Ngày 22/1, phát biểu trong lễ kỷ niệm 54 năm thành lập đơn vị, đại tá Andre Cheburin, chỉ huy trưởng lực lượng Phòng thủ Tên lửa Nga cho biết sắp tới họ sẽ được trang bị một hệ thống đánh chặn tên lửa siêu hiện đại, với những tính năng vượt trội so với những thiết bị hiện có trên thế giới, theo Sputnik.
"Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng, bởi chúng tôi hiểu rằng trang bị vũ khí của các nước ngày càng được hoàn thiện và hiệu quả hơn. Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang nỗ lực hết sức để hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa", ông Cheburin khẳng định.
Lực lượng phòng thủ tên lửa Nga hiện chủ yếu được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo A-135, có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Moscow và các khu vực kinh tế trọng điểm nằm ở trung tâm vùng lãnh thổ châu Âu của Nga.
Theo thiếu tướng Kirill Makarov, Phó chỉ huy lực lượng Phòng vệ không gian vũ trụ Nga, thủ đô Moscow dù được bảo vệ gần như 100% trước các cuộc tấn công từ trên không vẫn đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn khi Mỹ được cho là đang phát triển các loại tên lửa siêu thanh được bắn từ máy bay và các loại vũ khí khí động học bắn từ vũ trụ có khả năng tấn công chớp nhoáng.
Chính vì thế, việc phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể đối phó với nguy cơ này là ưu tiên hàng đầu của Nga, và vũ khí siêu hiện đại sắp được trang bị cho lực lượng phòng thủ tên lửa Nga không nằm ngoài mục đích đó.
Tên lửa chiến lược hiện đại bậc nhất
Tuy các quan chức của Nga không nói rõ đó là loại vũ khí nào, nhưng các chuyên gia quân sự thuộc trang mạng Réseau internatinonal của Pháp nhận định vũ khí sắp được đưa vào hoạt động này chính là hệ thống tên lửa chiến lược S-500.
S-500 được phát triển dựa trên tên lửa phòng thủ chiến lược S-400, với những tính năng được đánh giá vượt trội so với các vũ khí cùng loại trên thế giới. Khác với các loại tên lửa hiện có của Nga như S-400 chuyên thực hiện nhiệm vụ phòng không, A-135 chuyên nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo, S-500 được thiết kế để có thể thực hiện hai nhiệm vụ cùng lúc.
Với nhiệm vụ phòng không, S-500 có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 40 km với vận tốc 7 km/s, trong khi hệ thống S-400 chỉ có khả năng tiêu diệt mục tiêu có tốc độ 5 km/s. Với khả năng này, S-500 có thể hạ bất cứ chiến đấu cơ siêu thanh nào trên thế giới hiện nay.
Đối với nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo, với tầm bắn khoảng 500-600 km, S-500 đủ năng lực theo dõi 5-20 mục tiêu đạn đạo cùng lúc và đánh chặn đồng thời 5-10 tên lửa đang lao đến với tốc độ siêu thanh (5 -7 km/s) ở đoạn cuối hoặc đoạn giữa hành trình.
Theo các chuyên gia của Réseau internatinonal, các tính năng ưu việt của S-500 được quyết định bởi hệ thống radar mảng pha chủ động X-band thế hệ mới, có khả năng phát hiện mục tiêu cực mạnh, cũng như những cải tiến trong hệ thống tính toán điều khiển để có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 800-1000 km.
Các chuyên gia radar Nga được cho là đã đưa vào thử nghiệm cho S-500 hệ thống radar đa tầng 97L6, loại radar có khả năng phát hiện mục tiêu ở mọi tầng cao tương tự như 96L6 .
Ngoài ra, S-500 còn được phát triển để bắn hạ được những thiết bị vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, cũng như các mục tiêu trong không gian nhằm đối phó với vũ khí vũ trụ của Mỹ.
Về cơ chế phóng, S-500 được thiết kế để phóng theo chiều thẳng đứng, tương tự như hệ thống S-400 và S-300. Sau khi vọt ra khỏi ống phóng, tên lửa chuyển hướng bay về phía mục tiêu định tiêu diệt, như vậy có thể ngăn chặn đòn tập kích đường không của đối phương từ mọi hướng.
Hệ thống phòng thủ S-500 dự kiến gồm 3 lớp tên lửa tầm trung, tầm xa và tầm siêu xa, có khả năng đồng bộ hóa với hệ thống điều khiển thông minh C4I.
Theo kế hoạch, Nga sẽ công khai hình ảnh và sản xuất loạt S-500 vào năm 2017 và đưa vào biên chế chậm nhất vào năm 2018.
Nguyễn Hoàng