Tại trung tâm thành phố Istanbul, những lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ phủ kín Quảng trường Taksim. 5 ngày trôi qua kể từ khi cuộc đảo chính quân sự bị dập tắt, người dân vẫn đổ xuống đường để thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và bộ máy chính quyền, theo BBC.
Công viên Gezi, nơi ba năm trước là tâm điểm của các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, giờ khoác lên mình một chiếc áo hoàn toàn khác. Những tấm biểu ngữ ghi dòng thông điệp "Chủ quyền thuộc về quốc gia" xuất hiện tràn ngập.
Hàng nghìn người tối 20/7 tập trung tại đây để cùng xem Tổng thống Erdogan phát biểu trên những màn hình khổng lồ. Khi ông ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng trên cả nước, một số người trong đám đông vỗ tay hưởng ứng, cho thấy họ đánh giá cao biện pháp mới này.
Ông Erdogan cam kết nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị tổn hại, đồng thời các quyền cơ bản cũng như quyền tự do của dân chúng cũng không chịu ảnh hưởng.
"Nền dân chủ không thỏa hiệp" là tiêu đề một bài viết đăng trên một nhật báo thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ số ra hôm qua. Bài báo nhấn mạnh vào những bình luận mà ông Erdogan đưa ra. Một bài khác giật dòng tít: "Tình trạng khẩn cấp cho những kẻ âm mưu đảo chính, hòa bình cho dân chúng".
Nhưng đó không phải tâm trạng chung của tất cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Một số chuyên gia, nhà phê bình lo ngại tình trạng khẩn cấp có thể đem đến cho Tổng thống Erdogan nhiều quyền lực hơn, đủ để ông thao túng cả quốc hội.
Trên đường phố Istanbul, người dân tỏ ra ngại ngần khi bàn về đề tài này. Những người đồng ý nói chuyện với BBC yêu cầu được giấu tên, chỉ tiết lộ phần họ.
"Tôi không nghĩ chúng tôi đáng phải nhận điều này", Sengul, một phóng viên, nói. "Cuộc đảo chính rõ ràng là rất khủng khiếp. Nhưng những gì chúng tôi trải qua lúc này cũng tồi tệ chẳng kém".
"Tình trạng khẩn cấp sẽ tác động xấu tới cuộc sống thường nhật của chúng tôi", cô cho hay.
Elif, kiến trúc sư, có chung nỗi lo âu với Sengul. "Chúng tôi chỉ đang nhảy từ chảo rán xuống lò lửa mà thôi", cô bình luận. "Việc hàng nghìn người bị bắt bớ trên cả nước sau khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp khiến chúng tôi mang suy nghĩ rằng cuộc sống rồi sẽ rất khó khăn".
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus hôm qua lên tiếng trấn an dân chúng, khẳng định chính phủ sẽ không ban bố lệnh giới nghiêm, các cơ chế thị trường tự do sẽ không bị ảnh hưởng và những quyền cơ bản của người dân sẽ không bị xâm hại.
"Công việc làm ăn của chúng tôi đã chịu tổn thất rồi đấy chứ. Người ta không còn muốn ra đường nữa, trừ khi có việc cần", Kemal, tài xế taxi, cho hay. "Hiện tại, chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi và nghe ngóng tình hình. Nếu họ lạm dụng quyền lực để ban hành các quy định trái khoáy, chúng tôi ắt hẳn sẽ phải đối mặt với những vấn đề mới lớn hơn", ông chia sẻ.
"Tôi thấy lo lắng cho tương lai Thổ Nhĩ Kỳ", một học giả phải hoãn chuyến công tác tới Canada vì ảnh hưởng từ cuộc đảo chính, nói.
Tại Trụ sở Tòa án Caglayan, Istanbul, gia đình của nhiều học viên quân sự bị cáo buộc tham gia đảo chính đang từng ngày mong ngóng những tin tức mới.
Cậu con trai 16 tuổi của Ahmet, hiện theo học tại một trường quân sự ở Istanbul, bị bắt sáng 16/7. Ông cho biết mới nhìn thấy con trai một lần kể từ đó đến nay và chỉ được vẫy tay với con từ đằng xa.
"Tôi lo lắm", ông nói. "Lũ trẻ này không biết chúng đã làm gì. Những kẻ lừa dối chúng mới đáng bị trừng phạt. Nhưng nhiều người nói rằng để có một phiên tòa công bằng là điều không thể".
Rifat, người cũng có con trai là học viên trường quân sự bị bắt, nói rằng cuộc sống của gia đình họ đã sụp đổ hoàn toàn. "Chúng tôi hiện không biết điều gì sẽ xảy ra với mình", Rifat bày tỏ. "Liệu họ có kéo dài thời gian bắt giữ? Liệu công lý có được thực thi?"
Xem thêm: Số phận kho vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính
Vũ Hoàng