Daniel Berehulak, phóng viên ảnh NYTimes từng đoạt giải Pulitzer, đã chụp ảnh 41 vụ giết người, 57 người chết trong 35 ngày có mặt tại Phillippines. Dưới đây là lời kể của anh trong những ngày tại Manila.
Bạn có thể nghe thấy một vụ án mạng trước khi nhìn thấy nó: tiếng kêu tuyệt vọng của người vợ mất chồng. Tiếng còi báo động của xe cảnh sát. Tiếng mưa rơi trên vỉa hè một con hẻm Manila và trên lưng Romeo Joel Torres Fontanilla.
Tigas, biệt danh của Fontanilla, nằm úp mặt trên đường. Anh ta 37 tuổi, bị bắn chết bởi hai người đàn ông đi xe máy, theo lời kể nhân chứng.
Con hẻm tại quận Pasay ở Manila này là hiện trường án mạng thứ 17 tôi chứng kiến, vào ngày thứ 11 tôi ở thủ đô Philippines. Tôi đến đây để ghi lại chiến dịch chống ma túy mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 30/6. Kể từ đó, khoảng 2.000 người đã bị giết dưới bàn tay của cảnh sát.
Tôi chứng kiến những cảnh đẫm máu ở mọi nơi có thể tưởng tượng - trên vỉa hè, trên đường ray xe lửa, phía trước một trường nữ sinh, bên ngoài siêu thị và nhà hàng đồ ăn nhanh, thậm chí cả trên ghế sofa phòng khách.
Không xa nơi Tigas bị giết, tôi thấy Michael Araja, chết trước một ki-ốt bán hàng tạp hóa. Hàng xóm nói với tôi rằng Araja, 29 tuổi, đi ra ngoài để mua thuốc lá và đồ uống cho vợ mình. Araja cũng bị bắn chết bởi hai người đàn ông ngồi trên một chiếc xe máy.
Trong khu phố khác, Riverside, một con búp bê đầy máu nằm bên cạnh thi thể một cô gái 17 tuổi bị giết cùng với bạn trai 21 tuổi.
"Họ đang giết chúng tôi như những con vật", một người qua đường giấu tên nói.
Tôi đã làm việc tại 60 nước, đưa tin về cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, dành phần lớn năm 2014 sống trong khu có dịch Ebola ở Tây Phi, nhưng những gì tôi trải qua ở Philippines giống như một cấp độ mới của sự tàn nhẫn: cảnh sát bắn bất cứ ai bị nghi ngờ buôn bán hoặc thậm chí sử dụng ma túy.
Ngoài những người chết liên quan đến các hoạt động chống ma túy chính thức, cảnh sát quốc gia Philippines ước lượng có hơn 3.500 vụ giết người chưa được giải quyết kể từ ngày 1/7.
Một số thi thể được phát hiện trên đường phố với đầu bị cuốn băng dính. Một số vụ khác thì có những tấm biển các tông được để lại viết rằng người bị ám sát là con nghiện hay kẻ buôn ma túy. Đó là điều đã xảy ra với hai người đàn ông trong video được quay bởi một camera an ninh bên ngoài trường nữ sinh Santa Catalina.
Hai người đàn ông bị ám sát bên ngoài trường nữ sinh
(Video chứa nội dung bạo lực, độc giả cân nhắc trước khi xem)
Mâu thuẫn
Những đêm của tôi ở Manila bắt đầu lúc 21h tại văn phòng báo chí cảnh sát quận, nơi tôi và một nhóm phóng viên địa phương chờ đợi tin tức của những vụ giết người mới nhất. Chúng tôi di chuyển theo các đoàn xe nối tiếp nhau, giống như một chuyến tàu trên đường ray. Tôi làm việc với Rica Concepcion, một phóng viên Philippines có 30 năm kinh nghiệm.
Chúng tôi đi cùng cảnh sát đến nhiều hoạt động và cũng tự đi riêng đến những hiện trường án mạng hoặc nơi thi thể được tìm thấy. Người thân và hàng xóm của nạn nhân thường kể câu chuyện mâu thuẫn với những gì được ghi lại trong hồ sơ chính thức của cảnh sát.
"Nanlaban" là cách cảnh sát gọi một trường hợp khi nghi phạm chống cự và cuối cùng chết. Đó là những gì họ nói về Florjohn Cruz, 34 tuổi.
Cháu của Cruz cho biết họ tìm thấy một tấm biển viết dòng chữ "đừng trở thành con nghiện và buôn ma túy như gã ta".
Báo cáo của cảnh sát viết rằng: "Nghi phạm Cruz chạy vào trong nhà sau đó lấy một khẩu súng và liên tục bắn vào lực lượng hành pháp, khiến cảnh sát phải đấu súng để ngăn chặn và đẩy lùi hành vi hung hăng bất hợp pháp của Cruz".
Trong khi đó, vợ của Cruz, Rita, nói với tôi rằng Cruz đang sửa đài cho người mẹ 71 tuổi trong phòng khách khi những người mang vũ trang xông vào và bắn chết anh ta.
Gia đình cho biết Cruz không buôn ma túy mà chỉ sử dụng ma túy đá. Cruz đã ra đầu thú vài tháng trước đó, đáp lại lời kêu gọi của ông Duterte, thế nhưng cảnh sát vẫn tìm đến anh ta.
Cháu trai Eliam 16 tuổi và cháu gái Princess 18 tuổi của Cruz cho biết họ đã quan sát từ ban công tầng hai và thấy những cán bộ mặc thường phục giết chú của họ đi ra từ ngôi nhà. Eliam và Princess kể rằng họ nghe thấy tiếng bíp báo hiệu có tin nhắn và một người đàn ông đọc nó từ điện thoại.
"Ginebra thắng", ông nói với những người khác, ám chỉ đến Barangay Ginebra San Miguel, đội bóng rổ nổi tiếng nhất của nước này. Hai thiếu niên nói rằng họ thấy những người đàn ông đã ăn mừng chiến thắng khi mang thi thể Cruz đi.
Những vụ giết người làm gián đoạn mọi khía cạnh của cuộc sống. Các thành viên gia đình nói với tôi rằng Benjamin Visda vừa rời một bữa tiệc sinh nhật gia đình để mua một số thứ ở ki-ốt tạp hóa và đang ăn bánh khi 8 người đàn ông túm lấy anh ta. Trong vòng 20 phút, thi thể anh ta nằm bên ngoài một đồn cảnh sát.
Cảnh sát gọi đây là hoạt động ngầm để bắt kẻ buôn ma túy và nói rằng Visda, trong khi bị còng tay, đã cố gắng lấy súng của một sĩ quan nên họ đã bắn anh ta. Video được quay từ camera an ninh cho thấy Visda bị đưa lên một chiếc xe máy, kẹp giữa hai người đàn ông che mặt.
Vào cùng đêm Florjohn Cruz bị giết, chúng tôi có mặt ở nhà một người đàn ông bị giết cách đó vài con phố, khoảng một giờ rưỡi sau đó.
Chúng tôi nghe thấy tiếng la hét đau đớn của Nellie Diaz trước khi thấy bà ấy sụp xuống trên thi thể chồng, Crisostomo, 51 tuổi.
Người vợ nói Diaz chỉ sử dụng ma túy chứ không buôn bán và anh ta đã tự ra đầu thú ngay sau khi ông Duterte đắc cử. Bà này đã nghĩ rằng Diaz không an toàn khi ở nhà nên đã khuyên ông ta đến ở với họ hàng, nhưng Diaz nhớ 9 người con và vừa về nhà vài ngày trước.
Con trai cả của Diaz, J.R., 19 tuổi, cho biết một người đàn ông đội mũ bảo hiểm đã đá vào cửa trước, theo sau là hai người khác. Người đàn ông đội mũ bảo hiểm chĩa súng vào Diaz, người thứ hai chĩa súng vào em trai 15 tuổi của Diaz. Người thứ ba cầm một mảnh giấy.
J.R. cho biết người đàn ông đội mũ bảo hiểm nói: "Tạm biệt, bạn của tôi" trước khi bắn vào ngực Diaz. Diaz khuỵu xuống nhưng người đàn ông còn bắn thêm hai phát nữa vào đầu và má. Ba người đàn ông đã cười khi họ rời đi, J.R. nói.
Xem ảnh của Daniel Berehulak về cuộc chiến ma túy Philippines
(độc giả cân nhắc trước khi xem)
Xem thêm: Vụ ám sát hé lộ góc tối của chiến dịch diệt trừ ma túy Philippines
Ác mộng của người phụ nữ mất chồng trong cuộc chiến ma túy Philippines
Phương Vũ