Trong giai đoạn khốc liệt nhất của Thế chiến 2, không quân Anh từng giành nhiều thắng lợi quan trọng trước quân đội Đức Quốc xã nhờ một loại chiến đấu cơ nhỏ có biệt danh Mosquito (Con muỗi). Đây chính là loại chiến đấu cơ "tàng hình" đầu tiên trên thế giới dù không hề sở hữu bất cứ công nghệ tác chiến điện tử hiện đại nào, theo Avionsmilitaires.
Những chiến đấu cơ Mosquito này bay rất nhanh, ném bom chính xác, nhiều lần làm quân đội Đức điêu đứng bởi các hệ thống radar phòng không của nước này hoàn toàn bị "mù" trước Con muỗi. Điều đặc biệt làm nên khả năng tàng hình của Mosquito là thân máy bay được chế tạo hoàn toàn bằng gỗ ép, một loại vật liệu hấp thụ sóng radar cực tốt so với kim loại nhẹ truyền thống được dùng trong ngành công nghiệp hàng không.
Theo nguyên lý, khi sóng điện từ của radar chạm vào máy bay thì sẽ xảy ra hiện tượng phản xạ và hấp thụ sóng. Độ phản xạ và hấp thụ này phụ thuộc vào tính dẫn điện của vật liệu chế tạo máy bay. Các chiến đấu cơ thời điểm đó hầu hết được chế tạo bằng kim loại nhẹ, có tính dẫn điện nên độ phản xạ sóng tương đối cao khiến hệ thống radar dễ dàng phát hiện chúng từ khoảng cách xa. Tuy nhiên, lớp vỏ bằng gỗ của Con muỗi có độ dẫn điện cực thấp, giúp nó hấp thụ phần lớn sóng radar, khiến các hệ thống radar của Đức gần như "bó tay" không thể phát hiện những chiếc Mosquito đang xâm nhập bầu trời.
Mosquito có tên đầy đủ là De Havilland Mosquito 98 (DH-98 Mosquito), là một loại chiến đấu cơ đa năng do kỹ sư người Anh Goeffrey de Havilland thiết kế và chế tạo theo đơn đặt hàng của Không quân Hoàng gia vào năm 1940.
Bộ Không quân Anh thời điểm đó yêu cầu các kỹ sư quân sự phải chế tạo được một chiến đấu cơ tốc độ cao có khả năng đối phó lại với các máy bay Bf 109 của phát xít Đức đang làm mưa làm gió trên chiến trường.
Dựa trên các mẫu máy bay dân sự do chính mính thiết kế trước đó, Havilland đệ trình lên các quan chức của Bộ Không quân bản thiết kế một máy bay siêu nhẹ có phần vỏ được làm hoàn toàn bằng gỗ. Ông cam kết máy bay này có thể bay cao hơn và nhanh hơn so với bất kỳ loại chiến đấu cơ nào trên thế giới, do đó không cần trang bị các hệ thống vũ khí phòng thủ.
Ban đầu Bộ Không quân đã bác bỏ ý tưởng của Havilland, coi đó là ý tưởng "điên rồ", và yêu cầu ông chế tạo loại máy bay ném bom bằng nhôm theo tiêu chuẩn. Điều này làm Havilland vô cùng thất vọng.
Tuy nhiên, cơ hội đã đến với Havilland khi tình trạng khan hiếm nhôm trong chiến tranh đã thay đổi suy nghĩ của các quan chức Bộ Không quân. Ngày 1/3/1940, họ yêu cầu ông sản xuất 49 mẫu máy bay gỗ ép đầu tiên với yêu cầu lắp thêm 4 khẩu pháo 20 mm ở đầu hai cánh máy bay.
Ngày 25/11/1940, DH-98 Mosquito có lần cất cánh thử nghiệm đầu tiên tại thành phố Hatfield của Anh, màn trình diễn tốc độ cao của Mosquito đã làm thỏa mãn những quan chức khó tính nhất trong Bộ Không quân vốn vẫn tỏ ra nghi ngờ về bản thiết kế của vị kỹ sư tài năng.
Được trang bị hai động cơ cánh quạt, thân làm bằng các loại gỗ ép nhẹ và bền như balsa Ecuador, bạch dương Canada và vân sam, Mosquito tỏ ra cực kỳ nhanh nhẹn và linh hoạt. Kết quả tính toán cho thấy, Mosquito bay nhanh hơn 32 km/h so với máy bay huyền thoại Spitfire, được đánh giá là máy bay chiến đấu có tốc độ cao nhất của quân đội Anh thời đó, và nhanh gần gấp đôi các loại máy bay ném bom khác.
Ngày 17/9/1941, Mosquito có chiến công đầu tiên với màn "đào thoát" ngoạn mục khỏi sự truy đuổi của ba chiếc Bf-109 Đức bay với vận tốc 615 km/h, sau khi thực hiện các hoạt động trinh sát trên lãnh thổ Đức kiểm soát tại châu Âu.
Thời gian sau đó chứng kiến những chiến tích huyền thoại của Con muỗi.
Ngày 30/1/1943, các phi đoàn Mosquito đã ném bom thủ đô Berlin đúng vào một dịp kỷ niệm lớn của Đức Quốc xã với sự có mặt của Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels và tư lệnh không quân Hermann Göring. Cuộc tấn công này đã biến lời tuyên bố của Göring rằng không một máy bay địch nào có thể lọt vào thủ đô nước Đức trở thành "trò hề". Toàn bộ máy bay Mosquito xuất kích ngày hôm đó đã trở về an toàn dù bị bắn trả quyết liệt.
Sau thắng lợi này, không quân Hoàng gia Anh sử dụng Mosquito cho các cuộc tấn công chính xác các mục tiêu có giá trị cao, trong đó có trụ sở của cơ quan mật vụ Đức Gestapo ở châu Âu, trụ sở của chính phủ Đức ở Berlin và các cơ sở sản xuất tên lửa đẩy V. Các cuộc oanh kích này đã gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho Đức, và làm các tướng lĩnh của Hitler nhiều lần phải giải trình với Hitler về tình trạng tụt hậu công nghệ quân sự.
"Mỗi lần nhìn thấy chiếc Mosquito là tôi lại thấy tức giận và ghen tị đến mức điên cuồng… Người Anh có trong tay các thiên tài, còn chúng ta chỉ có những thằng ngốc", Tư lệnh không quân Đức Hermann Göring từng thốt lên với các sĩ quan dưới quyền.
Bên cạnh nhiệm vụ ném bom, Mosquito cũng thực hiện nhiệm vụ như trinh sát, vận chuyển các hàng hóa quan trọng, nghi binh, đánh lạc hướng các máy bay chiến đấu của không quân Đức.
Theo một thống kê không chính thức, chỉ có 70 máy bay ném bom Mosquito bị bắn hạ, trong khi có tới 258 máy bay ném bom tốc độ cao của Đức bị Anh tiêu diệt. National Interest đầu năm 2014 đã xếp HD-98 Mosquito là một trong 5 loại máy bay ném bom đáng sợ nhất mọi thời đại, dựa trên các tiêu chí đánh giá về hiệu quả tác chiến so với các loại máy bay cùng thời cũng như về giá thành cạnh tranh.
Sau Thế chiến 2, do tốc độ máy bay ngày càng cao nên vật liệu gỗ đối mặt với những hạn chế về độ bền cũng như nguy cơ bốc cháy do ma sát mạnh với không khí. Hơn nữa gỗ và keo dán sử dụng trong quá trình lắp ráp Con muỗi trở thành điểm yếu của nó ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, khiến máy bay dễ bị cong vênh hoặc bong tróc. Mosquito dần được đưa ra khỏi biên chế và biến mất hẳn trong Không quân Hoàng gia Anh và các nước châu Âu.
Nguyễn Hoàng