Khi đặt chân đến Rome vào cuối năm 1947, Franz Stangl, người đứng đầu "trại hủy diệt Treblinka" của phát xít Đức tại Ba Lan, nơi cướp đi sinh mạng của 900.000 người Do Thái trong Thế chiến II, không còn mang thân phận một tội phạm chiến tranh, theo Le Nouvel Observateur.
Trước đó vài tháng, Stangl được một mạng lưới bí mật giải cứu khỏi nhà tù tại Áo, nơi y bị giam giữ trong hơn hai năm. Stangl và gia đình nhanh chóng được cấp giấy tờ tùy thân giả và trở thành những công dân Đức di cư hoàn toàn vô tội.
Ngay sau khi đến Rome, Stangl được thông báo sẽ gặp một giám mục người Áo có vai vế tại Vatican, người đứng đầu mạng lưới giải cứu bí mật, đồng thời cũng là người có nhiệm vụ sẽ giúp đỡ Stangl và gia đình sau này.
"Một giám mục tóc nâu bước vào phòng, vừa thoáng nhìn thấy tôi đã thốt lên 'Ông chắc chắn là Franz Stangl, tôi đợi ông đã lâu', lúc đó tôi mới nghĩ mình đã thực sự sống lại", trùm phát xít này kể lại nhiều năm sau.
Viên giám mục sắp xếp cho Stangl một chân làm thủ thư trong thư viện của Giáo hội, được chu cấp nhà cửa và tiền bạc. Một thời gian sau, Stangl cùng vợ và ba con gái được đưa đến Brazil với visa du lịch dài hạn, nơi họ sống yên bình đến khi bị bắt lại vào năm 1967.
Năm 1946, trong khi chờ xét xử trong một nhà tù ở Đức, cựu trung tá mật vụ SS Đức Adolf Eichmann, người được mệnh danh là "đao phủ Quốc xã" chuyên thực thi kế hoạch thảm sát người Do Thái tại châu Âu của Hitler, cũng bất ngờ được giải cứu.
Sau hơn 4 năm ẩn náu tại Đức, đầu năm 1950, Eichmann được cung cấp giấy tờ giả làm người tị nạn vượt biên sang Italy. Tại đây, Eichmann cũng được sắp xếp gặp giám mục nọ trước khi được đóng giả làm nhân viên Chữ thập Đỏ Thụy Sĩ để đào thoát sang Argentina.
Vài năm sau gia đình của Eichmann cũng được đưa tới Argentina và sống an nhàn tại quốc gia này đến năm 1960 thì bị cơ quan tình báo Israel bắt giữ.
Một nhân vật khét tiếng khác của Đức Quốc xã là bác sĩ Josef Mengele, người đã tham gia sát hại hơn hai triệu người Do Thái trong các phòng hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz, cũng đào thoát thành công sang Argentina năm 1949 nhờ giấy tờ giả của vị giám mục người Áo, trước khi đến định cư tại Brazil.
Mặc dù bị cơ quan tình báo Israel Mossad ráo riết truy lùng, Mengele vẫn không hề bị bại lộ thân phận cho đến cuối đời. Năm 1979, giới chức Brazil phát hiện Mengele chết đuối tại bãi biển ở miền nam nước này.
Giám mục tóc nâu
Theo L’Express, sở dĩ các trùm phát xít này có thể dễ dàng trốn thoát sự truy lùng của quân Đồng minh là nhờ sự tiếp tay của Alois Hudal, giám mục người Áo có thế lực và ảnh hướng lớn trong Giáo hội Vatican.
Giám mục Hudal sinh năm 1885 tại thành phố Graz của Áo, được thụ phong linh mục vào năm 1908. Năm 1915, khi Áo tham gia vào phe Trục cùng Đức trong Thế chiến I, Hudal tình nguyện gia nhập quân đội với vai trò tuyên úy. Cũng trong khoảng thời gian này, quan điểm về chủ nghĩa xã hội quốc gia (gọi tắt là Quốc xã) của ông đã manh nha hình thành.
Sau khi giải ngũ, Hudal được Giáo hội điều động về làm linh mục tại Vatican. Năm 1923 ông được bổ nhiệm vào vị trí quản lý nhà thờ Santa Maria dell'Anima. Được để mắt trong quãng thời gian dài phục vụ tận tụy, năm 1933, Hudal được Giáo hoàng Pius XII thăng chức giám mục, và trở thành một trong những trợ lý thân cận của người đứng đầu Vatican.
Sau thất bại của Đức Quốc xã năm 1945, tận dụng vị trí quan trọng trong Giáo hội và mối quan hệ gần gũi với Giáo hoàng, Hudal thiết lập một mạng lưới bí mật nhằm giúp đỡ các thành viên Quốc xã chạy trốn, để tránh khỏi án tử hình.
Lúc cuộc chiến vừa kết thúc, xã hội Italy đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn bởi dòng người di cư ồ ạt từ Đức và các nước Đông Âu. Chính vì thế, Hudal đã đề nghị Giáo hoàng thành lập một ủy ban đặc biệt trực thuộc Giáo hội, có nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo đối với lượng người di cư khổng lồ này.
Dưới sự giám sát của giám mục Hudal, ủy ban này đã giúp hàng nghìn thành viên Quốc xã cũng như gia đình của họ chạy trốn khỏi Đức bằng cách làm giấy tờ giả, biến họ thành dân thường vô tội, thậm chí trở thành nạn nhân của Quốc xã. Các thành viên chủ chốt như Franz Stangl, Adolf Eichmann, Josef Mengele... được đặc biệt chú ý, bởi nếu bị đem ra xét xử, chắc chắn họ sẽ phải nhận án tử hình.
Được toàn quyền quyết định hoạt động của ủy ban, giám mục Hudal đã hỗ trợ đắc lực cho việc giải cứu các sĩ quan chủ chốt của Quốc xã khỏi nhà tù bằng cách làm giả các giấy tờ về y tế và nhân đạo mà Giáo hoàng không hề hay biết.
Vào giữa năm 1947, cơ quan tình báo của Mỹ cũng chú ý đến vị giám mục tóc nâu này, tuy nhiên sau nhiều lần thẩm vấn, họ không tìm ra bằng chứng buộc tội Hudal và để ông tiếp tục chỉ đạo ủy ban đặc biệt của Giáo hội.
Cuối năm 1950, mạng lưới bí mật của giám mục Hudal bắt đầu bị bại lộ khi báo chí Italy đăng tải bài điều tra về việc ông che giấu một thành viên cấp cao của SS là chuẩn tướng Otto Wachter trong một tu viện nằm ngay tại Vatican. Từ đó quan hệ của ông với Giáo hoàng bắt đầu đi xuống, và Giáo hội cấm ông đặt chân tới Rome.
Tháng 4/1951, dưới áp lực của các giám mục người Áo, Hudal phải từ bỏ chức vụ quản lý nhà thờ Santa Maria dell'Anima và các chức vị tại Vatican. Giáo hội đã sắp xếp cho Hudal sống tại một tu viện nhỏ cách Rome 20 km. Ông sống trong quên lãng tại đây và chết vào ngày 13/5/1963.
Nguyễn Hoàng