"Không nên có thêm cuộc đảo chính nào nữa. Tôi cho rằng từ 'đảo chính' nên bị xóa bỏ khỏi từ điển", tư lệnh lục quân Thái Lan Narongpan Jitkaewthae nói với các phóng viên tại thủ đô Bangkok hôm nay.
Phát biểu được đưa ra hai ngày trước khi Thái Lan tổ chức tổng tuyển cử bầu chính quyền mới, trong đó đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN) được quân đội hậu thuẫn đang đối mặt nguy cơ thất bại.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, 69 tuổi, lãnh đạo đảng UTN, đã nắm quyền liên tục sau cuộc đảo chính của quân đội năm 2014. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Thái Lan tính nhiệm kỳ của ông bắt đầu từ ngày 6/4/2017, ông vẫn có thể tiếp tục nắm quyền đến năm 2025 nếu tái đắc cử, theo giới hạn 8 năm được quy định trong hiến pháp.
Những khảo sát tiến hành trước bầu cử cho thấy các đảng đối lập đang chiếm lợi thế lớn. Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, của đảng Move Forward gần đây nổi lên là ứng viên thủ tướng sáng giá.
Đảng Pheu Thai, có liên hệ với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, được dự báo giành nhiều ghế nhất tại Hạ viện. Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, con gái ông Thaksin, là một trong ba ứng viên đại diện Pheu Thai. Cô tuyên bố Pheu Thai sẽ không lập liên minh cầm quyền với các nhóm được quân đội hậu thuẫn.
Tuy nhiên, giành đa số ghế tại hạ viện không đồng nghĩa với việc Pheu Thai và Move Forward có thể nắm quyền, do vị trí thủ tướng sẽ được lựa chọn bởi 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ. Các thành viên thượng viện vốn do chính quyền ông Prayuth chỉ định.
Đảng Pheu Thai đang kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu để mang tới chiến thắng áp đảo và ngăn quân đội giữ quyền lực, điều từng xảy ra khi ông Prayuth giữ chức thủ tướng nhờ sự ủng hộ của thượng viện hồi năm 2019.
Quân đội Thái Lan từng đảo chính thành công 13 lần và thất bại 9 lần trong hơn 100 năm qua. Cuộc đảo chính gần đây nhất diễn ra năm 2014 nhằm lật đổ bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin, sau 3 năm cầm quyền. Ông Thaksin cũng bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và đang sống lưu vong.
Vũ Anh (Theo AFP)