Năm 1943, thời điểm quân đội đế quốc Nhật Bản đang chiếm đóng Philippines, Hilaria Bustamante,16 tuổi, đang đi bộ dọc theo một con đường lên tỉnh thì bị ba lính Nhật bắt cóc. Họ đưa cô lên một chiếc xe tải và đánh đập. Chiếc xe đến một đơn vị đồn trú của Nhật gần đó và Hilaria bị đưa vào một căn lều với ba phụ nữ khác. Ở đó, cô phải giặt quần áo, nấu ăn cho lính Nhật, và bị hãm hiếp bởi 6 hay thậm chí nhiều người hơn nữa mỗi đêm, trong suốt 15 tháng.
"Chính phủ Nhật nên chịu trách nhiệm vì những gì xảy ra với tôi", bà Bustamante, hiện 89 tuổi, nói. "Tôi chưa kể với bất cứ ai trừ mẹ tôi về những gì đã xảy ra. Tôi đã quá xấu hổ. Nhưng bây giờ, tôi muốn tất cả mọi người biết".
Những câu chuyện về phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trước và trong Thế chiến II đã trở thành vấn đề xôn xao trên toàn thế giới. Có khoảng 80.000 đến 200.000 người đã bị bắt làm nô lệ tình dục, hầu hết là người Hàn Quốc, vì vậy, vấn đề này trở thành vật cản trong quan hệ ngoại giao hai nước.
Theo NYTimes, những người còn được gọi là "phụ nữ mua vui" này còn đến từ những nơi khác, bao gồm các nước Nhật Bản từng chiếm đóng, như Trung Quốc, Philippines - nước có rất nhiều phụ nữ bị bắt.
Các nhà nghiên cứu ở Philippines cho rằng có hơn 1.000 thiếu nữ và phụ nữ nước họ bị bắt làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Thế chiến II. Khoảng 70 người trong số họ còn sống.
Tháng trước, Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi chính thức và bồi thường khoản tiền 8,3 triệu USD cho những phụ nữ Hàn bị ép làm nô lệ tình dục. Nhưng chính phủ Nhật Bản không hề đưa ra lời xin lỗi chính thức và bồi thường cho nạn nhân đến từ Philippines và các nơi khác.
"Chẳng phải chính phủ Nhật Bản đã thể hiện sự hối hận của họ đối với phụ nữ Hàn Quốc sao? Vậy sao họ là không làm điều tương tự cho phụ nữ ở đây?", Rechilda Extremadura, giám đốc điều hành của Liên đoàn Phụ nữ Philippines, tổ chức đại diện cho những người đã bị ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II, nói. Họ phê phán Tổng thống Aquino không mạnh mẽ đưa vấn đề này ra với phía Nhật.
Quân đội đế quốc Nhật Bản đã lập các "trạm mua vui" trong đơn vị mà họ đồn trú, bắt cóc phụ nữ Philippines rồi ép buộc họ trở thành nô lệ tình dục. Nhưng những nạn nhân ở Philippines không nhận được sự chú ý so với nạn nhân ở các nước khác.
Vì vậy, một số ít người còn sống sót đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong tuần trước, khi Nhật hoàng Akihito ở thăm Philippines 5 ngày.
Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, lần cuối cùng thăm Phillippines vào năm 1962, đã có cuộc gặp với Tổng thống Aquino và thăm đài tưởng niệm những người lính Nhật Bản và Philippines chiến đấu trong Thế chiến II. Trong cuộc gặp với ông Aquino, Nhật hoàng bày tỏ sự hối hận về sự tàn bạo của quân đội Nhật Bản trong chiến tranh. Tuy nhiên, ông không đề cập đến vấn đề nô lệ tình dục thời chiến, khiến các phụ nữ như bà Hilaria vô cùng thất vọng.
Năm 1993, chính phủ Nhật Bản đã công bố một lời xin lỗi có tên gọi là tuyên bố Kono. Tuyên bố này lần đầu tiên thừa nhận quân đội Nhật đã ít nhất gián tiếp tham gia ép buộc phụ nữ làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II. Sau đó, các nhà tài trợ tư nhân ở Nhật Bản đã thành lập một quỹ nhằm gửi tiền đền bù đến những nạn nhân này.
Tuy nhiên, nhiều nạn nhân đã từ chối tiền bồi thường vì chúng không đến từ chính phủ Nhật và cho rằng những lời xin lỗi của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yohei Kono, không đủ để mô tả sự tàn bạo từng xảy ra.
Một phát ngôn viên tổng thống Philippines cho biết vấn đề phụ nữ và trẻ em bị ép làm nô lệ tình dục cần được giải quyết bởi người đứng đầu chính phủ Nhật Bản, chứ không phải là một vị hoàng đế, chức danh chủ yếu mang tính nghi lễ.
Các vấn đề tế nhị về tội ác tình dục của Nhật Bản trong chiến tranh thường bị che lấp bởi các vấn đề lớn hơn mà hai nước đang phải đối mặt, theo ông Ricardo Jose, một giáo sư lịch sử tại Đại học Philippines.
Nhật Bản là đối tác thương mại và là nhà tài trợ vốn lớn nhất của Philippines, cung cấp hơn 20 tỷ USD viện trợ phát triển từ những năm 1960, theo đại sứ quán Nhật Bản tại Philippines. Hai quốc gia cũng chia sẻ lo ngại về những động thái ngày càng quyết liệt của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo giáo sư Jose, hoàng đế Nhật Bản có vị thế tốt để giải quyết vấn đề lịch sử giữa hai nước, vì Nhật hoàng không phải là quan chức dân cử. "Nhật hoàng Akihito được dân chúng Nhật rất kính trọng", giáo sư Jose nói. "Nếu ông ấy thừa nhận vấn đề này và bày tỏ sự hối hận sâu sắc, đó sẽ là một bước tiến lớn".
Nhưng Nhật hoàng Akihito hầu như không đề cập các chủ đề đương đại trong chuyến thăm của ông, mặc dù ông nói đùa với Tổng thống Aquino rằng nạn ùn tắc giao thông nổi cộm của Manila một phần là do số lượng xe Nhật bán ra tại đây.
Bà Extremadura, người trò chuyện với một vài nạn nhân "phụ nữ mua vui" tại văn phòng của Liên hiệp Phụ nữ Phillipines, nói rằng bà cảm thấy giận dữ. "Họ đã không bàn thảo gì về những điều đã xảy ra với chúng tôi".
Trọng Nghĩa