Lãnh đạo Trung Quốc gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: tiền Trung Quốc có thể được sử dụng làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại. Bằng cách hạ giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp kỷ lục trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thể hiện lập trường cứng rắn trong cuộc đọ sức kéo dài giữa hai siêu cường kinh tế.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng ông Tập có ít sự lựa chọn khi đối mặt với người khó đoán như Tổng thống Trump. Ông cần phải thể hiện sự mạnh mẽ, không thể để công chúng trong nước coi là nhún nhường trước nước ngoài. "Ông ấy quyết tâm kháng cự và muốn người Mỹ phải lùi bước trước", Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, nói.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên cao sau khi Trump tuần trước thông báo sẽ áp thuế 10% đối với thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9. Quyết định của ông được đưa ra chỉ một ngày sau khi các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đàm phán thương mại ở Thượng Hải.
Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp hơn tỷ giá 7 tệ đổi lấy một USD. Bắc Kinh cũng tuyên bố ngừng nhập nông sản Mỹ. Trump ngày 5/8 liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Truyền thông chính thức Trung Quốc có giọng điệu gay gắt với Mỹ. Báo đảng People's Daily không nhắc đích danh ông Trump nhưng chỉ trích Washington "bị ám ảnh về các đặc quyền của Mỹ" và "cực kỳ vô trách nhiệm". Tờ Global Times viết rằng "chính quyền thay đổi thất thường của ông Trump có thể đẩy mọi thứ đi quá xa, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà Mỹ không bao giờ lường trước được".
Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược của ông Tập có điểm tương đồng với ông Trump. Chủ tịch Trung Quốc cũng có một nhóm phụ tá cứng rắn bao gồm Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, người gần đây được thêm vào nhóm đàm phán với Mỹ.
"Ông Tập đang thể hiện mình là người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, không lùi bước trước những hành vi rất hung hăng từ phía chính quyền Trump", Victor Shih, phó giáo sư tại Đại học California, San Diego, nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chiến lược cứng rắn của ông Tập là "con dao hai lưỡi", việc "vũ khí hóa" tiền tệ chứa đựng nhiều rủi ro. Nếu nền kinh tế Trung Quốc xấu đi, nó có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của ông Tập.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ở tốc độ thấp nhất trong ba thập kỷ và dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Bắc Kinh đã nới lỏng giới hạn tiền để cho phép thi hành các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Nhưng để làm điều đó, nợ của Trung Quốc phải phình to. Chính quyền địa phương tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng này đang có mức thâm hụt cao. Việc cắt giảm thuế lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã khiến chính quyền trung ương thiếu nguồn thu cần thiết để giúp giải quyết tình trạng thâm hụt ở cấp địa phương.
Người tiêu dùng Trung Quốc, mặc dù muốn thể hiện tinh thần yêu nước, cũng bắt đầu cảm thấy khó khăn. Trong vài tháng qua, giá của các mặt hàng thực phẩm cơ bản như trái cây và thịt lợn đã gia tăng.
Ông Tập có thể tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến thương mại miễn là ông có thể kiểm soát được dự trữ ngoại hối của đất nước. Khi Trung Quốc để tiền tệ hạ giá đáng kể vào năm 2015, ngân hàng trung ương Trung Quốc cuối cùng phải chi một nghìn tỷ USD dự trữ để ổn định đồng Nhân dân tệ.
Nhưng ông Tập phải đối mặt với một tình huống phức tạp hơn, chủ yếu là do khát vọng nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ông muốn Trung Quốc trở thành nước có vị thế lớn mạnh về công nghệ và ông đã thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới.
Các dự án này đòi hỏi đồng USD vì đồng tiền Nhân dân tệ không được lưu hành rộng rãi bên ngoài Trung Quốc. Việc hạ giá đồng tệ có thể giúp Bắc Kinh bù đắp tác động của thuế quan đối với nền kinh tế, bằng cách làm cho hàng hóa Trung Quốc thêm tính cạnh tranh.
Tuy nhiên, nó sẽ đặt ra những hạn chế nặng nề đối với các công ty Trung Quốc kinh doanh ở nước ngoài đã vay bằng đồng USD. "Trung Quốc có thể không ngừng in đồng Nhân dân tệ nhưng họ không thể in đồng USD", Shih nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes)