Thủy thủ đoàn của tàu cá Naham 3 sẽ không bao giờ quên ngày 26/3/2012, khi một chiếc tàu nhỏ tiến về phía tàu ở phía tây Ấn Độ Dương, gần Seychelles, một quốc gia châu Phi.
"Đó là những tên cướp biển! Đó là hải tặc!", thuyền trưởng hét lên.
Thủy thủ đoàn gồm 29 người từ Trung Quốc, Cambodia, Indonesia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam bị cướp biển cầm giữ trong 4,5 năm. Thuyền trưởng thiệt mạng vào ngày bị hải tặc tấn công còn hai thủy thủ chết vì đau ốm. Ngày 22/10, 26 con tin còn lại được trả tự do và được đưa về nước.
Theo Guardian, thủy thủ Philippines Antonio Libref cho biết sau khi bị bắt, anh và các con tin bị giữ ở trên tàu Naham trong 1,5 năm trước khi được cho lên bờ. Những tên cướp biển không đánh đập con tin, tuy nhiên, thủy thủ người Campuchia Khorn Vanthy cho biết anh đã bị bắn vào chân khi muốn đi tiểu nhưng những tên cướp biển không cho phép.
Libref cho biết khi bị cầm giữ ở trong khu rừng ở vùng Sừng châu Phi, các con tin bị bỏ đói. "Chúng tôi chịu đựng rất nhiều khổ cực, chúng tôi được cho rất ít gạo, đậu và bột mì, vì vậy chúng tôi buộc phải bắt chuột để sống sót", anh nói. Họ làm lưới bằng dây thừng và thân cây để bắt chuột và chim, sử dụng gạo làm mồi.
"Một số thuyền viên liên tục nói 'chúng ta sẽ không bao giờ được về nhà. Chúng ta sẽ chết ở đây', Libres Jr nói. "Nhưng tôi không bao giờ bỏ cuộc".
Các thủy thủ cho biết họ chỉ được cho một lít nước một ngày, dù bị cầm giữ tại nơi rất nóng nực, có lúc nhiệt độ tăng lên hơn 37 độ C, theo NYTimes. Họ ở Dabagala, gần Harardheere, cách thủ đô Mogadishu của Somalia khoảng 400 km. Harardheere được coi là căn cứ của nhóm cướp biển.
"Trong thời gian bị cầm giữ, chúng tôi được ăn cơm một lần một ngày, không có đủ nước và gạo", Kin Koem Hen, người Campuchia, nói. "Họ cho chúng tôi rất ít nước.Vâng, chúng tôi nấu ăn trong rừng. Chúng tôi ăn bất cứ thứ gì".
"Ai cũng bị bệnh", con tin Đài Loan Shen Jui-chang nói. "Những tên cướp biển không mua thuốc cho chúng tôi, họ nói rằng họ không có tiền mua thuốc. Đó là lý do hai thanh niên chết", ông nói.
Libres không hiểu vì sao những kẻ bắt cóc có thể nhẫn tâm như vậy. "Hải tặc còn tồi tệ hơn cầm thú", Libres nói. "Các anh không thể hiểu được những người này".
Arnel Balbero, người Philippines, nói rằng anh cảm thấy như một "xác sống" khi bị giữ làm con tin.
Balbero cũng nói về khó khăn sau khi được thả: "Tôi không biết gì về thế giới bên ngoài nên rất khó để hòa nhập cuộc sống bình thường".
Xem thêm: 3 thuyền viên về nước sau 4 năm bị cướp biển giam cầm
Phương Vũ