Phạm Xuân Ẩn trước tòa thị chính Sài Gòn năm 1975. Ảnh: TuổiTrẻ. |
"Tôi muốn ở lại đây"
Tháng tư là tháng đầy lo âu đối với Phạm Xuân Ẩn, vì ông rất lo cho sự an toàn của gia đình và bạn bè mình. Ông nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ di tản sang Mỹ, nhưng tôi cứ băn khoăn không biết có nên đưa vợ con sang đó không. Tôi không nhận được một hướng dẫn, chỉ thị nào từ Hà Nội, trong khi tôi luôn bị sức ép từ phía tạp chí Time thúc giục phải quyết định sớm". Phạm Xuân Ẩn không bao giờ bỏ mặc mẹ mình ở Sài Gòn, tuy nhiên ông vẫn lo rằng có thể ông sẽ nhận được chỉ thị của Đảng phải đi di tản cùng với người Mỹ. Điều đó có nghĩa ông sẽ phải tiếp tục sứ mạng của mình tại Mỹ, mà về mặt cá nhân, ông không hề muốn. Một ngày sau khi Nguyễn Văn Thiệu di tản, vợ và bốn con của Phạm Xuân Ẩn đáp chuyến bay của Hãng truyền hình Mỹ CBS News rời Sài Gòn cùng với 39 nhân viên khác của tạp chí Time.
Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn không hề biết, đó là vào thời điểm ấy đang có một sự cân nhắc rất nghiêm túc của Quân ủy Trung ương thuộc Bộ Chính trị về việc có nên để cho ông tiếp tục công tác tình báo của mình tại Mỹ hay không. Chính đại tướng Văn Tiến Dũng cuối cùng đã quyết định nên để Phạm Xuân Ẩn ở lại Việt Nam: "Nếu Phạm Xuân Ẩn tiếp tục công tác đó, chắc chắn ông ấy sẽ thu được nhiều thông tin tình báo có giá trị cho đất nước. Tuy nhiên, sớm muộn gì ông ấy cũng bị lộ ở nước ngoài và như vậy tổn thất sẽ rất lớn".
Người từng tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn làm tình báo viên là ông Mười Hương thì tỏ ra tiếc đối với quyết định này: "Khả năng của Phạm Xuân Ẩn sẽ được phát huy tối đa nếu được tiếp tục công tác tình báo ở nước ngoài". Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ về ý tưởng tiếp tục để Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo ở nước ngoài, ông Mai Chí Thọ nói: "Về mặt nghiệp vụ mà nói, đó là một ý tưởng hay. Vỏ bọc ấy vẫn còn nguyên vẹn, ông ấy lại được người Mỹ tin cậy. Phạm Xuân Ẩn đã sẵn sàng, nhưng còn các điều kiện khác nữa. Ông ấy đã làm việc quá nhiều rồi".
Tại Sài Gòn, người ta lan truyền khắp nơi tin đồn rằng khi quân giải phóng vào thành phố sẽ có một cuộc tắm máu. Phạm Xuân Ẩn sợ ở nhà vì biết đâu đạn pháo có thể rơi trúng nhà mình. Nhưng ông đã được cho biết riêng về một thực tế rằng những người cộng sản đã xác định ba nơi an toàn, đó là Đại sứ quán Pháp, Bệnh viện Grall và khách sạn Continental của Pháp. Ông quyết định tốt nhất là cùng mẹ đến ở tại khách sạn Continental.
Phóng viên ảnh tạp chí Time - Life Dick Swanson vừa từ nhà anh ở Bethesda, bang Maryland (Mỹ) trở lại Sài Gòn. Đã gần trọn hai ngày đêm Swanson không được ngủ khi ông đến gặp Phạm Xuân Ẩn tại văn phòng tạp chí Time. Swanson đã hỏi Phạm Xuân Ẩn một câu mà anh đã từng muốn hỏi trong nhiều năm trước đó: "Ẩn này, chiến tranh kết thúc rồi. Chúng ta đã quen biết nhau trong chín năm rồi. Anh có thể nói cho tôi biết anh là người của phía bên kia phải không?". Phạm Xuân Ẩn đáp: "Tôi là người Việt Nam. Tôi muốn ở lại đây". Swanson hỏi: "Sắp tới, anh có vấn đề rắc rối nào với cộng sản không?". Phạm Xuân Ẩn trả lời: "Vào những thời điểm như lúc này, sự hiểm nguy có thể đến từ mọi phía". Swanson nói: "Rất tốt khi biết rằng nếu tôi bị kẹt lại ở Sài Gòn thì còn có một trong số những người bạn tốt nhất của tôi là cộng sản". Phạm Xuân Ẩn mỉm cười.
Cứu người cuối cùng
Bác sĩ Trần Kim Tuyến (nguyên là giám đốc sở nghiên cứu chính trị xã hội của phủ tổng thống) bị lỡ nhiều cơ hội để đi. Vợ ông và các con đã sang Singapore dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Anh. Trong 12 năm qua, ông Trần Kim Tuyến khi thì ở trong tù, khi thì bị quản thúc tại gia. Trần Kim Tuyến ở vị trí cao trong danh sách của CIA về những người di tản. Từ nhà riêng của mình, Trần Kim Tuyến tìm cách liên lạc với các sứ quán Anh, Mỹ, Pháp, cũng như với các bạn nhà báo, nhưng tất cả các đường điện thoại đều đã bị cắt. Cuối cùng, Trần Kim Tuyến nối được máy với khách sạn Continental.
Trần Kim Tuyến tới văn phòng tạp chí Time hỏi Phạm Xuân Ẩn có đi di tản không, ông Ẩn trả lời: "Không. Tạp chí Time đã đưa vợ con tôi ra khỏi đây rồi. Giờ tôi không thể nào đi được. Mẹ tôi già quá, lại ốm nữa, bà cần có tôi bên cạnh. Tất nhiên, anh phải đi". Chuông điện thoại reo, đó là phóng viên Dan Southerland của tờ Christian Science Monitor điện thoại cho Phạm Xuân Ẩn kiểm tra về việc di tản. Trước khi ngắt lời Dan Southerland, Phạm Xuân Ẩn nói: "Dan này, chúng tôi cần anh giúp đỡ đây! Nhanh lên, xem anh có thể liên hệ với sứ quán Mỹ và bảo với họ rằng bác sĩ Trần Kim Tuyến vẫn còn đang ở đây với tôi, và họ cần phải đưa ông Trần Kim Tuyến ra khỏi đây ngay".
Dan Southerland liên hệ được với sứ quán Mỹ và đã nói chuyện với trưởng trung tâm CIA là Tom Polgar. Tom Polgar dặn nếu Trần Kim Tuyến không thể đến sứ quán Mỹ được thì đến ngay số nhà 22 đường Gia Long. Đó là một căn hộ được Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế Mỹ sử dụng. Tầng trên cùng của tòa nhà này được phó trưởng trung tâm CIA sử dụng và lúc này được dùng làm bãi đỗ cho máy bay trực thăng chở người đi di tản. Tên của Trần Kim Tuyến cũng được đưa vào danh sách tại đó.
Trần Văn Đôn từng làm phó thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng trong nội các cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu. Lúc Trần Văn Đôn tới được tòa đại sứ Mỹ thì tình hình ở đó lộn xộn cũng giống như khi Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến đến. Trần Văn Đôn được hướng dẫn đến số nhà 22 đường Gia Long, đó là cơ hội cuối cùng dành cho ông ta. Khi Trần Văn Đôn lên được đến tầng thượng của tòa nhà thì Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến đi xe hơi cũng vừa đến được tòa nhà. Trần Kim Tuyến đã không gặp may như Trần Văn Đôn, những người lính gác đã đóng cổng và khóa lại. Phạm Xuân Ẩn liền phanh gấp cho xe hơi dừng lại, nhảy ra quát: "Theo lệnh của đại sứ, người này phải được cho vào". Những người lính gác trả lời rằng không một ai khác nữa được phép vào trong. Trên nóc nhà, chiếc máy bay trực thăng cuối cùng chuẩn bị cất cánh.
Nhưng khi cổng đang từ từ khép lại, Phạm Xuân Ẩn theo bản năng chạy lại dùng tay trái chặn cổng rồi lấy tay phải đẩy mạnh Trần Kim Tuyến với dáng người bé nhỏ chui qua cổng. Khe hở lúc đó chỉ còn khoảng chưa đầy nửa mét. Không có thời gian cho hai người nói lời tạm biệt và cảm ơn. Phạm Xuân Ẩn nói: "Chạy". Cùng lúc đó, hai hàng nước mắt bỗng lăn xuống gò má ông. Trần Kim Tuyến cũng khóc và chẳng thể nói được điều gì ngoài câu: "Tôi sẽ không bao giờ quên".
Vài thập kỷ sau, Dan Southerland nhớ lại cái ngày tháng 4/1975 ấy: "Vào cái ngày cuối cùng ấy của cuộc chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn đã giúp cứu mạng sống của một người từng ra sức chống lại những mục tiêu mà ông đang bí mật theo đuổi và phụng sự trong suốt cả cuộc đời mình. Tôi sẽ luôn luôn nhớ tới Phạm Xuân Ẩn về điều đó”.
Trần Kim Tuyến sẽ không bao giờ quên những gì mà Phạm Xuân Ẩn đã làm cho mình. Sau này, Trần Kim Tuyến nói với các bạn rằng ông ta chỉ tin cậy hai người hơn bất kỳ ai khác, đó là Phạm Xuân Ẩn và Phạm Ngọc Thảo. Khi biết cả hai đều là những điệp viên cộng sản, Trần Kim Tuyến nói rằng nhìn nhận lại quá khứ, ông ta có thể nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo, nhưng ông không thể nào tin được Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho cộng sản, "Phạm Xuân Ẩn không bao giờ để lại một bằng chứng nào dù là nhỏ nhất".
Còn Phạm Xuân Ẩn ở lại.
(Theo Tuổi Trẻ)