Hội nghị G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn) sẽ được tổ chức tại Hàng Châu trong ngày 4-5/9 và được xem như nhiệm vụ chính trị lớn nhất của thành phố này. Thành phố đã được chỉnh trang toàn diện kể từ cuối năm ngoái, sau khi được chọn đăng cai diễn đàn tài chính toàn cầu quan trọng nhất thế giới này.
Theo SCMP, chính quyền địa phương đã dốc toàn lực, huy động người dân và mọi nguồn lực tài chính, nỗ lực để đảm bảo toàn thành phố trở nên sạch sẽ, an toàn, tươi đẹp và đem lại trải nghiệm thú vị cho các nguyên thủ quốc gia.
Bộ Tài chính Trung Quốc phân bổ 9 triệu USD cho chi phí tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20, nhiều gấp gần 9 lần số tiền nước này từng chi cho Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2014 tại Bắc Kinh. Chính quyền Hàng Châu đã triển khai 651 dự án chỉnh trang đô thị, trong khuôn khổ ngân sách đầu tư hạ tầng 160 tỷ nhân dân tệ (24,1 tỷ USD) của năm nay.
'Lột xác' toàn diện
Chỉ trong vòng vài tháng, Hàng Châu đã được lột xác toàn diện. Chính quyền thành phố cho xây mới một tuyến đường cao tốc dẫn ra sân bay, cải tổ mạng lưới giao thông, sửa chữa đường phố, đồng thời xây mới nhiều cầu vượt trên cao cho người đi bộ và các làn đường cho xe đạp. Công việc chỉnh trang được thực hiện sau 22h hàng ngày, để tránh gây xáo trộn sinh hoạt của người dân.
Hàng nghìn bóng đèn chiếu sáng mới được lắp đặt bao quanh các khu đất nằm hai bên các tuyến đường, các khu thắng cảnh chính cũng như các địa điểm thu hút du khách. Các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là những tòa nhà nhìn ra mặt đường đều được sơn sửa, xây dựng ban công giả để che những chiếc điều hòa gắn bên ngoài. Cửa sổ cũng được bổ sung cây cảnh trang trí.
Để giúp cho thành phố đẹp hơn khi được ghi hình từ trên cao, tất cả các nhà máy, xí nghiệp được lệnh phải sơn mái màu xám. Hầu hết công tác chỉnh trang đều được hoàn tất từ cuối tháng 6. Tuy nhiên, trong khi các quan chức hoan hỉ về diện mạo mới của thành phố, nhiều người dân phải chịu đựng lượng lớn bụi trong không khí, cùng tình trạng tắc đường, ô nhiễm tiếng ồn do thi công.
Phần lớn nỗ lực chỉnh trang đô thị được tập trung cho việc cải tạo những ngôi làng với các tòa nhà thấp, lụp xụp trong đô thị. Ban đầu chính quyền có kế hoạch cải tạo và di dời 246 ngôi làng như vậy trước năm 2020. Tuy nhiên nhân dịp G20, kế hoạch tháo dỡ được tăng tốc ngay trong năm nay.
Tại Cẩm Giang, một trong những ngôi làng như vậy tại khu vực phố cổ của Hàng Châu, nhiều máy ủi đã miệt mài làm việc để vận chuyển hàng núi mảnh vỡ từ những ngôi nhà và xí nghiệp bị phá dỡ.
Khi nhóm phóng viên SCMP tới thị sát hồi tháng 7, một nhóm người đang leo qua những khối bê tông để quay lại những ngôi nhà họ thuê trọ gần đó. Họ vẫn sống ở khu vực lân cận, bất chấp tình trạng ô nhiễm không khí cùng tiếng ồn đinh tai nhức óc từ công tác phá dỡ, bởi chủ cho thuê nhà vẫn chưa giải quyết xong việc chi trả bồi thường từ cơ quan chức năng.
Người thuê các sạp hàng tại khu chợ của làng cho biết chủ sạp từ chối gia hạn hợp đồng thuê sạp trong năm nay, mà thay vào đó chỉ ký hợp đồng cho thuê mới có thời hạn 3 tháng. Hoạt động kinh doanh tại chợ, vốn chờ được định đoạt số phận, đã giảm mạnh bởi hầu hết người dân đã dọn đi. Họ không thể thu đủ để bù tiền thuê sạp, và lo ngại sinh kế sẽ bị mất đi mà không được nhận bồi thường.
"Chúng tôi chỉ muốn được đối xử công bằng. Chủ chợ rất khôn ngoan. Họ không ký hợp đồng với chúng tôi để chúng tôi không thể đòi bồi thường", bà Chai, một người thuê sạp cho biết.
Tăng cường an ninh
Càng đến gần ngày khai mạc, an ninh tại Hàng Châu càng được tăng cường. Cảnh sát mặc sắc phục hiện diện khắp mọi nơi. Sân bay, các điểm tập trung đông người cũng như các điểm du lịch, công viên, khách sạn và đường phố đều có cảnh sát tuần tra.
Từ tháng 5, hàng nghìn học viên các trường cảnh sát tại tỉnh Giang Tô kế bên cũng như Bắc Kinh đã được đưa tới Hàng Châu nghỉ hè, đồng thời tham gia hỗ trợ giám sát địa bàn, điều tiết giao thông.
Người dân từ các tỉnh khác cũng như các phương tiện mang biển số ngoại tỉnh bị kiểm soát kĩ lưỡng hơn. Theo các tài xế taxi địa phương, các phương tiện cá nhân từ địa phương khác tới sẽ bị phạt nặng nếu bị phát hiện kinh doanh dịch vụ gọi xe bằng các ứng dụng như Uber hay Didi. Cả hai công ty trên cho biết họ sẽ ngừng phân bổ lệnh đặt xe với các xe ngoại tỉnh cho tới khi hội nghị G20 kết thúc.
Hành khách lên xe buýt, nếu bị phát hiện mang theo nước, sẽ bị yêu cầu phải uống một phần chai nước đó như một biện pháp kiểm tra an ninh. Chủ các quán bar thì cho biết các ban nhạc ngoại từ tháng 5 đã không thể hoạt động do thị thực lao động của họ không được duyệt cho tới sau hội nghị G20.
Hành khách bị yêu cầu uống chai nước mình mang theo
Ngoài việc huy động lực lượng an ninh chuyên nghiệp, chính quyền Hàng Châu còn tuyển thêm 760.000 tình nguyện viên để giúp tuần tra và thu thập thông tin, nhận diện những mối đe dọa tiềm tàng. Các tình nguyện viên - hầu hết là những phụ nữ trung niên nghỉ hưu - đeo băng tay đỏ, mặc áo vest và đội mũ lưỡi trai, sẽ luân phiên đi xung quanh địa bàn được phân công để tìm kiếm những người hoặc vật khả nghi bị bỏ lại.
Đầu năm nay, 3.500 tình nguyện viên như vậy đã tới Bắc Kinh để học hỏi kinh nghiệm từ những "đồng nghiệp" ở thủ đô. Những phụ nữ này từng chứng tỏ đặc biệt hiệu quả trong việc giúp cảnh sát tại một quận ở Bắc Kinh trấn áp những kẻ buôn và sử dụng ma túy, phát hiện các công trình xây dựng trái phép, taxi dù hay nguy cơ hỏa hoạn.
"Chúng tôi dành ra một giờ trong buổi sáng và một giờ trong buổi chiều đi tuần quanh khu vực để phát hiện người lạ và ý định của họ. Chúng tôi có thể phán đoán ai là người tốt, ai là người xấu", bà Wang Minjuan, một tình nguyện viên, chia sẻ.
Khi không tuần tra, các tình nguyện viên này học những khóa tiếng Anh cấp tốc, để sẵn sàng giao tiếp ngắn với người nước ngoài họ có thể gặp khi G20 diễn ra. Để giúp việc học dễ dàng hơn, các cụm từ tiếng Anh thông dụng được phiên âm sang tiếng Trung.
Rắc rối cho sinh viên
Nhiều trường học khắp tỉnh Chiết Giang bị ảnh hưởng bởi việc tăng cường an ninh. Một số trường đại học, theo khuyến cáo từ chính quyền, đã đề ra quy định cấm sinh viên ở lại trong ký túc xá từ cuối tháng 7 cho tới khi hội nghị G20 kết thúc. Các phòng thí nghiệm của các trường đại học cũng bị đóng cửa.
Quy định cấm ở lại ký túc xá dù vì mục đích an ninh, đã khiến nhiều sinh viên bất bình, khi họ buộc phải dọn ra ngoài và đi thuê trọ đắt đỏ hơn, trong lúc đang chuẩn bị cho các kỳ thi hoặc đi thực tập.
Peter Xu, một sinh viên chuẩn bị thi vào cao học, cho biết anh phải thuê trọ bên ngoài sau khi lệnh cấm ở lại ký túc xá có hiệu lực. Mỗi tháng, sinh viên này tốn 120 USD và nơi ở mới cách trường tới hai giờ đi bộ.
Xu cho biết giờ hàng ngày anh phải đến trường bằng xe máy và đến 22h mới về đến nhà. Một số sinh viên thì cho biết họ buộc phải thuê căn hộ, hoặc khách sạn với giá đắt đỏ. Số khác thì quyết định rời khỏi Hàng Châu đến hết mùa hè do không thể tìm được nơi ở giá cả phù hợp.
Đối với số ít sinh viên tham gia tình nguyện phục vụ hội nghị G20, họ được phép ở lại ký túc xá, nhưng trước đó phải trải qua quá trình huấn luyện và tuyển chọn nghiêm ngặt. Trước hết, họ phải là đoàn viên hoặc đảng viên. Yêu cầu về chiều cao là 1,75m đối với nam và 1,65 m đối với nữ. Các ứng viên còn phải qua ba vòng kiểm tra nhân thân, trong đó có kiểm tra tôn giáo.
Ngừng làm việc
Cùng với việc hạn chế lượng sinh viên ở lại ký túc xá trong kỳ nghỉ hè, chính quyền Hàng Châu còn quyết định cho toàn bộ công chức nghỉ làm một tuần trong thời gian diễn ra hội nghị G20. Mục đích là nhằm khuyến khích họ rời khỏi thành phố, để hạn chế tập trung đông người.
Các thành phố và địa phương lân cận đã nhanh chóng nắm lấy thời cơ này để tung ra những chương trình khuyến mại dành cho du khách từ Hàng Châu. Thành phố Hoàng Sơn tại tỉnh An Huy thậm chí miễn phí tham quan 55 địa điểm hàng đầu cho du khách từ Hàng Châu.
Do người lao động được nghỉ lễ, các nhà máy, xí nghiệp cũng sẽ phải đóng cửa. Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc vẫn có thông lệ đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm để giữ cho bầu trời trong xanh, sạch sẽ trong những ngày diễn ra các sự kiện quan trọng. Hàng Châu cũng không phải ngoại lệ.
Hồi tháng 5, cơ quan quản lý nhà đất của tỉnh này yêu cầu các cơ sở công nghiệp trong bán kính 300 km tính từ Trung tâm Triển lãm Thể thao Olympic Hàng Châu - địa điểm chính diễn ra hội nghị G20 - phải tạm dừng sản xuất từ 26/8 đến 6/9. Lệnh đóng cửa các nhà máy cũng được áp dụng tại Thượng Hải, nơi 255 nhà máy sẽ bị tạm dừng hoạt động trong hai tuần, tính từ ngày 24/8.
Chủ các nhà máy này đã chia sẻ trên mạng nỗi lo thiệt hại kinh tế do phải dừng sản xuất. Con số chính xác về số ngày họ phải dừng hoạt động phụ thuộc vào lượng chất thải gây ô nhiễm mỗi nhà máy gây ra.
Karl-Ingo Schmidt, người điều hành một công ty sản xuất bộ phận ôtô của Đức ở gần sân bay cho biết nhà máy của ông sẽ chỉ đóng cửa trong 7 ngày.
"Nhưng đối với các công ty thải ra lượng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn hay bụi cao, họ phải đóng cửa lâu hơn thế", ông nói.
Xem thêm: Trung Quốc có thể bồi đắp bãi cạn Scarborough sau hội nghị G20
Hoàng Nguyên