Cuộc hội ngộ đầy cảm xúc của những người lính Xô - Mỹ là biểu tượng cho các nỗ lực của phe Đồng minh nhằm mục tiêu chiến thắng phát xít. Bằng việc hội quân tại sông Elbe, các binh sĩ Mỹ và Liên Xô đã thành công trong việc chia cắt quân đội phát xít Đức thành hai phần, đưa cuộc chiến tranh đến gần ngày kết thúc hơn.
Tối 27/4/1945, các tuyên bố được đưa ra đồng thời tại London, Matxcơva và Washington tái khẳng định quyết tâm của 3 nước Đồng minh trong việc tiêu diệt hoàn toàn Đức Quốc xã. Theo tuyên bố của chính phủ Anh hôm đó, các chỉ huy của một sư đoàn bộ binh Mỹ và một sư đoàn bảo vệ Liên Xô đã gặp nhau tại thành phố Torgau, phía nam Berlin, vào lúc 16h giờ địa phương ngày 26/4.
Nhưng trên thực tế, liên lạc trực tiếp lần đầu tiên giữa binh sĩ hai nước đã được thực hiện trong một cuộc trinh sát từ trước đó một ngày. Thời điểm đó, quân đội Mỹ đang tiến một cách vững chắc sang hướng đông sau khi chiếm được thành phố Leipzig của Đức Quốc xã. Do đó, việc các đơn vị tiên phong của Mỹ và Liên Xô gặp nhau chỉ còn là vấn đề thời gian.
Cái bắt tay đi vào lịch sử giữa trung uý Mỹ William Robertson (trái) và trung uý Liên Xô Alexander Sylvashko bên bờ Elbe. Ảnh: Wikipedia. |
Từ rạng sáng ngày 23/4, sóng radio liên lạc của quân đội Liên Xô bắt đầu xen lẫn vào sóng của các binh sĩ Mỹ. Một thượng sĩ Mỹ có thể nói tiếng Nga thuộc sư đoàn thiết giáp số 6 cho biết, anh đã thực sự nói chuyện được với các binh sĩ Liên Xô qua radio trong ngày hôm đó.
Ngay khi nhận tin trên, một số nhóm trinh sát của Mỹ được cử đi tiên phong để tìm bắt liên lạc với các đơn vị của Hồng quân Liên Xô. Nhiệm vụ này được giao cho một đội tuần tra gồm 35 người thuộc tiểu đoàn 3, sư đoàn bộ binh 69 do trung uý Albert L. Kotzebue chỉ huy. Khi Kotzebue và toán tuần tra đi bằng xe jeep tiến vào ngôi làng có tên Leckwitz lúc 11h30' ngày 25/4/1945, họ nhìn thấy một người lính đang đứng một mình.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, toán trinh sát Mỹ nhận thấy bộ quân phục của người lính nói trên rất khác so với những gì họ từng thấy trước đây. Vì đó là người lính Xô Viết mà lần đầu tiên họ được gặp trực diện. Một bác sĩ quân y Mỹ biết nói tiếng Nga được cử tới tiếp cận để tìm hiểu thông tin. Người lính Liên Xô cho biết, tổng hành dinh của đơn vị anh đóng ở phía đông vị trí mình đang đứng.
Trước tình huống này, trung uý Kotzebue quyết định đưa toán trinh sát tiến về phía sông Elbe. Khi tới ngôi làng Strehla, ông nhìn thấy nhiều người mặc quân phục tập trung bên kia bờ phía đông của sông Elbe. Tia sáng lấp lánh do mặt trời phản chiếu từ các tấm huân chương gắn trên ngực áo những người lính bên đó khẳng định với ông rằng, đây chính là những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô.
Trước đó, các chỉ huy cao cấp của quân đội Đồng minh đã vạch kế hoạch cho giây phút hội ngộ đặc biệt giữa quân đội Mỹ và Liên Xô và đây chính là lúc thời điểm lịch sử trở thành hiện thực. Theo thoả thuận về dấu hiệu để nhận biết nhau, binh sĩ Liên Xô sẽ bắn pháo sáng màu đỏ, còn quân đội các nước Đồng minh khác như Mỹ tiến từ phía tây sang sẽ bắn pháo sáng màu xanh lá cây.
Nhưng đối với những người lính trên chiến trường thì những thoả thuận về mặt dấu hiệu do các chỉ huy chuẩn bị từ trước hầu như chẳng có ý nghĩa gì. Họ tự sáng tạo ra những dấu hiệu nhận biết riêng theo cách của mình. Toán trinh sát của trung uý Kotzebue dùng các lá cờ Anh và Mỹ để ra hiệu với các binh sĩ bên kia sông. Họ vừa vẫy cờ vừa hô to "Americanski" và nhận được những cử chỉ thân thiện từ phía binh sĩ Xô Viết đáp lại.
Lúc đó trung uý Kotzebue phát hiện một chiếc thuyền nhỏ đang bị xích chặt ở bến tàu. Ông dùng một quả lựu đạn phá đứt xích rồi cùng 5 thành viên trong toán trinh sát bắt đầu vượt sông Elbe sang bờ phía đông. Trong khi đó, một thiếu tá Liên Xô và hai binh sĩ cũng tiến tới bờ sông để đón nhóm quân nhân Mỹ đang đến gần.
Vài phút sau khi chiếc thuyền cặp bờ, Kotzebue được trung tá Liên Xô Alexander T. Gardiev, tư lệnh trung đoàn 175 thuộc sư đoàn bảo vệ 58, quân đoàn 34 đón tiếp. Cuối buổi chiều ngày 25/4, các binh sĩ tuần tra khác trong nhóm trinh sát của Kotzebue cũng gặp những người lính Xô Viết trên cây cầu đã bị hư hại nặng bắc qua sông Elbe ở thành phố Torgau.
Cuộc gặp giữa những người lính Liên Xô và Mỹ tượng trưng cho sự chấm dứt của cả một hành trình dài đằng đẵng. Đối với các quân nhân sư đoàn bộ binh số 69 của Mỹ, hành trình này bắt đầu từ 2 năm về trước tại Camp Shelby, bang Mississippi. Từ đây họ lên đường tới nước Anh, sang Pháp, vượt sông Rhine, xuyên qua nước Đức tới thành phố Leipzig để cuối cùng đến ngày 25/4/1945, họ đến bờ đông sông Elbe. Còn đối với những người lính Xô Viết, để đến được bờ sông thuộc nước Đức và gặp những người lính Mỹ này, họ cũng phải trải qua một quãng đường hành quân và chiến đấu thấm đẫm máu bắt đầu từ Stalingrad.
Ngay sau cuộc hội ngộ của các binh sĩ Mỹ và Liên Xô, một loạt cuộc gặp giữa chỉ huy cao cấp của hai bên đã diễn ra. Ngày 26/4, thiếu tướng Reinhardt, tư lệnh sư đoàn bộ binh số 69 của Mỹ gặp người đồng cấp Liên Xô, thiếu tướng Rusakov, tư lệnh sư đoàn bảo vệ số 58. Một ngày sau, thiếu tướng Huebner, tư lệnh quân đoàn V của Mỹ cũng gặp thiếu tướng Liên Xô Balankov, tư lệnh quân đoàn 34. Đến ngày 30/4/1945, hai vị tư lệnh khác là Đại tướng Mỹ Hodges cũng gặp Đại tướng Liên Xô Zhadov để bàn về sự hợp tác nhằm tiêu diệt Đức Quốc xã.
Các cuộc gặp giữa chỉ huy quân đội hai nước Đồng minh Liên Xô và Mỹ đều diễn ra tại thành phố Torgau. Những cuộc gặp này ngày càng tăng về mức độ cấp bậc và sự chuẩn bị công phu hơn nhiều so với lần trước. Nhưng để lại ấn tượng hơn cả vẫn là cuộc hội ngộ giản dị và tự nhiên giữa những người lính Mỹ và Liên Xô ngày 25/4. Những người mặc hai loại quân phục hoàn toàn khác nhau, không hiểu ngôn ngữ của nhau những vẫn chia sẻ từng khẩu phần ít ỏi của mình trên chiến trường như miếng bánh bích quy hay hộp cá mòi.
Đình Chính (theo USMLMA.com, BBC)