Theo New York Times, nội chiến Syria bắt đầu từ tháng 3/2011 khi phong trào biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad nổ ra. Nhiều quốc gia bên ngoài đã can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp theo hướng họ tin sẽ giải quyết được cuộc xung đột.
IS lợi dụng tình hình chiếm nhiều phần lãnh thổ ở miền bắc và đông Syria, trải dài từ Palmyra đến Raqqa và Deir Ezzor, khu vực được Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ước tính rộng 95.000 km2, tương đương hơn nửa diện tích Syria.
Phe nổi dậy hiện kiểm soát một phần phía nam và tỉnh Idlib, tây bắc Syria, sau khi đẩy lùi quân chính phủ khỏi khu vực này.
Phiến quân thân al-Qaeda là Mặt trận Nusra (Nusra Front) cũng chiếm một phần tỉnh Idlib. Nusra còn kiểm soát tuyến đường chính nối từ Latakia tới Idlib, cùng phần lớn vùng đồng bằng Sahl al-Ghab ở phía đông nam thành phố.
Chính quyền al-Assad hiện kiểm soát phần lãnh thổ phía tây, bao gồm thủ đô Damascus, tương đương khoảng 35% diện tích Syria, theo trang Observer.
Người Kurd ở Syria mở rộng phần lãnh thổ họ kiểm soát ra gần như toàn bộ khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ
Ủng hộ: Lực lượng ôn hòa trong phe nổi dậy ở Syria.
Chống: Chính quyền Tổng thống al-Assad, IS cùng các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.
Cách thức can thiệp: Mỹ đang dẫn đầu liên minh quốc tế thực hiện không kích nhằm vào IS, các nhóm cực đoan ở Iraq và Syria như Mặt trận Nusra có liên kết với al-Qaeda. Washington triển khai chương trình huấn luyện và trang bị cho lực lượng nổi dậy Syria. Lầu Năm Góc còn có một chương trình riêng biệt huấn luyện lực lượng ôn hòa trong phe nổi dậy chiến đấu với IS.
Nga
Ủng hộ: Tổng thống al-Assad và chính quyền Syria đồng minh ổn định lâu nhất của Moscow ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua.
Chống: IS do lo ngại những phần tử người Nga gia nhập nhóm phiến quân có thể trở lại quê nhà để tấn công khủng bố.
Cách thức can thiệp: Nga từ lâu đã cung cấp vũ khí cho Syria và bắt đầu không kích IS từ ngày 30/9. Bộ Quốc phòng Nga thông báo Moscow diệt 8 mục tiêu, trong đó có một trung tâm chỉ huy khủng bố, trong ngày đầu không kích. Tuy nhiên, giới chức Mỹ không tin điều này, tố Nga không kích phe nổi dậy, gây thương vong dân sự.
Washington còn cho rằng Moscow điều thiết bị quân sự, trong đó có 32 chiến đấu cơ, cùng binh sĩ tới một sân bay gần thành phố Latakia trong nhiều tuần và máy bay không người lái Nga đã bay trinh sát tại những khu vực phe đối lập kiểm soát.
Thổ Nhĩ Kỳ
Ủng hộ: Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, phe nổi dậy Syria.
Chống: Chính quyền al-Assad, các nhóm người Kurd liên minh với đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị coi là nhóm nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ, và IS.
Cách thức can thiệp: Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch không kích và can thiệp quân sự từ tháng 7, chủ yếu ở miền bắc Iraq nhằm vào PKK. Nước này cho phép liên minh quốc tế sử dụng các căn cứ không quân. Ngay từ giai đoạn đầu cuộc nội chiến, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các tay súng và hàng cung cấp cho các nhóm nổi dậy di chuyển qua lãnh thổ và một số phiến quân tị nạn.
Iran
Ủng hộ: Tổng thống al-Assad và chính quyền Syria.
Chống: IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni.
Cách thức can thiệp: Iran là đồng minh trung thành nhất của chính quyền Tổng thống Syria Assad và đã hỗ trợ quân sự, vũ khí, hỗ trợ tài chính kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu năm 2011. Năm 2012, Hezbollah ở Lebanon, coi như đại diện cho Iran, tham gia cuộc nội chiến Syria và đứng về phe chính quyền al-Assad.
Năm 2013, Iran cử hàng trăm cố vấn quân sự tới hỗ trợ quân đội Syria và lực lượng Hezbollah tấn công tổng lực để diệt phe nổi dậy. Tuy nhiên, phiến quân dòng Sunni và IS gần đây chiếm thêm lãnh thổ đã khiến quân đội Syria suy yếu. Iran được cho là đang bảo toàn lực lượng để bảo vệ các thành trì chính phủ Syria, bao gồm cả thủ đô Damascus, những khu vực dọc theo biên giới Lebanon và bờ biển Địa Trung Hải.
Arab Saudi
Ủng hộ: Các nhóm nổi dậy đang giao tranh với chính quyền Syria.
Chống: Tổng thống al-Assad.
Cách thức can thiệp: Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir hôm 29/9 khẳng định nước này không chấp nhận nỗ lực nhằm để ông al-Assad nắm quyền của Nga. Ông cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận phế truất al-Assad, Arab Saudi sẽ tăng cường hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy và giữ lại lựa chọn dùng quân đội để lật đổ chính quyền Syria. Ngoài ra, Riyadh cũng tham gia liên minh quốc tế, bắt đầu không kích IS ở Syria từ năm ngoái.
Qatar
Ủng hộ: Các nhóm nổi dậy đang giao tranh với chính quyền Syria.
Chống: Tổng thống al-Assad.
Cách thức can thiệp: Qatar và các quốc gia vịnh Arab hỗ trợ tài chính cho phe nổi dậy. Qatar còn hỗ trợ tài chính và huấn luyện lực lượng này đối phó với chính quyền al-Assad. Năm 2013, Qatar cung cấp tên lửa tầm nhiệt vác vai cho phe nổi dậy, phớt lờ cảnh báo từ Mỹ rằng loại vũ khí trên có thể rơi vào tay khủng bố.
Qatar còn là nơi đặt trụ sở không kích của liên minh quốc tế, điều hành các chiến dịch không kích IS.
Anh
Ủng hộ: Lực lượng ôn hòa trong phe nổi dậy ở Syria.
Chống: Chính quyền al-Assad, IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Cách thức can thiệp: Anh hiện tập trung không kích IS ở Iraq do quốc hội nước này phản đối mạnh mẽ việc can thiệp quân sự vào Syria. London mới đây sử dụng máy bay không người lái không khích ở Syria và tiêu diệt hai công dân Anh đã gia nhập IS.
Pháp
Ủng hộ: Lực lượng ôn hòa trong phe nổi dậy Syria.
Chống: Chính quyền al-Assad, IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Cách thức can thiệp: Pháp gần đây quyết định tăng cường vai trò trong liên minh quốc tế, mở rộng không kích IS từ Iraq sang Syria. Tuy nhiên, Paris loại trừ khả năng sẽ can thiệp quân sự trên bộ.
Xem thêm: Không kích ở Syria, Nga thay đổi cuộc chiến chống IS
Như Tâm