Ngày 5/11, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Việt Nam, trở thành chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm Việt Nam trong 10 năm qua.
Sinh năm 1953, là con trai của cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, người được cho là "công thần" của nhà nước Trung Quốc thời kỳ đầu, nhưng ông Tập đã phải trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, thử thách trước khi trưởng thành trong sự nghiệp và trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012 với nhiều dấu ấn nổi bật.
Dấu ấn
Trong ba năm nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm cải cách và không ngừng duy trì động lực phát triển cho cỗ máy kinh tế khổng lồ của Trung Quốc.
Ông Tập trực tiếp đứng đầu Tổ lãnh đạo thúc đẩy cải cách toàn diện, nhằm giám sát tiến trình cải cách. Theo thông lệ, chức vụ này thường do thủ tướng, người phụ trách lĩnh vực kinh tế, nắm giữ.
Quy định mức trần nợ công mà ông đưa ra khiến các địa phương buộc phải chú trọng về chất lượng, chứ không phải tốc độ tăng trưởng. Cơ chế bảo hiểm tiền gửi mới giúp khả năng tự do hóa lãi suất trở nên dễ dàng hơn.
Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã phải đề ra một loạt các biện pháp quyết liệt khi thị trường chứng khoán của nước này lao đao và đứng trên bờ vực sụp đổ, còn đồng nhân dân tệ buộc phải phá giá liên tiếp để giữ ổn định thị trường. Đây được coi là thời điểm thử thách gắt gao đối với các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Trung Quốc nói chung và ông Tập nói riêng.
Trong vấn đề đối nội, chống tham nhũng được cho là thành tích chính trị đáng chú ý nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" được ông phát động và tiến hành toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực và không có bất cứ ngoại lệ nào. Trung bình mỗi tháng có tới 10.000 cán bộ bị điều tra, theo Xinhua.
Kết quả ấn tượng nhất của chiến dịch chống tham nhũng này là việc điều tra, truy tố và xét xử Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị, cựu bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương. Chu là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc trong lịch sử bị kết án chung thân vì phạm tội tham nhũng và lạm quyền.
Các nhà phân tích cho rằng sự kiện Chu Vĩnh Khang cho thấy mức độ tập trung quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong kết cấu quyền lực của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc hiện nay. Ông Tập được cho là đang thay đổi luật chơi trong giới chính trị thượng tầng của quốc gia này.
Về đối ngoại, giới phân tích nhận định ông Tập là người cứng rắn hơn nhiều so với lãnh đạo tiền nhiệm, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Là người đề xướng khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa", Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là rất quyết tâm nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, đặc biệt là trong tương quan quan hệ với Mỹ. Trong chuyến công du tới Mỹ tháng trước, ông Tập đã rất nỗ lực xây dựng "quan hệ nước lớn kiểu mới" với Mỹ, nhằm đưa Trung Quốc lên vị trí ngang hàng với siêu cường này.
Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng liên tục có các chuyến công du đến châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, tung ra các gói viện trợ, đầu tư và kế hoạch hợp tác khổng lồ để lôi kéo các đối tác, quốc gia trên thế giới vào quỹ đạo của mình. Trung Quốc cũng đứng ra chủ trì thành lập các ngân hàng phát triển đối trọng với Ngân hàng Thế giới do Mỹ chủ đạo và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), do Nhật Bản đứng đầu.
Ngày 4/11, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn thỏa thuận thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), với sự tham gia dự kiến của 57 quốc gia trên thế giới, trong đó Trung Quốc đóng góp 30% trong 100 tỷ USD vốn cơ bản của AIIB.
AIIB sẽ cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực, theo Xinhua.
Tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc còn được thể hiện trong chiến lược Con đường tơ lụa mới được công bố lần đầu năm 2013, gồm hai cấu phần là Vành đai kinh tế (trên bộ) và Con đường tơ lụa (trên biển). Chiến lược này nhằm nối ba lục địa Á-Âu-Phi, với một đầu là trung tâm kinh tế Đông Á, một đầu châu Âu - cả hai đều rất phát triển, và các quốc gia nằm giữa có tiềm lực phát triển lớn.
Trung Quốc đã đầu từ hàng chục tỷ USD để thúc đẩy chiến lược Con đường tơ lụa mới, nhằm giải tỏa áp lực kinh tế trong nước và cạnh tranh sức ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực châu Á, theo nhận định của các chuyên gia phân tích
"Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong quá trình phục hưng quốc gia, cần một chính sách ngoại giao mang phong cách riêng", Giáo sư Trần Định Định thuộc Đại học Hành chính công Macau bình luận. "Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ và đồng minh trong khu vực châu Á sẽ phải đối phó với một Trung Quốc mạnh mẽ hơn, tham vọng hơn và tự tin hơn".
Khởi đầu gian khó
Theo NYTimes, để đạt đến vị trí như hiện nay, ông Tập đã trải qua những thời kỳ gian khó với các biến cố vô cùng dữ dội, có thể góp phần định hình nên sự nghiệp chính trị của ông sau này. Khi cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc bắt đầu vào thập niên 1960, Tập Cận Bình mới chỉ là cậu bé 13 tuổi ăn nói nhỏ nhẹ, yêu thi ca cổ Trung Quốc.
Cha ông, cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, đã bị bắt và bị đánh đập. Hồng vệ binh vào nhà ông, buộc cả gia đình phải rời đi, và một người chị của ông Tập Cận Bình đã qua đời trong cơn biến động này.
Trong bài diễn văn đọc ở Seattle khi đến thăm nước Mỹ hồi tháng trước, ông Tập đã nhắc đến quãng thời gian sống ở nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ông cho rằng đây là hành trình của một cậu công tử thành phố phát hiện ra những nỗi khổ của người dân Trung Quốc bình thường ở nông thôn, và quyết tâm làm điều gì đó khác biệt.
Đến năm 22 tuổi, ông Tập được trở về Bắc Kinh và tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa với tấm bằng kỹ sư hóa học, rồi bắt đầu làm việc với tư cách thư ký của Bộ trưởng Quốc phòng Cảnh Tiêu.
Năm 1982, Tập Cận Bình quyết định chuyển tới thị trấn nghèo Chính Định, tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh 250 km và bắt đầu sự nghiệp chính trị với vị trí phó bí thư huyện ủy, và vài tháng sau trở thành bí thư huyện ủy Chính Định.
Truyền thông Trung Quốc từng ca ngợi việc lựa chọn thị trấn nghèo Chính Định như điểm khởi đầu cho sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình là một bước đi khôn ngoan và dũng cảm, đồng thời là minh chứng cho khả năng lãnh đạo tuyệt vời của ông, giúp ông mở lối cho con đường công danh sau này.
"Tập Cận Bình muốn theo đuổi sự nghiệp chính trị ở nhiều tỉnh thành, nhưng ông ấy lại không muốn phải đi quá xa khỏi thủ đô Bắc Kinh, trung tâm quyền lực của đất nước. Đó là lý do tại sao ông ấy chọn Chính Định, một thị trấn nhỏ nhưng khá gần với thủ đô", một người quen của ông Tập cho hay.
Nhờ những thành công đạt được trong thời gian lãnh đạo Chính Định, tới năm 1985, ông Tập được cất nhắc sang vị trí phó thị trưởng thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến.
Thăng tiến
Trong 17 năm làm phó thị trưởng Hạ Môn, ông Tập nổi tiếng với những chính sách thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Ông treo một khẩu hiệu tạm dịch là "Hoàn thành công việc" tại hành lang của văn phòng.
Sau đó, ông Tập có được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất tại tỉnh láng giềng Chiết Giang, một điểm nóng của khu vực kinh tế tư nhân, một xã hội dân sự sống động với những ứng viên ngoài đảng chạy đua vào các hội đồng địa phương. Tại đây, ông Tập đã cố gắng khôi phục uy tín của chính quyền, bằng cách giải quyết hàng loạt đơn thư khiếu nại công dân, lập 15 văn phòng tạm thời để giải quyết khiếu nại về tịch thu đất, việc làm và những vấn đề khác.
Đến năm 2007, ông Tập được điều về làm bí thư Thượng Hải. Một năm sau ông trở lại Bắc Kinh và nhận một nhiệm vụ quan trọng, đó là giám sát quá trình chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Ông cũng chịu trách nhiệm giải quyết các mối quan hệ với đặc khu hành chính Hong Kong.
Tháng 11/2012, tại Đại hội 18, ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bốn tháng sau, ông được bầu làm chủ tịch nước, chính thức hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực 10 năm một lần tại Trung Quốc.
Trí Dũng