Cuộc đảo chính do một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tối 15/7 ở thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Istanbul nổ ra bất ngờ, nhưng thất bại cũng chóng vánh. Hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho rằng đại tá Muharrem Kose, người bị loại ngũ vì bị coi là thành viên của phong trào Gulen, chính là người chỉ huy cuộc đảo chính bất thành này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc một nhóm sĩ quan thuộc Bộ Tổng tham mưu đã đảo chính theo "đơn đặt hàng" từ giáo sĩ Fethullah Gulen. Ông Erdogan cũng cho rằng cuộc đảo chính cho thấy phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố có vũ trang, và cáo buộc nhóm đảo chính nhận lệnh từ Fethulla Gulen, giáo sĩ dẫn đầu phong trào Gulen.
Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, 75 tuổi, sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999 sau khi bị chính quyền Ankara kết tội phản quốc. Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên ông. Phong trào này được cho là đã lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, với nguồn kinh phí hoạt động lên tới một tỷ USD.
Phong trào Gulen chủ trương pha trộn giữa sự huyền bí của Hồi giáo mật tông (Sufi) và sự hài hòa của con người để truyền bá đạo Hồi ở nhiều nước trên thế giới.
Theo AFP, ông Gulen là đối thủ chính trị lớn nhất của Tổng thống Erdogan, dù hai người từng là đồng minh thân cận. Ông Erdogan từng ngầm thỏa thuận với Gulen để phong trào này hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Gulen sẽ sử dụng tiếng tăm, nguồn lực của mình hậu thuẫn cho ông Erdogan trên con đường chính trị.
Trong thời kỳ đó, phong trào Gulen thu hút được sự ủng hộ của nhiều người, kể cả các quan chức cấp cao trong lực lượng cảnh sát và tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. "Tuần trăng mật" giữa hai người kết thúc khi ông Erdogan dần cảm thấy bất an với quyền lực ngày càng lớn của phong trào Gulen.
Cuộc "minh tranh ám đấu" giữa hai người lên đến đỉnh điểm vào năm 2013, khi các quan chức tư pháp, được cho là gần gũi với ông Gulen, cáo buộc những người thân cận và cả con trai ông Erdogan phạm tội tham nhũng.
Ông Erdogan phản công bằng cách thanh trừng hàng trăm sĩ quan quân đội, cảnh sát, thậm chí cả các chỉ huy cấp cao. Các trường học có liên quan đến hoạt động của Gulen cũng bị buộc ngừng hoạt động. Những tòa soạn báo bị nghi ngờ có cảm tình với giáo sĩ Gulen cũng phải đóng cửa, hoặc sa thải biên tập viên.
Theo hãng tin Anatolia, khoảng 1.800 người có liên quan đến ông Gulen đã bị bắt trong chiến dịch đàn áp hai năm qua, trong đó có 750 sĩ quan cảnh sát, 80 binh sĩ. 280 người trong số này vẫn đang phải ngồi tù.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Gulen âm mưu thiết lập một "nhà nước trong nhà nước", song ông Gulen phủ nhận và cho biết chỉ muốn cải cách dân chủ, đối thoại giữa các tôn giáo với nhau. Giáo sĩ Gulen được cho là có tư tưởng rất phóng khoáng, tin vào khoa học và sự giao lưu đối thoại giữa các tôn giáo.
Tổ chức Liên minh Các giá trị Chia sẻ hôm qua cũng ra thông cáo tuyên bố ông Gulen và phong trào của ông đã "chứng minh cam kết đảm bảo dân chủ, hòa bình trong 40 năm qua". Phong trào Gulen cũng ra tuyên bố lên án hành động đảo chính quân sự, cho rằng điều này vi phạm giá trị cốt lõi của họ.
Ông Gulen, hiện sống ở một thị trấn nhỏ trên dãy núi Pocono của tiểu bang Pennsylvania, Mỹ, cũng lên án vụ đảo chính bằng "những ngôn từ mạnh mẽ nhất". Ông nói cáo buộc phong trào Gulen đứng sau cuộc đảo chính là tuyên bố "vô trách nhiệm".
Ông Gulen nói rằng ông cũng giống nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đã trải qua nhiều cuộc đảo chính và cảm thấy "bị xúc phạm" khi bị cáo buộc có liên quan. Thủ lĩnh Gulen cho biết ông cầu nguyện cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ và mong đợi đảo chính bị dẹp yên.
Xem thêm: Hai nguyên nhân thúc đẩy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đảo chính
Văn Việt