Những tấm huân chương của Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: Larrybermanperfectspy. |
Đứng trước tình hình trên, tướng Maxwell D. Taylor được phái sang Việt Nam để hành động giúp chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy lùi phía Cộng sản. Tổng thống Kennedy cũng cử sang Sài Gòn một phái đoàn khảo sát kinh tế do tiến sĩ Eugene Stanley thuộc Viện Nghiên cứu Stanford dẫn đầu. Kế hoạch Stanley-Taylor (hay "chiến tranh đặc biệt") ra đời. Như lời tổng thống Kennedy thì "để thắng được trong cuộc chiến tranh này, các sĩ quan và binh lính của chúng ta phải hiểu và biết kết hợp các biện pháp chính trị, kinh tế và dân sự với nhau trong khi thực hiện các nỗ lực quân sự".
24 cuộn phim của nhà tình báo
Phạm Xuân Ẩn tiết lộ với tôi rằng lúc đó tướng Võ Nguyên Giáp đã cử hai phái đoàn ra nước ngoài. Một đoàn sang Matxcơva để trao đổi với các nhà vạch kế hoạch quân sự Liên Xô về cách chống lại "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ. Nhưng người Nga chỉ biết mỗi chiến tranh thông thường. Tướng Võ Nguyên Giáp sau đó cử phái đoàn thứ hai sang gặp các tướng lĩnh Trung Quốc từng có kinh nghiệm chống lại các lực lượng của liên quân trong cuộc chiến Triều Tiên. Nhưng người Trung Quốc cũng chẳng giúp được gì nhiều.
Phạm Xuân Ẩn nói: "Đến lúc đó tôi mới lập ra chương trình giúp đối phó lại. Chính tôi là người đã giúp mọi người hiểu về cuộc chiến tranh kiểu mới của Mỹ. Vì thế mà tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng phấn khởi".
Ngày 28/12/1962, sư đoàn 7 quân đội Việt Nam cộng hòa đóng quân tại đồng bằng sông Cửu Long nhận được chỉ thị phải bắt giữ được một điện đài của các lực lượng vũ trang quân giải phóng đang hoạt động gần làng Ấp Bắc (Tiền Giang). Thế nhưng cuộc càn quét vào Ấp Bắc đã bị lực lượng cộng sản đánh tan. Với trận thắng Ấp Bắc ngày 2/1/1963, Trung ương Cục miền Nam đã phát động một phong trào thi đua với Ấp Bắc trên toàn miền Nam Việt Nam.
Tài liệu dự báo tình báo đặc biệt của CIA ngày 17/4/1963 đã đưa ra kết luận rằng: "Một nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Việt cộng là hệ thống tình báo hiệu quả của họ, chứng tỏ rằng Việt cộng đã có khả năng duy trì được sự bao quát tình báo đối với mọi cấp cả quân sự lẫn dân sự của chế độ miền Nam Việt Nam".
Trong trận Ấp Bắc, có hai huân chương quân công được trao. Một huân chương được trao cho chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang giải phóng Nguyễn Bảy. Tấm huân chương kia được trao cho Phạm Xuân Ẩn vì đã gửi kịp thời những báo cáo giúp làm thay đổi bản chất của cuộc chiến tranh. Sau này, Phạm Xuân Ẩn kể lại: "Tôi không bao giờ dám đeo tấm huân chương đó cho đến khi nào cuộc chơi kết thúc. Tôi sẽ chỉ vui lòng đeo tấm huân chương ấy vào ngày miền Nam được giải phóng".
Ông Mười Nho, một chỉ huy của Phạm Xuân Ẩn thời gian đó, nhớ lại: "Năm 1962, ông Hai Trung (bí danh của Phạm Xuân Ẩn) đã gửi cho chúng tôi 24 cuộn phim về toàn bộ các kế hoạch liên quan đến chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ. Có đến cả một tỉ USD chúng tôi cũng không thể mua được những tài liệu như vậy. Sự hiểu biết về kẻ thù mà những tài liệu này cung cấp đã giúp chúng tôi chuẩn bị các kế hoạch đối phó với chiến lược của kẻ thù. Sự thất bại hoàn toàn của địch trong trận Ấp Bắc đã buộc Mỹ phải từ bỏ "chiến tranh đặc biệt" để tìm kiếm một chiến lược mới".
Chiếc chìa khóa bí mật
Ngày 1/11/1963, Ngô Đình Diệm và em trai của ông bị giết. Phạm Xuân Ẩn kể: "Nhiều người là cấp trên của tôi đã nhận định sai rằng sau khi loại bỏ Diệm, Mỹ sẽ tìm cách rút khỏi Việt Nam". Ngày 28/7/1965, Mỹ mới đưa ra cam kết quy mô lớn cho miền Nam Việt Nam. Thế mà từ năm 1964, Phạm Xuân Ẩn đã bắt đầu gửi đi những báo cáo về điều này trong thời kỳ Nguyễn Khánh làm quốc trưởng Việt Nam cộng hòa.
Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng CIA đã biết về những đề nghị bí mật của Nguyễn Khánh muốn bắt tay với Mặt trận Dân tộc giải phóng. Nguyễn Khánh sau đó bị phế truất. Phạm Xuân Ẩn nói: "Đó là lý do vì sao tôi biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ miền Nam Việt Nam. Sau này tôi mới biết rằng một số người ở Hà Nội đã nghĩ khác, nhưng lúc ấy tôi không biết họ đã nghĩ như thế nào. Tôi chỉ gửi cho họ sự phân tích trung thực của tôi và sau này mới biết là tôi được thưởng huân chương".
Cuối năm 1967, thiếu tá Tư Cang, 40 tuổi, tổ trưởng mạng lưới tình báo quân sự cụm H.63, đặt chân đến Sài Gòn. Trước đó vài tháng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ở Hà Nội đã thông qua nghị quyết về tổ chức một cuộc tổng tiến công và nổi dậy mới đánh vào "trung ương thần kinh của chính phủ bù nhìn miền Nam". Mục tiêu chính là Sài Gòn! Ngày hành động được ấn định vào Tết Mậu Thân, tức ngày 31/1/1968. Nghị quyết này chỉ dành cho chưa đầy ba tháng để thu thập tin tức tình báo và lên kế hoạch chiến lược cho trận tấn công.
Tướng Trần Văn Trà, chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng ở miền Nam từ năm 1963, lãnh trách nhiệm về các hoạt động chiến thuật và chiến lược trong cuộc tổng tiến công. Ông Trần Văn Trà phụ thuộc nhiều vào các mạng lưới tình báo ở Sài Gòn. Tư Cang hiểu rằng ông cần phải dành càng nhiều thời gian với điệp viên thượng hạng của mình là Phạm Xuân Ẩn thì càng tốt. Phạm Xuân Ẩn đã giúp đỡ Tư Cang vạch kế hoạch cho trận tấn công vào dinh tổng thống.
Phạm Xuân Ẩn gặp may vì tướng Westmoreland - tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam VN - đã tạo ra một hội đồng hợp tác bao gồm sự phối hợp toàn diện của các cơ quan dân sự và quân sự. Nhiều tổ chức cử đại diện vào tham gia hội đồng. Trong số những đại diện này có cả các nguồn tin của Phạm Xuân Ẩn đang làm việc ở các cơ quan như Bộ Nội vụ, Cảnh sát Quốc gia, và cả Tổ chức Tình báo trung ương miền Nam Việt Nam. Nhờ đó mà Phạm Xuân Ẩn có thể giúp Hà Nội cập nhật mọi thông tin.
Ông Tư Cang nói với tôi rằng: "Phạm Xuân Ẩn đã thật sự đóng góp vào những thay đổi lớn lao bắt nguồn từ kết quả của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Chẳng bao lâu sau, tướng Westmoreland bị thay thế, tổng thống Lyndon Johnson phải về vườn và Mỹ phải bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Phạm Xuân Ẩn đã góp phần vào việc lần ra manh mối về toàn bộ kế hoạch chiến tranh của Mỹ. Những báo cáo của Phạm Xuân Ẩn là một chìa khóa để hiểu việc Johnson phải đi tới Paris tìm kiếm hòa bình".
Phạm Xuân Ẩn được thưởng tấm huân chương thứ ba vì những đóng góp trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Một sứ mạng cuối cùng của ông vẫn còn ở phía trước, đó là tham gia đánh bại chế độ Sài Gòn.
(Theo Tuổi Trẻ)