Phạm Xuân Ẩn (phải) và những người bạn Mỹ ở Sài Gòn. Ảnh: TuổiTrẻ. |
Những lời mời nguy hiểm
Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng sau tổng tấn công Tết Mậu Thân, ông bị CIA tiếp cận mời cai quản một trại chăn nuôi bò thịt và bò sữa ở Tây Ninh, giữa chiến khu B và vùng C vốn được biết đến như là một vùng thâm nhập của Việt cộng.
Nếu chấp nhận, Phạm Xuân Ẩn sẽ đóng vai một nông dân, trông coi công nhân và viết báo cáo, ông sẽ phải rời bỏ tạp chí Time và trở thành một điệp viên hai mang, một nghề mà ông không thích làm. Phạm Xuân Ẩn nói: “Tôi quyết định không xin ý kiến cấp trên của mình về việc có nên chấp nhận lời mời hay không, bởi vì tôi không thích làm việc như một điệp viên hai mang”.
Nghĩ rằng có lẽ Phạm Xuân Ẩn không thích làm một ông chủ trang trại chăn nuôi bò, nên lại chính nhân viên CIA từng tiếp cận ông trước đây, nay tiếp tục đưa ra gợi ý rằng Phạm Xuân Ẩn mở một nhà máy đồ hộp ở Nha Trang và Vũng Tàu.
Cũng giống như đề nghị lần trước, mục đích là để giám sát các hoạt động nếu có của Việt cộng. Nếu chấp nhận thì công việc của ông chỉ là quan sát hoạt động trong các ngư dân cập cảng để bán cá. Vì lúc đó CIA đang cố gắng xác định xem những thuyền nào sử dụng để chuyên chở vũ khí thâm nhập miền Nam. Phạm Xuân Ẩn cũng nhanh chóng khước từ lời mời này.
Một lời mời gây tò mò khác do CIO đưa ra với Phạm Xuân Ẩn ngay sau sự kiện ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Biết rằng phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời đang ở tại một khách sạn gần đó, nay là khách sạn Hyatt, CIO liền ấp ủ một kế hoạch đặt thiết bị điện tử nghe trộm tiệm cà phê Givral. CIO tin chắc sẽ thu được những thông tin quý giá từ các cuộc chuyện trò của các đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời liên quan đến các kế hoạch thành lập “chính phủ liên hợp” của họ.
Givral là tiệm cà phê của tư nhân nên CIO muốn vợ ông Phạm Xuân Ẩn - bà Thu Nhàn - đứng ra mua lại tiệm cà phê Givral bằng tiền của CIO. Phạm Xuân Ẩn không muốn tham gia phần nào trong kế hoạch này, tuy nhiên việc đặt máy nghe trộm tiệm cà phê Givral vẫn được tiến hành. Theo đó, một phần của tiệm cà phê Givral sẽ được sửa chữa nâng cấp thành quầy kem và cà phê sữa nhằm che đậy mục đích thực sự là đặt thiết bị nghe trộm. Phạm Xuân Ẩn nói: “Đó là cách dễ bị bắt”.
Hầu hết các đồng nghiệp của tôi đều cho rằng có những lúc này lúc khác, Phạm Xuân Ẩn có thể cũng đã từng làm việc trong một số vai trò nào đó cho CIA. Richard Pyle, trưởng phân xã Hãng tin AP tại Sài Gòn từ năm 1970 - 1973, nhớ lại rằng hằng ngày từ chiếc bàn quen thuộc của Phạm Xuân Ẩn ở trong tiệm cà phê Givral, “Phạm Xuân Ẩn chia sẻ các mẩu tin, những phân tích về tình hình chính trị cho các phóng viên người Việt làm việc cho các tòa báo và hãng thông tấn nước ngoài. Đội quân báo chí thường hay nói đùa rằng bất cứ ai có liên hệ với Phạm Xuân Ẩn chắc phải là người của CIA”.
Ai cũng biết trong các tổ chức công đoàn lao động thân chính phủ có đầy người của cộng sản. Một nhân viên CIA hỏi Phạm Xuân Ẩn rằng ông có muốn làm việc dưới vai trò ngụy trang là chuyên trách đưa tin về công đoàn hay không, nếu đồng ý chỉ cần ông để mắt tới những hoạt động đáng nghi vấn của Việt cộng là đủ.
Đổi lại, CIA sẽ cung cấp cho Phạm Xuân Ẩn những thông tin gây chấn động nhằm tạo điều kiện cho ông nâng cao uy tín của mình tại tạp chí Time. Phạm Xuân Ẩn đã từ chối lời mời này của CIA, viện cớ ông đã có những nguồn tin tốt rồi, nhưng thực tế ông biết rõ làm công việc đó là quá nguy hiểm cho vỏ bọc của ông.
Cuốn sổ tay bảo mật
Phạm Xuân Ẩn cảm thấy đau đớn bởi lá thư của một đồng nghiệp tạp chí Time trước đây tên là Zalin Grant viết năm 2005 gửi cho tờ New Yorker. Trong lá thư này, Zalin Grant đã buộc tội Phạm Xuân Ẩn thế này:
“Trong khi làm gián điệp cho Bắc Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã biến các phóng viên của tạp chí Time thành một mạng lưới tình báo không cố ý cho Hà Nội. Tạp chí Time có các nguồn tin cao cấp thường cung cấp những thông tin mật với điều kiện phải được giữ kín và chỉ được sử dụng để hiểu bối cảnh. Nội dung của các tin tức bí mật được lưu hành nội bộ trong một ấn phẩm gọi là sổ tay tạp chí Time. Đó là những báo cáo của người trong cuộc từ Nhà Trắng, từ Bộ Ngoại giao và từ Lầu Năm Góc. Cuốn sổ tay này được lưu hành đến các phân xã của tạp chí Time trên khắp thế giới cùng những điều kiện thận trọng về bảo mật. Với tư cách phóng viên tạp chí Time, Phạm Xuân Ẩn đã tiếp cận được tài liệu này”.
Frank McCulloch (trưởng phân xã tạp chí Time tại Sài Gòn những năm 1960) rất thất vọng về những lời buộc tội nói trên đối với Phạm Xuân Ẩn, đến mức ông phải viết một bài về quan điểm riêng của mình để gửi cho báo New Yorker.
Bài của McCulloch không được đăng, nhưng tác giả đã gửi cho tôi một bản sao như sau: “Việc trước đây và hiện nay tôi vẫn tôn trọng Phạm Xuân Ẩn không có liên quan gì đến việc ông ấy là một người cộng sản; và tất cả những gì thuộc sự toàn vẹn của ông, nghề tình báo của ông và tình yêu nước cháy bỏng của ông.
Nhất định là tôi không có lý do gì để nghi ngờ ông vì hai lý do. Một là, những bài viết của Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ gợn lên điều gì trùng hợp với quan điểm của cộng sản - và tôi tha thiết mong rằng những hồ sơ cũ được thanh tra để kiểm chứng điều đó.
Hai là, bây giờ giả thiết ngược lại rằng không phải Mỹ đưa nửa triệu quân vào Việt Nam nữa, mà là hơn nửa triệu lính Việt Nam đổ dồn về một khu vực rộng bằng California - một bang của Mỹ có diện tích tương đương Việt Nam - và chúng ta không tin cái lý do họ đưa ra về sự có mặt của họ ở đó, chúng ta sẽ phản ứng thế nào?
Đó là đất nước của ông ấy chứ không phải là đất nước của chúng ta, nhưng mỗi một sai lầm đều khiến chúng ta phải trả giá đắt. Trước đây tôi đã không, và hiện nay vẫn không tán thành hệ tư tưởng của ông Phạm Xuân Ẩn, nhưng tôi từ chối thay đổi niềm tin của mình rằng Phạm Xuân Ẩn có toàn quyền giữ hệ tư tưởng của ông”.
(Theo Tuổi Trẻ)