì không có thỏa thuận dẫn độ giữa hai bên.
Giới chức Hong Kong nhiều lần nhấn mạnh không phải mọi yêu cầu dẫn độ đều tự động được đáp ứng nếu dự luật này có hiệu lực. Các thẩm phán Hong Kong sẽ đóng vai trò như "người gác cổng", quyết định có chấp nhận dẫn độ hay không trong các phiên tòa và bị cáo có thể kháng cáo. Bà Lam và các đồng minh khẳng định bất kỳ ai có nguy cơ bị đàn áp chính trị, tôn giáo, tra tấn, xử tử sẽ không bị dẫn độ.
Bắc Kinh thể hiện sự ủng hộ với dự luật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ám chỉ rằng các thế lực phương Tây đã kích động cuộc biểu tình phản đối dự luật. "Chúng tôi kiên quyết phản đối những lời nói và hành động sai trái của bất kỳ lực lượng nước ngoài nào can thiệp" vào luật pháp Hong Kong, ông nói.
Một số chính trị gia đối lập tin rằng lập trường của chính quyền Hong Kong đang bị dao động và họ có thể "xuống nước" nếu như có thêm nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra. Tuy nhiên, Gavin Greenwood, từ công ty tư vấn A2 Global Risk cho rằng nhiều khả năng các nhà lập pháp Hong Kong sẽ thông qua dự luật vì Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng với Hong Kong.
Phương Vũ (Theo Wccftech/ Nikkei)