Một nhóm luật sư ngày 2/1 gửi đơn khiếu nại lên cơ quan tư pháp Lebanon cáo buộc rằng những chuyến đi tới Israel của Ghosn với tư cách chủ tịch hãng ôtô Renault và sau này là chủ tịch Nissan đã cấu thành tội theo luật cấm công dân tương tác với kẻ thù của Lebanon.
Trên thực tế, Israel và Lebanon đã ở trong tình trạng chiến tranh suốt 60 năm qua và Ghosn, người mang hộ chiếu Lebanon, về nguyên tắc không được giao dịch với Israel.
Điều này có thể đặt ông vào tình thế khó khăn hơn bất kỳ cáo buộc tham ô hay sai phạm tài chính nào, giới chuyên gia nhận định. Hợp tác với kẻ thù được coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn những cáo buộc mà cựu chủ tịch Nissan phải đối mặt khi ông trốn khỏi Nhật Bản để tới Beirut, Lebanon hồi đầu tuần.
Nếu bị kết tội giao dịch với kẻ thù, Ghosn, sinh ra ở Brazil, mang hai quốc tịch Lebanon và Pháp, có thể bị xử tù lên tới 15 năm ở Lebanon, theo giới chức tư pháp.
"Nếu ông ấy nghĩ ông ấy sẽ được bảo vệ ở đây, chuyện đó sẽ không xảy ra, bởi theo luật Lebanon, ông ấy đã tới Israel, nước đối địch của chúng ta", Mohammed Obeid, nhà phân tích chính trị Lebanon, nhận xét.
"Đầu tiên, ông ta tham nhũng, thứ hai, ông ta là một kẻ phản bội. Vậy làm sao ông ta có thể là người hùng Lebanon được?", Obeid đặt câu hỏi. "Có thể ông ấy nổi tiếng với một số người nhưng không phải với đa số người dân Lebanon".
Rắc rối với Ghosn ở Lebanon phát sinh trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang cố gắng tìm hiểu bằng cách nào ông trốn khỏi Nhật Bản khi đang chịu quản thúc và hộ chiếu bị chính quyền thu giữ.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua bắt 7 người, trong đó có 4 phi công, vì tình nghi giúp Ghosn trốn khỏi Nhật Bản rồi quá cảnh ở Istanbul trên đường đến Lebanon.
4 phi công bị bắt được cho là đã đi trên hai máy bay riêng đưa Ghosn từ Nhật Bản đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ đây bay tiếp đến Beirut. Hai nhân viên thuộc một công ty khai thác mặt đất và giám đốc điều hành một công ty vận tải tư nhân cũng bị bắt.
Bộ Tư pháp Lebanon thông báo đã nhận được lệnh truy nã Ghosn từ Interpol. Tuy nhiên, dù Interpol ra "cảnh báo đỏ", các quốc gia không có nghĩa vụ phải bắt đối tượng.
Một quan chức an ninh cấp cao Lebanon cho biết nước này không có ý định hành động dựa trên cảnh báo từ Interpol bởi Ghosn không bị truy nã vì bất kỳ tội danh nào ở Lebanon.
"Nếu ông ấy không phạm pháp ở Lebanon, chúng tôi không có quyền bắt", quan chức trên nói. "Ông ấy không giết ai cũng như không phạm tội danh quốc tế nào. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến bởi mọi chuyện đang trở nên phức tạp".
Ghosn tuyên bố ông không chạy trốn công lý nhưng đang chạy trốn khỏi "bất công và đàn áp chính trị". Các chuyên gia pháp lý độc lập phản đối cách đối xử khắc nghiệt mà Ghosn phải nhận ở Nhật Bản. Ông bị giam 120 ngày trong một buồng giam không có hệ thống sưởi và bị thẩm vấn nhiều giờ mà không có luật sư.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi lớn hiện vẫn chưa được trả lời về nhiệm kỳ chủ tịch của Ghosn ở Nissan và Renault. Ghosn bị cáo buộc 4 tội danh lạm dụng tài chính và vi phạm tín nhiệm nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả việc ông che giấu thu nhập cá nhân và làm giàu cho bản thân thông qua các khoản thanh toán của công ty với những đại lý ở Trung Đông.
Ở Lebanon, Ghosn nổi tiếng là có những đồng minh quyền lực, tiêu biểu là Ngoại trưởng Gebran Bassil và bố vợ Bassil, Tổng thống Lebanon Michel Aoun. Họ là những lãnh đạo đang cạnh tranh ảnh hưởng cho những vị trí quan trọng trong chính phủ tiếp theo với các phe phái khác ở Lebanon, trong đó có phong trào Hezbollah.
Theo Sami Nader, người đứng đầu Viện Các vấn đề Chiến lược Lebanon, Ghosn có nguy cơ trở thành quả bóng chính trị trong cuộc chiến quyền lực tại nước này. "Vấn đề đã được quốc tế hóa. Câu hỏi đặt ra là liệu nó có được Lebanon hóa không", ông nói.
Các luật sư nộp đơn khiếu nại Ghosn lên tòa án Lebanon khẳng định họ không có bất kỳ động cơ chính trị nào khác ngoài ý thức công lý. Ali Abbas, một trong những luật sư liên quan, cho rằng việc Ghosn được chào đón trở lại Lebanon khi đã giao dịch với Israel là điều gây phẫn nộ.
Bạn bè cho hay Ghosn không phủ nhận việc ông đã tới Israel. Các bức ảnh lan truyền trên mạng cho thấy năm 2008, ông từng gặp tổng thống Israel lúc bấy giờ Shimon Peres và thủ tướng Ehud Olmert trong một chuyến công tác tới nước này nhằm ký kết thỏa thuận chế tạo xe ôtô điện giữa Israel và Renault.
"Ông ấy là một giám đốc điều hành làm việc toàn cầu, có ba hộ chiếu và ông ấy tới Israel trong một chuyến công tác với tư cách lãnh đạo công ty", Ricardo Karam, bạn của Ghosn kiêm ngôi sao truyền hình Lebanon, bình luận.
Các bức ảnh đã được chụp 10 năm nhưng theo luật Lebanon, người thực hiện những chuyến thăm như vậy vẫn có thể bị truy tố. Các luật sư cáo buộc Ghosn gần đây cũng tới Israel và cơ quan tư pháp Lebanon đang điều tra cáo buộc trên có đúng hay không, công tố viên Ghassan Oweidat cho hay.
Luật về thăm viếng Israel được áp dụng không nhất quán trong quá khứ, khi một số công dân Lebanon phải chịu án tù dài, trong khi nhiều người khác lại thoát tội cùng với hành vi này. Đạo diễn được đề cử giải Oscar Ziad Doueiri bị bắt năm 2017 vì quay phần một bộ phim của mình ở Israel, nhưng sau đó được thả.
Song theo Nader, kết cục của Ghosn có thể không được như thế. "Ông ấy có thể lợi dụng sự chia rẽ trong xã hội Lebanon và các quan chức Lebanon", Nader nói. "Ở Lebanon, bạn luôn có thể tìm ra cách, nhưng hành trình của ông ấy chưa kết thúc".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)