Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV ngày 8/1 cho biết tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 đã được triển khai tại khu vực cao nguyên và sa mạc phía tây bắc nước này, theo Japan Times. Tuy nhiên, CCTV không nói rõ thời gian loại tên lửa này được triển khai.
Thông tin được CCTV công bố chỉ một ngày sau khi hải quân Mỹ điều tàu khu trục tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc giấu tên cho rằng động thái triển khai tên lửa phát đi thông điệp cứng rắn tới Mỹ. "Ngay cả khi được triển khai tại các khu vực sâu trong đất liền Trung Quốc, tên lửa DF-26 vẫn có tầm bắn đủ xa có thể bao trùm cả Biển Đông", chuyên gia này nhấn mạnh.
DF-26 là mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung, được biên chế cho quân đội Trung Quốc vào tháng 4/ 2018. Được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", DF-26 có thể thực hiện các cuộc tấn công thông thường và hạt nhân nhằm vào mục tiêu trên bộ và trên biển.
Với tầm bắn 3.000-4000 km và được lắp thiết bị lướt siêu vượt âm có quỹ đạo rất khó đánh chặn, DF-26 được cho là có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không tối tân bảo vệ tàu sân bay Mỹ.
Giới phân tích nhận định rằng tên lửa DF-26 khi được phóng từ sâu bên trong nội địa Trung Quốc sẽ khó bị đánh chặn hơn so với khi phóng từ các khu vực gần bờ biển, bởi trong giai đoạn đầu hành trình, tên lửa bay ở tầm khá thấp và dễ bị phát hiện.