Các ứng viên đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc tranh luận tối 13/9 không ngừng công kích Tổng thống Donald Trump, gọi ông là "vấn đề", là người đào sâu "thù hận và chia rẽ" hay "tổng thống nguy hiểm nhất trong lịch sử đất nước".
Nhưng ngay cả khi chỉ trích gay gắt Trump, những ứng viên đảng Dân chủ nuôi tham vọng "lật đổ" ông vẫn có những dấu hiệu cho thấy họ sẽ tiếp tục thúc đẩy thứ mà dường như đã mang dấu ấn đặc trưng của Trump: Cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Với các lãnh đạo Trung Quốc, đây có thể là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy ngay cả khi họ đặt cược vào kịch bản Trump bị đánh bại trong cuộc bầu cử 2020 và phải rời Nhà Trắng năm 2021, quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn khó lòng thay đổi về bản chất.
Trong buổi tranh luận, dù các ứng viên đảng Dân chủ chỉ trích cách Trump xử lý cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, không ai cam đoan rằng họ sẽ nhanh chóng bãi bỏ những hàng rào thuế quan ông đã tung ra vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số người còn ngụ ý sẽ giữ nguyên chính sách thuế này.
Ứng viên Andrew Yang cho biết ông sẽ không "xóa bỏ thuế quan ngay lập tức", trong khi Thị trưởng Pete Buttigieg nói ông sẽ áp dụng chiến lược coi "thuế quan như đòn bẩy lợi thế". Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Minnesota Amy Klobuchar thừa nhận bà ủng hộ đòn thuế đánh vào thép nhập khẩu từ Trung Quốc song cho rằng phạm vi áp thuế của Trump quá rộng và làm tổn thương cả các đồng minh.
Klobuchar và những ứng viên khác chủ yếu nhắm vào những hậu quả tiêu cực của đòn thuế đối với người dân Mỹ. "Trump khiến chúng ta mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại và ông ấy đang coi những người công nhân, nông dân như quân bài trong sòng bài sắp phá sản của mình", Klobuchar nhấn mạnh.
"Ông ấy thực hiện chính sách thương mại bằng những dòng tweet, dường như chỉ nhằm thỏa mãn cái tôi mong manh", ứng viên Kamala D. Harris bình luận. "Nó khiến nông dân Iowa phải đổ đậu tương vào sọt rác, ngồi chờ phá sản".
Theo ứng viên Joe Biden, phó tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama, vấn đề không nằm ở thâm hụt thương mại giữa hai nước, mà nằm ở việc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ. "Họ đang vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Họ bán phá giá thép. Đây là vấn đề khác hoàn toàn so với việc họ bán phá giá nông sản".
Trong số các ứng viên, Julian Castro là người hăm hở đàm phán với Bắc Kinh hơn cả. "Khi tôi trở thành tổng thống, tôi sẽ lập tức ngồi vào bàn thảo luận với Trung Quốc để đẩy lùi cuộc chiến thương mại", ông nói.
Không giống những lần bầu cử tổng thống Mỹ trước đây, chủ đề liên quan tới Trung Quốc dường như đang chiếm lĩnh các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại trước cuộc bỏ phiếu tháng 11/2020. Chiến dịch của Trump coi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là một phần quan trọng trong phương hướng vận động tranh cử.
Trong một cuộc khảo sát gần đây do Washington Post thực hiện, 6 ứng viên, bao gồm cả những người đang dẫn đầu như thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren hay thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, từng tuyên bố họ sẵn sàng duy trì mức thuế cao với Trung Quốc nếu được bầu làm tổng thống Mỹ. 10 ứng viên không đưa ra câu trả lời rõ ràng.
4 ứng viên tuyên bố sẽ không duy trì thuế quan với Trung Quốc nhận được tổng tỷ lệ ủng hộ chưa đầy 3,5% trong cuộc thăm dò gần đây.
Bắc Kinh trước đây có thể cho rằng các cử tri Dân chủ nhìn chung phản đối việc áp đặt hàng rào thuế quan cao với hàng hóa nước này. Nhưng theo khảo sát của Washington Post, quan điểm về Trung Quốc đã chuyển biến tiêu cực trong vòng một năm qua, trong đó 60% người Mỹ giờ đây có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc.
Trung Quốc nếm trải cơn bão chiến tranh thương mại hơn một năm qua và bắt đầu nắm bắt được cách đối phó với lập trường thất thường của Trump. Dù một tổng thống Dân chủ mới có thể là nhà đàm phán dễ đoán hơn Trump, cuộc tranh luận ngày 13/9 cho thấy họ chắc chắn không phải đối thủ dễ chơi, chuyên gia nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)