Theo CNN, suốt nhiều thập kỷ, công chúng Mỹ cố gắng tìm hiểu xem bí mật gì được chôn giấu tại Khu vực 51, một cơ sở quân sự lưu giữ nhiều dự án tối mật thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ.
Còn đối với Joe Sheahan, khu vực này là nơi cha anh, người được chôn cất tại một dải đất cách nơi những chiếc máy bay do thám U-2 được hoàn thiện chỉ chừng 5 km. Gia đình anh sở hữu một mảnh đất tại Khu vực 51 trong hơn 100 năm qua.
Khu vực bí ẩn
Khu vực 51 là một cơ sở không quân Mỹ ở nam Nevada, cách Las Vegas 134 km về phía bắc tây bắc, có tên chính thức là "Khu huấn luyện và thử nghiệm Nevada". Đây một trong những địa danh bí ẩn nhất trên thế giới. Nhiều người cho rằng, nơi đây còn lưu lại mảnh vỡ của một chiếc đĩa bay rơi xuống vùng Roswell năm 1947 và chính phủ Mỹ sử dụng địa điểm bí mật này để cất giấu thi thể và đĩa bay của người ngoài hành tinh.
Trong nhiều thập kỷ, không ai biết tới sự tồn tại của khu vực này. Mặc dù Khu vực 51 chưa bao giờ được công bố là một căn cứ bí mật, tất cả nghiên cứu và hoạt động ở đây là thông tin tối mật và nhạy cảm. Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (CIA) đến năm 2013 mới chính thức xác nhận sự tồn tại của Khu vực 51.
Luôn được canh phòng cẩn mật, Khu vực 51 là nơi đặt các trung tâm nghiên cứu, phát triển máy bay chiến đấu, máy bay không người lái cũng như những chương trình vũ khí tối mật của quân đội Mỹ. Máy bay do thám tầm cao Lockheed U-2, hay còn được gọi với cái tên "Quý bà rồng" được thử nghiệm tại khu vực này và sau đó được sử dụng trong suốt thời Chiến tranh Lạnh và khủng hoảng tên lửa Cuba. Mỹ còn tiến hành kiểm tra và đánh giá các máy bay chiến đấu Liên Xô bị bắt giữ trong Chiến tranh Lạnh tại đây.
Vì tính chất bí mật của khu vực này, có rất nhiều đồn đoán và giả thiết xoay quanh nó. Có người cho rằng đây là nơi diễn ra cuộc họp với người ngoài hành tinh, phát triển vũ khí chạy bằng năng lượng kỳ lạ, phát triển phương tiện kiểm soát thời tiết hay du hành thời gian và dịch chuyển tức thì.
Nhiều giả thiết cho rằng tại đây có một hệ thống đường sắt ngầm xuyên lục địa, một đường băng "tàng hình" chỉ hiện lên khi phun nước vào lớp ngụy trang, và thiết bị dựa trên công nghệ của người ngoài hành tinh. Nhiều cựu binh bác bỏ sự tồn tại của hệ thống đường sắt ngầm nhưng thừa nhận nhiều hoạt động tại Khu vực 51 diễn ra dưới lòng đất.
Cuộc chiến pháp lý
Tuần trước, Sheahan tới thăm mộ cha mình trong dịp anh nghĩ là lần cuối, bởi không quân Mỹ muốn mua lại mảnh đất này và tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp để có được nó. Gia đình của Sheahan, sở hữu khu đất phía nam Nevada này từ những năm 1880, không đồng ý với cái giá chính phủ đưa ra: 5,2 triệu USD cho toàn bộ hơn 160 ha đất kèm quyền khai mỏ.
Chính quyền đã cho họ thời hạn chót để chấp thuận đề xuất là 10/9 nhưng gia đình Sheahan đã nói không, và sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý. "Nếu tôi phải kết thúc vụ việc trắng tay, thì tôi cũng sẽ chấp nhận như vậy", Sheahan khẳng định. "Tôi sẽ không lùi bước và nhượng bộ họ". Gia đình đáp lại chính quyền bằng một bức thư điện tử khẳng định sẽ chỉ sẵn lòng đàm phán với mức giá họ tin là hợp lý.
Không quân Mỹ muốn có mảnh đất vì sau nhiều thập niên đưa gia đình Sheahan vào khu vực giới nghiêm cao, họ không thể tiếp tục đảm bảo an toàn cho gia đình này khi căn cứ hoạt động gần như 24/7.
"Chúng tôi cố gắng làm tất cả những gì có thể, bao gồm hủy nhiệm vụ khi họ xuất hiện", Thomas Dempsey, chỉ huy căn cứ cho biết. "Làm như vậy là tiêu tốn chi phí khổng lồ".
Nhưng gia đình Sheahan nói rằng hầu hết những hiểm nguy họ phải đối mặt đến từ chính quân đội. Họ nói rằng quân đội đã hăm dọa gia đình suốt từ khi không quân bắt đầu tiếp quản khu vực này những năm 1940. Không quân Mỹ hiện đang kiểm soát hơn 1,1 triệu ha đất ở nam Nevada.
"Tôi không tạo ra sự lộn xộn này, chính là họ", Sheahan nói. "Họ bao vây chúng tôi. Chúng tôi đã qúa chán việc trốn chạy".
Nhiều đầu đạn và vỏ đạn pháo được đặt trên bàn ăn nhà Joe Sheahan, khi 6 thành viên gia đình quây quần.
"Đó là những vỏ đạn .50 caliber (12,7 mm) chúng tôi tìm thấy ở khắp nơi trên khu đất", Sheahan cho biết. Gia đình họ tin rằng những viên đạn được máy bay bắn ra khi bay qua từ những năm 1940 để đe dọa gia đình, khiến họ phải rời đi. Nhưng họ vẫn ở lại, vận hành một nhà máy xử lý quặng cho tới khi các vụ thử hạt nhân được tiến hành tại đây, buộc họ phải ngừng hoạt động.
Nhà máy bị phá hủy năm 1954 do nổ. Gia đình cho rằng nguyên nhân có thể do một động cơ máy bay từ trên trời rơi xuống. Họ dẫn một bức thư từ một thanh tra cứu hỏa nói rằng "một vật thể hoặc thiết bị bên ngoài có khả năng là tác nhân".
Gia đình họ đã kiện không quân nhưng sau đó phải rút lại đơn vì không đủ tiền theo kiện, Joe Sheahan nói.
Trong bức thư rút lại đơn kiện năm 1959, Daniel Sheahan cáo buộc không quân "cố ý sử dụng đất đai của chúng tôi cho mục đích thử nghiệm quân sự và sau đó ép chúng tôi phải kiện tụng để bảo vệ bản thân".
Bức thư cũng là nhân tố khiến thế hệ tiếp theo của gia tộc Sheahan tiếp tục mất lòng tin, khi họ cho rằng thỉnh thoảng họ lại trở thành mục tiêu ngắm bắn khi tới thăm khu đất. Hồi tháng 7, Lisa Hegwood, một thành viên trong gia đình có phần tại khu đất, nói rằng cháu gái 7 tuổi của mình đã sợ hãi khi xe của gia đình bị chặn lại và một khẩu súng chĩa về phía họ.
"Thật chán nản khi thấy thế hệ này qua thế hệ khác phải trải qua việc này", Hegwood nói. "Còn tồi tệ hơn khi một đứa trẻ phải chứng kiến nó".
Không quân thì nói rằng họ không có hồ sơ cho thấy từng xảy ra những vụ đe dọa như gia đình Sheahan nêu, và tuyên bố tính chất bảo mật cao của khu vực khiến họ phải triển khai các biện pháp an ninh nghiêm ngặt.
"Mục tiêu của chúng tôi không phải dọa nạt, nhất là với một gia đình đã là những người trông nom tận tâm trong nhiều năm qua", ông Dempsey nói. Ông nói thêm rằng số tiền 5,2 triệu USD cao hơn nhiều mức giá thị trường của khu đất, nhất là khi khu mỏ đã đình trệ. Gia đình Sheahan thì không đồng tình với điều này, và cáo buộc không quân đã biến khu đất thành vùng đất "chết".
Không quân Mỹ thì đã có bước đi tiếp theo. Tuần trước, họ yêu cầu Bộ Tư pháp khởi động tiến trình tố tụng để giành quyền kiểm soát khu đất. Thẩm phán sẽ là người quyết định mức giá hợp lý là bao nhiêu, sau khi lắng nghe quan điểm từ các bên.
"Mọi người đều nói 'ôi không, cuối cùng anh sẽ chẳng được gì đâu'", Joe Sheahan chia sẻ. "Nhưng tôi sẽ không để họ lấy đi nơi ông nội, cha và mẹ tôi từng vất vả làm việc để có được".
Hoàng Nguyên - Phương Vũ