Ông Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Arab - Hồi giáo - Mỹ
Dù thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những phát ngôn hay dòng tweet gây ồn ào, giận dữ, chuyến viếng thăm Arab Saudi của ông lại cho thấy một khía cạnh hoàn toàn khác. Ông đã có một bài phát biểu đúng lúc, đúng chỗ, theo Hill.
Hơn tất cả, Tổng thống Mỹ cần trấn an các lãnh đạo Hồi giáo có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Arab - Hồi giáo - Mỹ ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi, ngày 21/5 rằng ông không chủ trương chống Hồi giáo và không xem đạo Hồi là kẻ thù. Và Trump thực sự đã làm vậy với một giọng điệu hòa hoãn hơn hẳn, không quyết liệt như những gì ông từng thể hiện xuyên suốt cuộc đua vào Nhà Trắng.
Lời lẽ lịch sự và tôn trọng
Trump sử dụng ba đoạn đầu tiên trong bài phát biểu tại hội nghị để cảm ơn nước chủ nhà và nói về "vẻ tráng lệ" của đất nước cũng như "tấm lòng tử tế" của người dân Arab Saudi.
Ông nhắc đến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt và Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud vào năm 1945 trên một chiến hạm Mỹ tại Pháp, rồi sau đó "bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và chân thành đến từng nguyên thủ đáng kính" đã tới tham dự hội nghị.
"Sự hiện diện của các ngài cho thấy các ngài đã rất tôn trọng chúng tôi và tôi xin gửi lời chúc nồng nhiệt nhất từ đất nước tôi đến các ngài", ông Trump nói.
Tiếp đến, Trump khẳng định ông đang đứng trước họ "với tư cách đại diện của người dân Mỹ để đưa ra thông điệp về tình hữu nghị và hy vọng".
"Đó là lý do tại sao tôi thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến trung tâm của thế giới Hồi giáo, đến một quốc gia đang quản lý hai thánh địa thiêng liêng nhất trong tín ngưỡng đạo Hồi", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Những phát ngôn bày tỏ sự tôn trọng mà ông Trump đưa ra không được giật lên tiêu đề các báo song chúng giúp mang đến những người bạn và các đối tác chiến lược, cây bút Anthony H. Cordesman từ Hill bình luận. Chúng đặc biệt quan trọng đối với thế giới Arab và càng quan trọng hơn khi tiếng nói truyền đi những thông điệp ấy lại là của một người từng xem tất cả cộng đồng Hồi giáo như kẻ thù hay ngụ ý rằng đạo Hồi tự thân nó có thể mang tính thù địch và cực đoan.
Trong bài phát biểu, ông Trump cũng làm rõ rằng Mỹ sẽ củng cố các mối quan hệ hữu nghị lâu đời nhất của mình, bao gồm cả một số quốc gia Arab, trong công cuộc tìm kiếm các đối tác chiến lược.
Ông cam kết "Mỹ sẽ không tìm cách áp đặt lối sống của chúng tôi lên người khác nhưng sẽ dang rộng vòng tay chào đón họ trên tinh thần hợp tác và tin tưởng. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một liên minh các quốc gia cùng chia sẻ mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan và mang lại cho con em chúng ta một tương lai tràn đầy hy vọng".
Sau đó, Trump nhấn mạnh ông luôn dành sự tôn trọng đối với lịch sử và văn hóa Arab, đồng thời lưu ý rằng "Arab Saudi là quê hương của các thánh địa thiêng liêng nhất của một trong những tín ngưỡng vĩ đại nhất trên thế giới".
Né cụm từ nhạy cảm
Khi chuyển đến trọng tâm bài phát biểu: cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, sự lựa chọn ngôn từ của ông Trump thực sự đáng chú ý, chuyên gia nhận định. Ông tránh dùng những cụm từ nhạy cảm như "chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo" nhưng liên tục giải thích rõ rằng Mỹ sẽ tập trung vào các mối đe dọa đến từ "những kẻ khủng bố và cực đoan".
Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ rõ ràng về những gì ông trông đợi từ các nước hiện diện tại hội nghị khi nói rằng: "Không thể chung sống với kiểu bạo lực này. Không thể dung thứ nó, chấp nhận nó, không biện minh cho nó và không phớt lờ nó... Mỹ sẵn sàng kề vai sát cánh với các bạn để theo đuổi các lợi ích và mục tiêu an ninh chung. Nhưng các nước Trung Đông không thể chờ đợi sức mạnh Mỹ. Các nước Trung Đông phải quyết định tương lai mà họ muốn cho chính họ, cho đất nước họ và cho con em họ".
Ông Trump nhấn mạnh: "Một tương lai tốt đẹp hơn chỉ có thể đạt được nếu đất nước các bạn đánh bật những kẻ khủng bố và cực đoan. Hãy đánh bật chúng. Đánh bật chúng ra khỏi nơi thờ phụng của các bạn. Đánh bật chúng ra khỏi cộng đồng của các bạn. Đánh bật chúng ra khỏi đất thánh của các bạn. Và đánh bật chúng ra khỏi Trái Đất".
"Điều này đồng nghĩa ta phải thành tâm đối diện với cuộc khủng hoảng chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các nhóm khủng bố Hồi giáo... Điều này có nghĩa ta cần cùng đứng lên chống lại hành vi sát hại những người Hồi giáo vô tội, tình trạng áp bức phụ nữ, bức hại người Do Thái, sát hại người Công giáo. Các lãnh đạo tôn giáo phải hoàn toàn nhận thức được việc ấy và các lãnh đạo chính trị phải lên tiếng khẳng định một tư tưởng chung: 'Anh hùng cứu người vô tội, chứ không sát hại họ'", Tổng thống Mỹ quả quyết.
Theo Cordesman, đây đều là những thông điệp mạnh mẽ và gây ảnh hưởng rộng lớn trong thế giới Hồi giáo.
Ông Trump cũng khẳng định trong bài phát biểu rằng: "Người dân vô tội ở các nước Arab, Hồi giáo và Trung Đông đã phải hứng chịu tổn thất chí tử. Họ hứng chịu những đòn tàn sát và sự hủy diệt tồi tệ nhất trong làn sóng bạo lực điên cuồng này".
Theo Tổng thống Mỹ, "một thảm họa an ninh và nhân đạo trong khu vực đang lan rộng khắp hành tinh. Đó là thảm kịch với quy mô khủng khiếp". Ông cho rằng tổn thất thực sự mà các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS), al-Qaeda gây ra "không chỉ được tính bằng số người chết mà phải được tính bằng những thế hệ bị tước bỏ ước mơ".
Những lời lẽ trên đều được đa số người Hồi giáo đồng tình, đó đều là các thông điệp vượt lên nỗi sợ hãi, định kiến và chủ nghĩa biệt lập, cây bút Anthony H. Cordesman nhận xét. Chúng là những giá trị mà người Hồi giáo mong muốn ở một đối tác chiến lược. Chúng không thỏa hiệp với bất cứ khía cạnh nào của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Nhấn mạnh dung hòa tôn giáo
Trong bài phát biểu, ông Trump còn đề cập đến cả thương mại và đầu tư cũng như kế hoạch cải cách đến năm 2030 của Arab Saudi.
Đồng thời, ông không né tránh vấn đề Israel và sự cần thiết đối với mục tiêu dung hòa tôn giáo rộng rãi.
"Trong nhiều thế kỷ, Trung Đông từng là nơi chung sống của người Công giáo, Hồi giáo và Do Thái. Chúng ta phải dung hòa và tôn trọng lẫn nhau một lần nữa và biến khu vực này thành một nơi mà mọi đàn ông và phụ nữ, không phân biệt tín ngưỡng hay sắc tộc, có thể hưởng cuộc sống với phẩm giá và hy vọng. Nếu ba tín ngưỡng trên có thể cùng nhau hợp tác thì hòa bình trên thế giới có khả năng thành hiện thực, bao gồm cả hòa bình giữa người Israel và Palestine", Tổng thống Mỹ nói.
Cordesman kết luận một bài phát biểu không thể thay đổi cảm nhận của người Arab và người Hồi giáo về Tổng thống Mỹ hay nước Mỹ với tư cách một đồng minh. Phần lớn những cảm nhận này phụ thuộc vào nhiều năm và nhiều hành động sắp tới. Song lời nói thực sự quan trọng, đặc biệt là ở Trung Đông. Ông Trump đã dùng những lời lẽ đúng đắn để bắt đầu tái thiết những nền tảng đối với các mối quan hệ chiến lược của Mỹ ở thế giới Hồi giáo và Trung Đông cũng như ứng phó với những mối đe dọa thực sự cấp bách.
"Bài phát biểu ông Trump đưa ra là một khởi đầu đúng đắn với những thuật ngữ được chọn lựa đặc biệt kỹ càng và nó xứng đáng nhận được sự tôn trọng", Cordesman bình luận.
Hồng Vân