Toàn cảnh tòa nhà khổng lồ hình cánh cung có tổng chiều dài 1.200 mét ôm lấy sân bay Tempelhof. Phi trường thương mại lâu đời nhất nước Đức này được xây năm 1923 và trở thành sân bay đầu tiên trên thế giới kết nối với hệ thống tàu điện ngầm vào năm 1927. Ảnh: AP. |
Ban đầu nhà ga sân bay chỉ là toà nhà khiêm tốn làm bằng gỗ, nhưng Hitler sau đó quyết định biến nó thành “sân vận động hàng không” bằng cách dựng lên toà nhà có quy mô hoành tráng nhất châu Âu thời đó. Đây là một trong những dấu tích thời Đức Quốc xã còn sót lại trên bức tường của sân bay Tempelhof. Ảnh: Đình Chính. |
Tempelhof là nơi chứng kiến một trong những đỉnh điểm căng thẳng của thời Chiến tranh Lạnh. Ngày 24/6/1948, quân Liên Xô tại khu vực Đông Đức cho phong toả Tây Berlin bằng đường bộ, đường sắt và đường sông, cắt đứt hoàn toàn vùng đất này với Tây Đức. Ngay lập tức Mỹ phải lập cầu hàng không tại Tempelhof để chuyên chở hàng nghìn tấn lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho người dân Tây Berlin. Đây là cảnh những chiếc máy bay vận tải C-47 của Mỹ đang dỡ hàng tiếp tế tại sân bay trong thời kỳ lập cầu hàng không Berlin. Ảnh: U.S. Air Force. |
Cầu hàng không Berlin là một trong những chiến dịch chuyên chở hàng viện trợ bằng máy bay lớn nhất trong lịch sử thế giới. Các máy bay cất hạ cánh xuống đây gần như từng phút, mang theo mọi thứ cho người dân đang bị cô lập từ than cho đến những củ khoai tây. Đài tưởng niệm cầu hàng không Berlin này được dựng lên cạnh sân bay Tempelhof, nơi ghi tên 39 phi công Anh và 31 phi công Mỹ đã hy sinh trong chiến dịch tiếp tế cho Berlin. Ảnh: Đình Chính. |
Cho đến trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, Tempelhof là một trong những căn cứ không quân của Mỹ tại Đức. Đây là chiếc Air Force One chở Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tới thăm Berlin đang hạ cánh xuống sân bay Tempelhof, ngày 15/7/1978. Đường băng nằm quá gần khu dân cư là một trong những nguyên nhân khiến sân bay này đang đối mặt với lệnh đóng cửa. Ảnh: Airliners. |
Tempelhof cùng với Croydon London và Le Bourget Paris là 3 sân bay quan trọng nhất châu Âu thời kỳ trước chiến tranh thế giới thứ hai. Tòa nhà chính của sân bay Tempelhof cũng được coi là công trình xây dựng lớn thứ ba trên thế giới, sau Lầu Năm Góc của Mỹ và tòa nhà quốc hội Rumani. Đây là mặt tiền chính của sân bay Tempelhof ngày nay, nơi không hề có vẻ nhộn nhịp như các phi trường quốc tế khác. Ảnh: Đình Chính. |
Sự yên tĩnh còn được cảm nhận rõ hơn trong phòng đợi của sân bay. Hiếm lắm mới vang lên một thông báo về các chuyến bay hoặc tiếng các hướng dẫn viên du lịch thuyết minh về lịch sử sân bay này. Hiện trung bình mỗi giờ chỉ có một máy bay cất hoặc hạ cánh xuống Tempelhof nên sân bay không có khái niệm giờ cao điểm. Ngoài các máy bay cá nhân chỉ có một số ít hãng hàng không có đường bay tới phi trường nằm trong lòng Berlin này. Ảnh: Đình Chính. |
Cảnh tượng bận rộn hiếm hoi của sân bay Tempelhof, khi hàng trăm chiếc máy bay cá nhân đồng loạt đổ về đây vào ngày 9/7/2006, thời điểm diễn ra trận chung kết bóng đá World Cup. Tổng cộng trong số này có 194 chiếc máy bay phản lực, 50 máy bay cánh quạt và 3 máy bay chở khách có mặt trên sân đỗ rộng rãi của sân bay. Ảnh: Airliners. |
Sau khi trận chung kết giữa Pháp và Italy chấm dứt và chức vô địch World Cup 2006 thuộc về đội Italy, các máy bay cá nhân lại lũ lượt xếp hàng rời khỏi sân bay Tempelhof. Cảnh tượng này khiến người ta nhớ đến thời Tempelhof gánh trọng trách là đầu cầu hàng không Berlin. Đây có thể là thời điểm bận rộn cuối cùng của sân bay này trước khi được đóng cửa. Ảnh: Airliners. |
Chính quyền Berlin muốn đóng cửa Tempelhof để mở đường cho phi trường quốc tế mới mang tên Berlin Brandenburg (BBI), khánh thành vào năm 2011. Nhưng nhiều người muốn giữ lại Tempelhof và một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại Berlin về việc này trong ngày hôm qua. Trong ảnh là cảnh một chiếc máy bay đang ngang qua tấm áp phích cổ động cho cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy nỗ lực cứu sân bay lịch sử này đã thất bại và như vậy nó sẽ bị đóng cửa theo đúng kế hoạch. Ảnh: AP. |
Đình Chính