Tia chớp F-35 là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 hiện đại nhất hiện nay của Mỹ, được phát triển trong một chương trình tốn kém nhất lịch sử với kỳ vọng sẽ trang bị rộng rãi cho quân đội Mỹ và xuất khẩu ra nhiều nước đồng minh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định chiếc F-35 hiện đại này đang có nguy cơ "ế hàng" vì chịu sức ép cạnh tranh từ các mẫu tiêm kích giá thành rẻ và độ tin cậy cao hơn, theo DefenseOne.
Chi phí quá cao
Khi mới bắt đầu đưa vào sản xuất, hãng chế tạo vũ khí Lockheed Martin của Mỹ dự tính giá thành của mỗi chiếc F-35 sẽ vào khoảng 70 triệu USD, gần ngang với giá một chiếc tiêm kích thế hệ cũ F-15. Tuy nhiên đến năm 2011, sau nhiều trục trặc về tiến độ và kỹ thuật, giá thành chiếc tiêm kích đa năng đã đội lên gấp đôi, vào khoảng 120-145 triệu USD mỗi chiếc tùy phiên bản.
Vì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của quân đội Mỹ đề ra, F-35 hiện chủ yếu được đem đi xuất khẩu tới các nước đồng minh của Mỹ. Việc xuất khẩu F-35 cũng không được thuận lợi như kỳ vọng, khi chiếc tiêm kích tàng hình có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, ông Marcus Weisgerber, chuyên gia phân tích vũ khí, nhận định.
Mới đây, tân Thủ tướng Justin Trudeau của Canada, nước có kế hoạch mua F-35 của Mỹ, đã tuyên bố sẽ "giảm ngân sách mua sắm máy bay thay thế CF-18", một phiên bản của chiến đấu cơ F/A-18 Hornet lừng danh. Thay vì sắm mới F-35, Canada sẽ "tập trung vào những loại máy bay rẻ hơn, phù hợp hơn với nhu cầu quốc phòng".
Các hãng Boeing của Mỹ, Dassault của Pháp và Saab của Thụy Điển đều đang chào bán những loại máy bay thay thế cho F-35 với giá thành rẻ hơn rất nhiều, và chi phí vận hành cũng không quá cao. Chi phí vận hành mỗi chiếc F-35 hiện nay tốn đến hơn 67.000 USD mỗi giờ bay, trong khi chiếc F/A-18 Super Hornet chỉ hết 11.000- 24.400 USD cho mỗi giờ bay.
"F-35 có thể chịu cạnh tranh khốc liệt từ máy bay F/A-18 hay Rafale, hai dòng máy bay đã được sản xuất từ lâu và được nhiều quốc gia đặt hàng", Byron Callan, chuyên gia phân tích tại tổ chức Capital Alpha Partners, nhận định. "Mặc dù hai máy bay không hiện đại như F-35, chúng là sự thay thế phù hợp ở một số nước".
Các dòng chiến đấu cơ như Super Hornet, Rafale hay Gripen đều được coi là những ngôi sao sáng trong các loại tiêm kích thế hệ hiện nay. Tuy nhiên, chúng không thể đọ được với F-35 về công nghệ tàng hình. Những nước mua sắm chúng thay cho F-35 sẽ phải từ bỏ hy vọng thực hiện các hoạt động tác chiến trên những vùng trời mà đối phương được trang bị các hệ thống phòng không phức tạp.
F-35 có thể mang theo một số loại vũ khí trong khoang chứa bom để đảm bảo khả năng tàng hình tối đa trước radar của đối phương. Sau khi hệ thống phòng không của địch bị vô hiệu hóa, nó có thể gắn bom ở dưới cánh.
Tính năng thừa thãi
Tính năng này của F-35 bị một số chuyên gia quân sự coi là không cần thiết. Theo học thuyết quân sự của Mỹ hiện nay, để bắt đầu cuộc chiến, máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 sẽ thực hiện "đòn đánh phủ đầu", tiêu diệt phần lớn tên lửa phòng không và chiến đấu cơ trên mặt đất của địch, như những gì đã diễn ra ở chiến trường Libya. Sau khi mối đe dọa bị loại bỏ, các loại máy bay không tàng hình khác như F/A-18, F-16 và A-10 có thể thỏa sức tung hoành và yểm trợ hỏa lực cho lực lượng trên mặt đất.
Trong giai đoạn đầu cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Mỹ không sử dụng đến F-35 mà chỉ dùng máy bay tàng hình F-22 thực hiện những đợt không kích đầu tiên, vì họ lo ngại hỏa lực phòng không của quân đội chính phủ Syria. Sau đó, các loại máy bay không tàng hình khác như F-15 và F-16 mới bắt đầu xuất kích và thực hiện các cuộc đánh bom vào mục tiêu IS.
Với những quốc gia không chủ trương thực hiện đòn tấn công đầu tiên như Canada, việc sử dụng tiêm kích đắt giá F-35 có thể bị coi là thừa thãi, đặc biệt là theo quan điểm của các thành viên trong đảng của tân Thủ tướng Trudeau.
"Nhiệm vụ chủ yếu của các chiến đấu cơ chúng ta là bảo vệ vùng trời Bắc Mỹ, không phải là thực hiện những đòn tấn công phủ đầu đòi hỏi khả năng tàng hình", các nghị sĩ đảng Tự do Canada tuyên bố. Nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Bắc Mỹ này chỉ giới hạn trong việc đánh chặn máy bay và tàu thuyền địch trên vùng trời, vùng biển Canada.
Canada là nước đã tham gia dự án chế tạo F-35 từ những năm 1990, và trở thành đối tác của chương trình này vào năm 2002, với việc nhiều công ty Canada sản xuất các loại phụ tùng cho F-35. Chính phủ Canada từng lên kế hoạch mua 60 chiếc F-35 của Mỹ để thay thế cho đội bay CF-18 Hornet đã quá già cỗi của mình.
Kế hoạch mua F-35 đã gây tranh cãi quyết liệt trong nhiều năm trời, nhất là sau khi xuất hiện một đoạn video trên mạng quay cảnh hai cậu bé chơi tiêm kích đồ chơi vào năm 2014. Khi một cậu bé nói sẽ dùng 10 USD để mua chiếc F-35, anh trai cậu ta tuyên bố có thể sắm được ba chiếc Super Hornet cùng với số tiền đó.
Theo các chuyên gia vũ khí, chiến đấu cơ Super Hornet rẻ hơn và dễ tích hợp vào lực lượng không quân các nước hơn sẽ là giải pháp thay thế khả dĩ nhất cho F-35.
"Những gì họ thực sự muốn là một loại máy bay có thể bảo vệ được không phận, và CF-18 đã làm được việc đó, nên cơ hội để Super Hornet kế thừa nhiệm vụ này là rất cao", ông Richard Aboulafia, phó chủ tịch tổ chức tư vấn Teal Group, nhận định.
Canada chỉ là một trường hợp cho thấy chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ đang ngày càng trở nên không phù hợp với học thuyết quân sự và nhu cầu thực tế của nhiều nước đồng minh, khiến nhu cầu về loại máy bay đắt đỏ này có thể sụt giảm trong tương lai và lâm vào cảnh "ế hàng", ông Aboulafia nói.
Trí Dũng